Căn cứ yêu cầu tại công văn số 4510/BTP-VĐCXDPL ngày 14/11/2022 của Bộ Tư pháp về việc báo cáo tình hình thực hiện Chỉ số cải thiện các quy định của pháp luật năm 2022, căn cứ nội dung yêu cầu tại Đề cương gửi kèm, Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo tình hình thực hiện như sau:
I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Về chỉ đạo, điều hành
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành các quyết định, văn bản chỉ đạo, thực hiện các giải pháp cải thiện Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật:
- Quyết định số 1943/QĐ-BTTTT ngày 08/12/2021 của Bộ trưởng Bộ TTTT về việc phê duyệt Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2022; Quyết định số 1425/QĐ-BTTTT ngày 22/7/2022 của Bộ trưởng Bộ TTTT về việc điều chỉnh, bổ sung Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Quyết định số 2100/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ TTTT về việc ban hành Kế hoạch kiểm tra và Kế hoạch rà soát văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2022;
- Quyết định số 161/QĐ-BTTTT ngày 30/01/2022 của Bộ trưởng Bộ TTTT về việc ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2022; Quyết định số 607/QĐ-BTTTT ngày 31/3/2022 về ban hành kế hoạch triển khai công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính của Bộ TTTT năm 2022;
- Quyết định số 2095/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ TTTT Về việc tổ chức hội nghị tuyên truyền, giải đáp trực tiếp các chính sách pháp luật và khảo sát phục vụ xây dựng cơ chế chính sách liên quan tới lĩnh vực thông tin và truyền thông năm 2022;
- Quyết định số 148/QĐ-BTTTT ngày 27/01/2022 của Bộ trưởng Bộ TTTT về việc Ban hành Kế hoạch rà soát văn bản quy phạm pháp luật được giao tại Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV năm 2022
- Chỉ thị số 01/CT-BTTTT ngày 18/01/2022 của Bộ TTTT về định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2022 và giai đoạn 2022-2024.
2. Kết quả triển khai thực hiện
2.1. Về lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL
Trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình cơ quan có thẩm quyền đối với những văn bản quy phạm pháp luật gồm:
+ Về lập đề nghị xây dựng Luật: Bộ TTTT đã hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số dự kiến trình Chính phủ trước 10/12/2022.
+ Về chương trình xây dựng Luật, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ soạn thảo 03 dự án Luật gồm: (1) Luật giao dịch điện tử (sửa đổi); (2) Luật viễn thông (sửa đổi); (3) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Tính đến thời điểm này, Bộ đã bảo vệ thành công Luật Tần số vô tuyến điện đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 9/11/2022, Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 4 thảo luận cho ý kiến ngày 11/11/2022 và Luật viễn thông (sửa đổi) đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của và Cổng thông tin điện tử Chính phủ và gửi lấy ý kiến theo quy định của pháp luật.
2.2. Về xây dựng, ban hành văn bản QPPL
2.2.1. Xây dựng, ban hành văn bản QPPL
Trong năm 2022 (tính đến 05/12/2022), Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền 09 Nghị định của Chính phủ và 22 Thông tư của Bộ trưởng, cụ thể:
- Nghị định của Chính phủ: (1) Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản; (2) Nghị định số 25/2022/NĐ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính; (3) Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 26/7/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; (4) Nghị định số 48/2022/NĐ-CP ngày 8/9/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông; (5) Nghị định số 60/2022/NĐ-CP ngày 8/9/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam; (6) Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 01/10/2022 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình; (7) Nghị định số 72/2022/NĐ-CP ngày 4/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
60/2014/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in và Nghị định số
25/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
60/2014/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in; (8) Nghị định số 87/2022/NĐ-CP ngày 26/10/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam; (9) Nghị định số 92/2022/NĐ-CP ngày 02/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài tiếng nói Việt Nam.
- Thông tư của Bộ trưởng: theo Chương trình xây dựng văn bản QPPL của Bộ năm 2022, tính đến thời điểm 05/12/2022, Bộ TTTT đã ban hành 22 thông tư thuộc Chương trình đăng ký (trên tổng số 26 thông tư đăng ký xây dựng năm 2022).
- Ngoài ra, Bộ TTTT Về đang tiến hành xây dựng 2 dự thảo Nghị định và đã trình Chính phủ 01 Nghị định, gồm: (1) Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; (2) Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 13/4/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ quy định về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
- Về Chương trình công tác của Thủ tướng Chính phủ: Bộ đang xây dựng Quyết định của TTCP về Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước (văn bản đã được Bộ Tư pháp thẩm định, đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành).
2.2.2. Xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết: Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khoá XV, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đã được thông qua. Trên cơ sở nội dung Luật giao Chính phủ quy định chi tiết một số điều, Bộ TTTT đang triển khai xây dựng 01 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Văn bản quy định chi tiết sẽ ban hành đồng thời với dự án Luật sau khi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2023.
2.3. Công tác rà soát, kiểm tra văn bản QPPL
2.3.1. Về công tác rà soát văn bản QPPL
- Thực hiện hiệu quả Kết luận số 19-KL/TW ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sau đây gọi tắt là Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị) và Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20 tháng 10 năm 2021 của Đảng đoàn Quốc hội về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sau đây gọi tắt là Đề án của Đảng đoàn Quốc hội), trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc nghiên cứu, đề xuất xây dựng mới đối với 05 Luật (Luật Bưu chính, Luật Báo chí, Luật CNTT, Luật Viễn thông và Luật Giao dịch điện tử) theo đúng nhiệm vụ được giao.
Trên cơ sở ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ và các cá nhân, tổ chức có liên quan, Bộ TTTT đã hoàn thiện Báo cáo Chính phủ về kết quả rà soát như sau: (1) Báo cáo số 55/BC-BTTTT về Kết quả nghiên cứu, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Luật Bưu chính; (2) Báo cáo số 57/BC-BTTTT Kết quả nghiên cứu, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Luật Báo chí; (3) Báo cáo về rà soát Luật Viễn thông số 153/BC-BTTTT ngày 25/10/2022; (4) Báo cáo rà soát Luật Công nghệ thông tin số 151/BC-BTTTT ngày 25/10/2022; (5) Báo cáo rà soát Luật Giao dịch điện tử số 159/BC-BTTTT ngày 31/10/2022.
- Về việc công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần: Ngày 26/01/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 138/QĐ-BTTTT công bố danh mục VBQPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021 (cụ thể: có 25 văn bản hết hiệu lực toàn bộ gồm 05 Quyết định của Thủ tướng CP, 20 Thông tư của Bộ trưởng Bộ TTTT; 11 văn bản hết hiệu lực một phần gồm 10 Thông tư của Bộ trưởng Bộ TTTT và 01 Quyết định của Bộ trưởng Bộ TTTT).
- Rà soát toàn bộ các thông tư (bao gồm cả thông tư liên tịch) đang còn hiệu lực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giảm bớt các thủ tục, yêu cầu không cần thiết, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp và đời sống Nhân dân.
- Rà soát, thống kê, lập danh mục văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai thi hành Luật Cảnh sát cơ động.
- Rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật khắc phục sơ hở, bất cập, chồng chéo để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
- Rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Cư trú, bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.
- Rà soát những vấn đề cần tháo gỡ về chính sách.
- Rà soát quy định pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, quy hoạch đô thị.
- Rà soát các lĩnh vực của pháp luật chuyên ngành quy định quy định phải tổ chức đấu thầu.
- Rà soát, kiến nghị, đề xuất hoàn thiện pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
- Rà soát, xử lý hiệu lực văn bản QPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
2.3.2. Về công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL
- Bộ đã ban hành Quyết định số 2100/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2021 Ban hành Kế hoạch kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông năm 2022 và tổ chức triển khai thực hiện.
- Đối với công tác tự kiểm tra văn bản: Tính đến ngày 05/12/2022, Bộ đã tiến hành tự kiểm tra đối với 22 Thông tư do Bộ TTTT ban hành. Kết quả tự kiểm tra các văn bản cho thấy các văn bản QPPL đã ban hành đều bảo đảm sự phù hợp giữa hình thức văn bản với nội dung văn bản, giữa nội dung văn bản với thẩm quyền ban hành văn bản và tính thống nhất của văn bản trong hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành về báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông và CNTT; tuân thủ nghiêm túc quy trình, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành.
- Để có cơ sở tổng hợp công tác tự kiểm tra văn bản và lập danh mục văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ TTTT đã có Công văn số 5362/BTTTT-PC ngày 31/10/2022 gửi đến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, HĐND, UBND và Sở TTTT các tỉnh, thành phố đề nghị tự kiểm tra và lập danh mục VBQPPL có liên quan đến lĩnh vực TTTT.
- Thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền đối với 27 văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi về.
- Thực hiện việc gửi các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ TTTT ban hành có nội dung liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành khác như Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ KHCN, Thanh tra Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Gao thông vận tải, Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban dân tộc,…các văn bản được kiểm tra đều được ban hành đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục và nội dung văn bản không phát hiện sai sót.
2.4. Đánh giá chung về việc cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật
- Các nhiệm vụ chính trị và văn bản QPPL được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã được thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đồng bộ, phù hợp tình hình thực tiễn của ngành, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành của Bộ được thể chế hóa bằng pháp luật.
- Quá trình tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cơ bản đã tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ việc tổ chức soạn thảo, lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, Bộ, ngành có liên quan, xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Vụ Pháp chế trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.
- Việc xây dựng và ban hành các văn bản QPPL có tác động tích cực đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong công tác, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.
3. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
- Một số văn bản trong quá trình xây dựng còn gặp nhiều ý kiến khác nhau của đối tượng chịu sự tác động, đặc biệt trong bối cảnh phạm vi điều chỉnh của các văn bản liên quan đến các quy định về quản lý xuyên biên giới, các nội dung truyền đưa trên môi trường mạng…việc thống nhất nội dung chính sách quy định giữa cơ quan quản lý nhà nước với đối tượng chịu sự tác động của văn bản là một trong những yếu tố làm thời gian ban hành văn bản bị kéo dài;
- Một số chính sách quy định tại các văn bản do Bộ TTTT xây dựng có các quy định liên quan đến công tác quản lý nhà nước do Bộ, ngành khác chủ trì, do đó, việc chậm ban hành văn bản quản lý do phải chờ văn bản cấp trên ban hành cũng là một khó khăn về tính kịp thời, cấp bách trong việc sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ quản lý nhà nước phù hợp với thực tiễn hiện nay (ví dụ: việc ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP trong quá trình trình Chính phủ ban hành, cần phải chờ Luật Điện ảnh sửa đổi ban hành mới tiến hành đồng bộ các quy định có liên quan).
II. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định để thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04/7/2011 quy định chức năng, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.
2. Đối với Bộ, ngành
Đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, điều tiết, bổ sung biên chế cho Bộ TTTT để bố trí, phân bổ cho Vụ Pháp chế của Bộ theo quy định.