Chính sách, pháp luật

Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 8/11/2013 của Chính phủ về khu công nghệ thông tin tập trung

19/11/2024 09:08 SA

 I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ ĐỊNH SỐ 154/2013/NĐ-CP

1. Cơ sở chính trị, pháp lý
- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Đại hội đảng lần thứ 13 đã xác định “Phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức cụm liên kết ngành, nhóm sản phẩm chuyên môn hóa và tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao và theo lợi thế của các địa phương tại một số vùng, địa bàn trọng điểm”.
- Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định “- Đổi mới mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung”; “- Xây dựng và triển khai chiến lược phát triển hạ tầng thông tin, hạ tầng số, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông cho giai đoạn tới theo định hướng hạ tầng số là thiết yếu, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt, ưu tiên đầu tư phát triển nhanh, đi trước một bước. Phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng văn hóa, xã hội.”.
- Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế và các văn kiện, chính sách khác của Đảng và Nhà nước.
- Luật Quy hoạch quy định: Quy hoạch ngành quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia theo ngành trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học; Quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Theo đó, khu công nghệ thông tin tập trung được xác định là một phần của Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông (quy hoạch ngành quốc gia); đồng thời, được xác định là một loại hình khu chức năng nên cần được xác định phương án phát triển trong quy hoạch tỉnh để bảo bảo triển khai hiệu quả, phù hợp với điều kiện và nguồn lực.
- Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/8/2022 của Chính phủ ban hành thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030; Chỉ thị 09/CT-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 quy định về khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung.
- Luật Đầu tư: các quy định tại Luật Đầu tư là một sở cứ quan trọng để xây dựng các quy định tại về triển khai dự án đầu tư hạ tầng và dự án lĩnh vực công nghệ thông tin vào khu công nghệ thông tin tập trong dự thảo Nghị định. Trong đó, các quy định về lựa chọn nhà đầu tư, trình tự cấp giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan đăng kí đầu tư,… là các sở cứ quan trọng để xây dựng nội dung của dự thảo Nghị định.
- Luật Đất đai: - Luật Đất đai: khu CNTT tập trung là một loại hình khu chức năng, việc triển khai dự án đầu tư xây dựng khu CNTT tập trung là dự án có sử dụng đất, do vậy các quy định tại Luật Đất đai 2024 là căn cứ quan trọng để xây dựng các nội dung tại dự thảo Nghị định. Hiện nay, Luật Đất đai 2024 đã bổ sung nội dung quy định về chính sách đất đai đối với khu CNTT tập trung. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng các nội dung của dự thảo Nghị định liên quan đến vấn đề đất đai.
Các văn bản nêu trên là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 154/2013/NĐ-CP của Chính phủ về khu CNTT tập trung nhằm tiếp tục thể chế hóa các định hướng, quan điểm, chủ trương nói trên của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả trong công tác phát triển khu CNTT tập trung.
2. Cơ sở thực tiễn và các vấn đề chính sách cần sửa đổi bổ sung
Sau hơn 10 năm triển khai thực thi, Nghị định số 154/2013/NĐ-CP đã bộc lộ một số nội dung quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn và không đồng bộ với một số quy định pháp luật chuyên ngành khác. Đặc biệt là một số vấn ảnh hưởng đến quá trình đầu tư, thành lập khu CNTT tập trung còn thiếu. Việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung là cần thiết nhằm giải quyết các tồn tại, vướng mắc về chính sách pháp luật. Đồng thời, bổ sung các quy định để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, tạo động lực thúc đẩy phát triển các khu CNTT tập trung nói riêng và ngành công nghiệp CNTT nói chung. Cụ thể như sau:
- Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung không phù hợp với Luật Quy hoạch
Năm 2017, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch, theo đó các quy định về quy hoạch theo các pháp luật chuyên ngành cần phải điều chỉnh theo Luật Quy hoạch, trong đó có Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung. Ngày 26/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030, trong đó giao Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi Nghị định số 154/2013/NĐ-CP bãi bỏ nội dung về quy hoạch phát triển khu CNTT tập trung (Điều 8).
Trên cơ sở đó, cần phải xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 154/2013/NĐ-CP trong đó bỏ quy định về Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung; các nội dung về quy hoạch phát triển khu CNTT tập trung sẽ được lồng ghép đưa vào Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông và quy hoạch tỉnh của các địa phương.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thực hiện Luật Quy hoạch, ngày 11/01/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 36/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó có nội dung về quy hoạch định hướng không gian phát triển đối với khu CNTT tập trung. Nội dung này đã được nghiên cứu, phân tích, tính toán theo chiến lược phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông và đồng bộ, phù hợp với các quy hoạch vùng, tỉnh.
- Các quy định về chính sách về đất đai đối với khu CNTT tập trung chưa phù hợp
Nghị định số 154/2013/NĐ-CP có quy định một số chính sách về đất đai như: “Được Nhà nước hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung; Được tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất; Được giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước tùy theo hình thức lựa chọn giao đất hoặc thuê đất; Được quyết định giá cho thuê đất, giá cho thuê lại đất đã xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất, cho thuê lại đất đã xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghệ thông tin tập trung cho nhà đầu tư khác theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về kinh doanh bất động sản”. Tuy nhiên, các chính sách này hiện không còn phù hợp với pháp luật hiện hành về đất đai 2024; một số chính sách khó thực thi như vấn đề nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng, miễn giảm tiền sử dụng đất.
Do vậy, cần phải xây dựng dự thảo Nghị định để sửa đổi các bất cập về chính sách đất đai nêu trên đối với khu CNTT tập trung.
- Thiếu quy trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng và dự án đầu tư lĩnh vực CNTT vào khu CNTT tập trung
Khu CNTT tập trung là một loại hình khu chức năng, tập trung hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác lĩnh vực công nghê thông tin. Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án đầu tư vào khu CNTT tập trung chưa được quy định trong hệ thống pháp luật. Cụ thể, Nghị định số 154/2013/NĐ-CP và pháp luật về đầu tư chưa có quy định về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng và dự án lĩnh vực CNTT vào khu CNTT tập trung.
Vướng mắc này đã làm cho hoạt động đầu tư xây dựng khu CNTT tập trung và cấp phép thực hiện dự án đầu tư vào khu gặp khó khăn vướng mắc trong thời gian qua, nhất là đối với các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Theo đó, cần phải xây dựng, hoàn thiện các quy định về quy trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng và dự án đầu tư lĩnh vực CNTT vào khu CNTT tập trung là hết sức cấp thiết.
Hiện nay, Bộ TTTT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung quy định liên quan đến quy trình đầu tư hạ tầng khu CNTT tập trung trong Luật sửa đổi Luật Đầu tư vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 11 năm 2024.
- Chưa có quy định về quản lý, vận hành và khai thác khu CNTT tập trung bằng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước
Hiện nay, hai khu CNTT tập trung hoạt động hiệu quả hàng đầu cả nước[1] đều được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đồng thời, qua nghiên cứu kinh nghiệm thành công của một số nước như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc thì các mô hình khu tương tự khu CNTT tập trung hoạt động hiệu quả phần lớn cũng được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định về quản lý, vận hành và khai thác khu CNTT tập trung được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước. Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì tài sản kết cấu hạ tầng khu CNTT tập trung được đầu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước chịu sự điều chỉnh của Luật này.
Ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng quy định về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đối với loại hình khu CNTT tập trung.
- Một số chính sách ưu đãi quy định tại Nghị định số 154/2013/NĐ-CP đã không còn phù hợp, đồng bộ với các chính sách pháp luật chuyên ngành khác mới được ban hành
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM): Theo quy định của Nghị định số 154/2013/NĐ-CP thì ĐTM là yêu cầu trong hồ sơ thành lập khu CNTT tập trung. Tuy nhiên, việc thành lập khu CNTT tập trung tại Nghị định số 154/2013/NĐ-CP chưa gắn với việc thành lập dự án đầu tư mới (chỉ tương tự chấp thuận chủ trương đầu tư) nên việc triển khai thực hiện chưa rõ đối tượng và nguồn kinh phí thực hiện.
Với cơ sở chính trị, pháp lý và thực tế nêu trên, việc xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 154/2013/NĐ-CP là cần thiết để bảo đảm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng trong phát triển CNTT nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động của các khu CNTT tập trung trên cả nước đồng thời phát huy hiệu quả quản lý nhà nước.
II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH
1. Mục đích
- Tạo hành lang pháp lý để xây dựng và phát triển các khu CNTT tập trung tạo ra cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp lĩnh vực CNTT hoạt động, góp phần phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước - ngành công nghiệp CNTT; tạo vườn ươm cho doanh nghiệp mới phát triển, cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hình thành các trung tâm đào tạo nhân lực công nghệ số phục vụ cho tiến trình chuyển đổi số quốc gia và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
- Thúc đẩy hình thành và phát triển các khu CNTT tập trung phù hợp với điều kiện, tiềm năng lợi thế cạnh tranh tại các địa phương để bảo đảm hiệu quả đầu tư; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển khu CNTT tập trung.
2. Quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định
- Thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng và phát triển khu CNTT tập trung phù hợp với xu thế phát triển xã hội.
- Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành; tránh việc quy định chồng chéo, mâu thuẫn; bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Kế thừa những quy định còn phù hợp của Nghị định số 154/2013/NĐ-CP; bổ sung những quy định mới để khắc phục một cách cơ bản một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật khu CNTT tập trung, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện chính sách.
III. Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định
Dự thảo Nghị định tập trung vào một số nội dung cơ bản như sau:
- Sửa đổi Khoản 3 Điều 7: sửa đổi quy định về tiêu chí quy định về mật độ xây dựng thuần khu CNTT tập trung phù hợp với quy chuẩn xây dựng mới được ban hành. Theo đó, quy định mới về mật độ xây dựng khu CNTT tập trung sẽ đáp ứng chỉ tiêu tương ứng với khu công nghệ cao và khuyến khích đầu tư theo mô hình xanh.
- Sửa đổi Điều 8 về Quy hoạch tổng thể khu CNTT tập trung thành “Phương án phát triển hệ thống khu công nghệ thông tin tập trung”: trong đó, quy định việc phát triển khu công nghệ thông tin tập trung phải phù hợp với quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông và quy hoạch tỉnh.
- Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 9 về điều kiện thành lập khu CNTT tập trung: bỏ nội dung việc thành lập khu CNTT tập trung phù hợp với Quy hoạch tổng thể khu CNTT tập trung thành và sửa đổi thành “Phù hợp với Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt” để phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.
- Bãi bỏ quy định tại Khoản 4 Điều 10: bãi bỏ quy định “Trường hợp thành lập hoặc mở rộng khu công nghệ thông tin tập trung chưa có trong quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin tập trung đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thủ tục trình xin bổ sung khu công nghệ thông tin tập trung vào quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin tập trung theo quy định tại Điều 8 và Điều 13 Nghị định” để phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.
- Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 11 về nội dung Đề án thành lập khu CNTT tập trung: sửa đổi các quy định nội dung Đề án thành lập khu CNTT tập trung như Báo cáo đánh giá tác động môi trường; mục tiêu phát triển, chức năng, nhiệm vụ, phương hướng phát triển các hoạt động công nghệ thông tin; định hướng phát triển các khu chức năng; đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội.
- Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 12 về nội dung Đề án mở rộng khu CNTT tập trung: sửa đổi các quy định nội dung Đề án mở rộng khu CNTT tập trung như Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Báo cáo tổng thể hoạt động khu; mục tiêu phát triển, chức năng, nhiệm vụ, phương hướng phát triển các hoạt động công nghệ thông tin; định hướng phát triển các khu chức năng; Các giải pháp tổ chức thực hiện việc xây dựng và quản lý khu.
- Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 17 về nội dung hồ sơ công nhận khu CNTT tập trung. Theo đó, sửa đổi “b) Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Quyết định phê duyệt dự án đầu tư cho Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của khu được đề nghị công nhận là khu công nghệ thông tin tập trung;” để phù hợp với quy định về dự án đầu tư.
- Sửa đổi Điều 19 về Mô hình, chức năng của đơn vị quản lý, vận hành, khai thác khu công nghệ thông tin tập trung. Theo đó, sửa đổi quy định về việc Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Tổ chức quản lý và ban hành quy chế hoạt động thành Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Việc này nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phân cấp, phân quyền cho địa phương.
- Sửa đổi Điều 21 về Hỗ trợ, ưu đãi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghệ thông tin tập trung. Theo đó, sửa đổi Điều 21 về các cơ chế chính sách ưu đãi đối với hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghệ thông tin tập trung phù hợp với pháp luật về đầu tư, đất đai; bỏ các quy định không khả thi trong thực tiễn triển khai như: Được giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Được ưu tiên vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước,…
- Sửa đổi các khoản 1, 4, 5, 6, 7  Điều 22 về Hỗ trợ, ưu đãi cho dự án đầu tư hoạt động trong khu công nghệ thông tin tập trung. Theo đó, sửa đổi Điều 22 về quy định Khu công nghệ thông tin tập trung là địa bàn ưu đãi đầu tư, áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư; bỏ các quy định không đủ cơ sở pháp lý triển khai trong thực tiễn như: được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hải quan trong quá trình xuất nhập khẩu, Được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia.
- Bãi bỏ Điều 23 về quy định Điểm thông quan trong khu công nghệ thông tin tập trung, vì việc mở điểm thông quan đã được quy định tiêu chí, điều kiện cụ thể trong pháp luật về hải quan.
- Sửa đổi Điều 25 về Vốn đầu tư xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung, sửa đổi các quy định về các quy định về nguồn vốn triển khai đầu tư xây dựng khu CNTT tập trung. Trong đó, bên cạnh nguồn vốn nhà nước, ưu tiên khuyến khích vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nhà nước sẽ bố trí nguồn vốn hỗ trợ đầu tư các hạ tầng xã hội, không kinh doanh phục vụ cho hoạt động chung của khu CNTT tập trung.
- Bổ sung Điều 25a. Quản lý tài sản kết cấu hạ tầng khu công nghệ thông tin tập trung được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước. Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì tài sản kết cấu hạ tầng khu CNTT tập trung được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước chịu sự điều chỉnh của Luật này. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định hướng dẫn đối với việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu CNTT tập trung[2]. Ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng quy định về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đối với loại hình khu CNTT tập trung. Theo đó, việc bổ sung quy định về Quản lý tài sản kết cấu hạ tầng khu công nghệ thông tin tập trung được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước là nhằm thực hiện hướng dẫn Luật quản lý, sử dụng tài sản công và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Sửa đổi điểm b và bổ sung điểm e khoản 2 Điều 27 về Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo đó, bỏ nhiệm vụ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung để phù hợp với Luật Quy hoạch; bổ sung Điểm e “Xây dựng nền tảng số để hỗ trợ, phục vụ công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ, thực hiện hoạt động quản lý, vận hành và phát triển đối với khu công nghệ thông tin tập trung; hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu công nghệ thông tin tập trung trao đổi, kết nối, sử dụng các dịch vụ do cơ quan nhà nước và đơn vị vận hành khu công nghệ thông tin tập trung” để thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý và phát triển khu CNTT tập trung. 
- Sửa đổi khoản 4 Điều 27 về Trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: sửa đổi các quy định trách nhiệm phù hợp với Luật tổ chức chính quyền địa phương, các quy định pháp luật chuyên ngành về đầu tư, xây dựng, môi trường,… để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong thực thi.
         Việc xây dựng Nghị định này để hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển khu CNTT tập trung trên cả nước, đáp ứng cuộc cách mạng chuyển đổi số và phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành nền tảng.
         Dự thảo Nghị định dự kiến trình Chính phủ trong tháng 12/2024.


[1] Công viên phần mềm Quang Trung và Công viên phần mềm Đà Nẵng.
[2] Đây là vấn đề vướng mắc mà Đà Nẵng đang gặp phải trong quá trình đầu tư mở rộng Khu CNTT tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố. Theo đó, để xử lý vướng mắc này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2024/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng trong đó quy định Về đầu tư, quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin là Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng”.

Vụ Pháp chế - Bộ Thông tin và Truyền thông