Thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV (sau đây gọi là Quyết định số 2114/QĐ-TTg), Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và thực hiện rà soát tổng số 128 văn bản có liên quan (bao gồm 41 luật, 58 nghị định, 27 Thông tư và 02 Thông tư liên tịch văn bản quy phạm pháp luật) và đã phát hiện ra 8 nhóm vấn đề với 27 nội dung có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí như sau:
Nhóm vấn đề liên quan đến các quy định về cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Hội nhà báo Việt Nam, cơ quan chủ quản báo chí gồm: liên quan đến phân cấp quản lý nhà nước về báo chí; quy định về quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương (Khoản 4 Điều 7 Luật Báo chí); Quy định về thu hồi giấy phép hoạt động báo chí (Điều 18, Điều 31 Luật Báo chí ); quy định về vai trò, trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam (Điều 8 Luật Báo chí) ; Quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí (Điều 15 Luật Báo chí),
Nhóm vấn đề liên quan đến quy định về đối tượng, điều kiện thành lập; mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, cơ chế kinh tế - tài chính của cơ quan báo chí gồm: mô hình, vấn đề của truyền thông hiện đại; quy định đối tượng, điều kiện thành lập cơ quan báo chí ( Điều 14 Luật Báo chí); loại hình hoạt động và kinh tế báo chí (
Khoản 1 Điều 21 Luật Báo chí)
Nhóm các quy định về nội dung thông tin báo chí gồm: Luật Báo chí chưa có quy định để thúc đẩy chuyển đổi số báo chí trong thời đại phát triển công nghệ 4.0 sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata…, thay đổi phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung; Quy định về tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí (điểm b khoản 2 Điều 4; khoản 1 Điều 12; Điều 14; điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 15; khoản 1 Điều 17; khoản 7 Điều 22; khoản 4 Điều 24); phân định nội dung thông tin báo chí với nội dung thông tin phục vụ thương mại, giải trí; Quy định về liên kết trong hoạt động báo chí (Điều 37 luật báo chí)
Nhóm quy định về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú không còn phù hợp, bất cập: Luật Báo chí chưa có quy định giới hạn số lượng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoặc quy mô cơ quan báo chí được thành lập văn phòng đại diện (số lượng); chưa quy định cụ thể một người không được làm trưởng văn phòng của nhiều văn phòng đại diện khác nhau; mô hình văn phòng đại diện không thống nhất; tình trạng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú buông lỏng quản lý, thiếu kiểm soát để một bộ phận nhà báo, phóng viên, cộng tác viên không thực chất hoạt động nghiệp vụ, lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi; tạo sức ép về làm kinh tế, thậm chí là giao, khoán chỉ tiêu doanh thu, quảng cáo cho văn phòng đại diện, nhà báo, phóng viên, cộng tác viên.
Nhóm vấn đề quy định về hoạt động tác nghiệp báo chí bao gồm: quy định về đội ngũ phóng viên chưa có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của phóng viên (khi đội ngũ này chưa đủ điều kiện để được cấp thẻ nhà báo); quy định về điều kiện, tiêu chuẩn nhà báo (Điều 27 Luật Báo chí); Quy định về trình tự, thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ nhà báo ( Điều 28, Khoản 5 Điều 28 Luật Báo chí).
Nhóm vấn đề quy định về tạp chí khoa học: quy định về khái niệm và đối tượng thành lập tạp chí khoa học (Khoản 16 Điều 3 và khoản 2 Điều 14); quy định của Luật Báo chí về tạp chí khoa học còn chưa đầy đủ để tạo cơ sở cho sự phát triển của sản phẩm này; chưa quy định về tiêu chí và điều kiện bảo đảm chất lượng khoa học; chưa quy định trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc bảo đảm chất lượng khoa học; người đứng đầu đóng vai trò quan trọng, mặc dù đã được ưu tiên hơn về điều kiện xét cấp thẻ nhà báo nhưng cần có uy tín, chuyên môn sâu để có thể phụ trách, biên tập, duyệt đăng các bài viết có hàm lượng nghiên cứu khoa học cao vấn đề này đang là khó khăn cho công tác hiệp y bổ nhiệm.
Nhóm vấn đề quy định khác trong Luật Báo chí bao gồm: quy định về báo in, tạp chí in, báo điện tử, tạp chí điện tử cần được phân biệt rõ ràng tránh nhầm lẫn( khoản 3 và 6 Điều 3, Khoản 15 Điều 3 Luật Báo chí); quy định về tên miền báo, tạp chí điện tử (Khoản 4 Điều 17) phải có ít nhất một tên miền “.vn” phù hợp với tên báo chí nhưng không khống chế số lượng tên miền của báo, tạp chí điện tử; quy định, khi thay đổi kỳ hạn xuất bản, số trang, khuôn khổ (Khoản 3 Điều 20 Luật Báo chí) chưa phù hợp với thực tiễn khi cơ quan báo chí có nhu cầu xuất bản các số báo đặc biệt trong đó thay đổi kỳ hạn xuất bản (gộp nhiều số), thay đổi khuôn khổ hoặc số trang và việc thay đổi này chỉ mang tính nhất thời, sau đó lại thực hiện theo quy định tại giấy phép; Luật Báo chí không giới hạn độ tuổi giữ chức vụ người đứng đầu cơ quan báo chí chưa phù hợp cần nghiên cứu bổ sung những điều kiện về độ tuổi, tình trạng sức khỏe đảm bảo sự minh mẫn để điều hành mọi hoạt động của cơ quan báo chí; quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí là có thẻ nhà báo ( Điểm c khoản 2 Điều 23 Luật Báo chí) chưa phù hợp với thực tế đối với một số cơ quan báo chí đặc thù, nhất là cơ quan báo chí trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; chưa có quy định về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm và cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí; thiếu quy định về chế độ lưu chiểu đối với loại hình bản tin, đặc san, trang thông tin điện tử tổng hợp ( Điều 52 Luật Báo chí) dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý, theo dõi, đánh giá nội dung, xử lý vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước.
Nhón vấn đề liên quan đến những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật khác có liên quan khác bao gồm : Chính sách thuế đối với báo chí vẫn áp dụng theo mô hình đơn vị sự nghiệp, thực hiện việc thông tin tuyên truyền theo nhiệm vụ chính trị, nhưng vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp tương đối cao, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động báo in là 10%; đối với hoạt động báo nói, báo hình, báo điện tử là 20%; Quy định về quảng cáo trên báo chí chưa phù hợp khi áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo đối với quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, cụ thể là quy định về “Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây”, “Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin bài”
Trên đây là một số những vấn đề đang còn bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật báo chí năm 2016 đã được Bộ TTTT đánh giá, báo cáo Chính phủ, chuyên mục Chính sách pháp luật được giới thiệu với bạn đọc và rất mong nhận tiếp tục nhận được ý kiến của quý vị. Trân trọng cảm ơn./.