Ngày 27/6/2024, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025. Luật gồm 03 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 43 điều; bổ sung 02 điều mới; bãi bỏ 02 điều và một số điểm, khoản của Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản giao Chính phủ quy định cụ thể về việc trả giá, chấp nhận giá trong đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Do đó, cần quy định cụ thể về các nội dung này trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản để đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng, đồng bộ cho việc đấu giá tần số vô tuyến điện, góp phần hoàn thiện trình tự, thủ tục đấu giá hiệu quả tài sản đặc thù này.
1. Các giải pháp và đánh giá tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và các đối tượng khác có liên quan
Giải pháp 1. Áp dụng quy định của các Nghị định về đấu giá tần số vô tuyến điện đã được ban hành để thực hiện (Nghị định số 88/2021/NĐ-CP ngày 01/10/2021 của Chính phủ về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần; Nghị định số 63/2023/NĐ-CP ngày 18/8/2023 uy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2022/QH15)
* Tác động tiêu cực:
Quy định của các Nghị định về đấu giá tần số vô tuyến điện đã ban hành trước đây không quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tần số vô tuyến điện. Việc trả giá, chấp nhận giá quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản là các nội dung mới, cần thiết nghiên cứu, quy định cụ thể.
* Tác động tích cực: Không có.
Giải pháp 2.Quy định cụ thể về trả giá, chấp nhận giá trong đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện
Các quy định này cụ thể như sau:
- Tiêu chí lựa chọn cách thức trả giá, chấp nhận giá.
- Điều kiện tổ chức cuộc đấu giá.
- Việc trả giá, chấp nhận giá theo hai giai đoạn gồm giai đoạn xác định số lượng khối băng tần trúng đấu giá và giai đoạn xác định vị trí khối băng tần trúng đấu giá gồm vòng chấp nhận giá chính, vòng trả giá bổ sung, xác định số lượng khối băng tần trúng đấu giá, xác định vị trí khối băng tần trúng đấu giá, xác định tiền trúng đấu giá.
- Việc trả giá theo số lượng các khối băng tần đăng ký mua và được thay đổi khối băng tần trả giá tại các vòng đấu giá gồm giá khởi điểm và giá trả hợp lệ đối với từng khối băng tần, xác định người trả giá cao nhất tạm thời đối với từng khối băng tần, điểm quyền tham gia đấu giá.
a) Tác động đến kinh tế:
Việc quy định cụ thể về việc trả giá, chấp nhận giá trong đấu giá tần số vô tuyến điện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng hình thức này, từ đó, thúc đẩy việc bán đấu giá tần số vô tuyến điện thuận lợi, hiệu quả, tăng thu ngân sách nhà nước.
b) Tác động đến cá nhân, tổ chức trong xã hội
* Tác động tích cực:
Đảm bảo tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá và cá nhân, tổ chức có liên quan.
* Tác động tiêu cực: Không có
c) Tác động về giới: Không có
d) Tác động về thủ tục hành chính
Không có.
đ) Tác động đến hệ thống pháp luật
* Tác động tích cực:
Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và đầy đủ, rõ ràng trong các quy định pháp luật về đấu giá tần số vô tuyến điện, qua đó, góp phần triển khai thi hành có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
* Tác động tiêu cực: Không có.
2. Lựa chọn giải pháp
- Giải pháp được đề nghị lựa chọn: Giải pháp 2: Quy định cụ thể về trả giá, chấp nhận giá trong đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện
- Cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách nói trên: Chính phủ.
3. Lấy ý kiến về giải pháp:
Quá trình xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu giá tài sản và lấy ý kiến chính sách được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan, do Bộ Tư pháp chủ trì lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan, một số chuyên gia, đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tư pháp để lấy ý kiến rộng rãi.
4. Công tác giám sát và đánh giá
4.1. Cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành
Trách nhiệm thi hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu giá tài sản là trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan, trong đó trách nhiệm chính là Chính phủ với vai trò là cơ quan hành pháp có trách nhiệm tổ chức thi hành.
4.2. Giám sát, đánh giá việc thực hiện
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát thi hành Nghị định. Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát việc triển khai thi hành Nghị định trong phạm vi địa phương.