Chính sách, pháp luật

Bộ Thông tin và Truyền tham gia góp ý với dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính

16/10/2024 13:47 CH

 Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 37) đã quy định “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Do vậy, việc xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính là cần thiết nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm và thực thi quyền con người; triển khai thực hiện quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật có liên quan về chuyển đổi giới tính, quyền nhân thân của người chuyển đổi giới tính; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về quyền chuyển đổi giới tính. Một trong những dấu mốc quan trọng là việc Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự kiến cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, cho thấy sự quyết tâm, nhân văn và quan điểm: “lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” của Đảng và Nhà nước ta.

         Theo dự kiến, Bố cục của dự thảo Luật gồm 7 chương, 31 điều: Chương I - Những quy định chung (Từ Điều 1 đến Điều 8); Chương II – Can thiệp y khoa và điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với người đề nghị can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính (Từ Điều 9 đến Điều 11); Chương III – Điều kiện, quy trình, thủ tục của bệnh viện trong việc can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính (Từ Điều 12 đến Điều 21); Chương IV – Công nhận giới tính đã can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính (Từ Điều 22 đến Điều 23); Chương V – Thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục công nhận giới tính đối với người đã can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính trước khi luật này có hiệu lực (Từ Điều 24 đến Điều 25); Chương VI – Trách nhiệm của cơ quan nhà nước về chuyển đổi giới tính (Từ Điều 26 đến Điều 29); Chương VII - Điều khoản thi hành (Điều 30 và Điều 31).
Ngày  06/3/2024 Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi công văn số 43/BST  đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho ý kiến về nội dung dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính. Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến như sau:
- Nhất trí với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Chuyển đổi giới  tính để thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đảm bảo và thực thi quyền con người về chuyển đổi giới tính, quyền nhân thân của người chuyển đổi giới tính.
- Về tính khả thi và dự án luật, tại dự thảo luật đangquy định tráchnhiệm chung cho các Bộ ngành, địa phương trong việc triển khai thi hành, đề nghị Ban soạn thảo trao đổi, thống nhất với Bộ ngành có liên quan để quy định cụ thể, khả thi hơn.
Ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông đã được Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính - Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu và hoan thiện dự thảo Luật.

Vụ Pháp chế - Bộ Thông tin và Truyền thông