Ngày 09/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng
Theo đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP, Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12 quy định biện pháp thi hành việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng đối với dịch vụ, tài nguyên Internet; thông tin trên mạng; cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng… Mục tiêu là nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước phát triển lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài và tăng cường, bảo đảm an ninh thông tin.
Nghị định cũng sẽ ràng buộc trách nhiệm của người sử dụng và các nhà mạng nhằm sàng lọc
nội dung xấu độc, bảo vệ thông tin người dùng, bảo vệ thông tin người dùng, trên cơ sở đó để xây dựng và thúc đẩy một không gian số trách nhiệm, năng động và tích cực.
Theo các nhà cung cấp dịch vụ Internet, Nghị định 147 đã làm rõ quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Trong khi người dùng phải xác thực, chịu trách nhiệm về các nội dung, thông tin của mình thì các nền tảng cũng phải có những biện pháp bảo vệ thông tin, tránh lộ lọt dữ liệu, đảm bảo lợi ích và sự an toàn cho khách hàng.
Nghị định được ban hành kịp thời và đúng thời điểm khi hội đủ các điều kiện về hạ tầng công nghệ. Hiện tại, 100% người dân đã có mã số định danh hoặc căn cước công dân gắn chip, các tài khoản viễn thông, tài khoản thanh toán cũng đã được định danh.
Theo Nghị định 147, phạm vi áp dụng sẽ bao gồm toàn bộ các tổ chức, cá nhân ở cả trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ trên Internet. Vì vậy, Nghị định 147 là cơ sở để quản lý chặt chẽ, hiệu quả và đảm bảo cho một xã hội số minh bạch, lành mạnh và bình đẳng.
VềNội dung cơ bản của Nghị định 147:
Nghị định có 4 Chương, 84 Điều.
Chương I: Những quy định chung (từ Điều 01 đến Điều 04)
- Phạm vi điều chỉnh: Nghị định này quy định biện pháp thi hành việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, bao gồm: Dịch vụ Internet, tài nguyên Internet; Thông tin trên mạng; Cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; Giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.
- Đối tượng áp dụng: Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Chương II: Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, tài nguyên Internet (từ Điều 05 đến Điều 19) hướng dẫn chi tiết một số quy định về quản lý tài nguyên Internet tại Luật Viễn thông sửa đổi 2023
Chương III: Quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng (từ Điều 20 đến Điều 69)
1. Bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng theo nguyên tắc “các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tham gia quản lý ngành, lĩnh vực trên mạng”.
2. Điều chỉnh, bổ sung một số quy định về quản lý trang TTĐT, trang TTĐT tổng hợp, mạng xã hội nhằm quản lý hiệu quả nội dung thông tin cung cấp trên môi trường mạng, đảm bảo công bằng giữa tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như:
2.1. Bổ sung các quy định (áp dụng cả trong và ngoài nước cung cấp XBG) về chặn gỡ nội dung, dịch vụ vi phạm trong vòng 24 giờ, chặn gỡ kịp thời với nội dung, dịch vụ vi phạm an ninh quốc gia; khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản, trang, nhóm, kênh MXH thường xuyên vi phạm; xác thực và định danh tài khoản của người dùng bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân; bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội; yêu cầu chủ trang, kênh, nhóm MXH chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải và bình luận trong trang nhóm; MXH có trách nhiệm cấp xác thực cho các tài khoản, trang, kênh của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, người có ảnh hưởng tại Việt Nam… kiểm tra, giám sát và loại bỏ thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm quy định pháp luật; trẻ em (dưới 16 tuổi) không được tạo tài khoản MXH, khi sử dụng phải được sự cho phép của người giám hộ; MXH phải thỏa thuận với cơ quan báo chí khi dẫn nội dung trên MXH; cung cấp công cụ tìm kiếm theo yêu cầu của Bộ TT&TT, Bộ CA; công khai thuật toán phân phối nội dung với người sử dụng;
2.2. Quy định cấp phép và quản lý trang TTĐT tại Nghị định:
+ Trang TTĐT tổng hợp và mạng xã hội trong nước phải cấp phép.
+ Cấp phép với các MXH lớn (trên 10.000 lượt truy cập/01tháng hoặc có trên 1.000 người sử dụng thường xuyên trong tháng)
+ Cấp xác nhận thông báo các MXH nhỏ (dưới 10.000 lượt người truy cập/01tháng (số liệu thống kê trung bình trong thời gian 06 tháng liên tục) hoặc có dưới 1.000 người sử dụng thường xuyên trong tháng) => Bộ sẽ gắn công cụ để đo lường.
- Trang TTĐT của nước ngoài cung cấp XBG (có hosting tại Việt Nam hoặc có truy cập từ 100.000 lượt trở lên) phải thực hiện thủ tục thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông và tuân thủ trách nhiệm quy định tại Điều 23.
2.3. Bổ sung quy định để hạn chế tình trạng “báo hóa” trang TTĐT tổng hợp, mạng xã hội: Trang TTĐT tổng hợp chỉ được đăng phát chậm hơn 01 giờ so với tin gốc; Trang TTĐT tổng hợp có liên kết với báo điện tử chỉ được sản xuất về một số lĩnh vực nhất định; Báo điện tử chịu trách nhiệm nội dung liên kết; tỷ lệ tin bài liên kết không quá 50%; không sử dụng tên miền, tên trang gây nhầm lẫn báo chí; không được cho người dùng bình luận về các tin bài trên trang TTĐT tổng hợp; mạng xã hội không được sắp xếp bài viết của thành viên thành các chuyên mục cố định; không đăng tải, viết bài dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn và đăng tải lên mạng xã hội; đối với tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí, dãy ký tự tạo nên tên miền không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí, không sử dụng những từ ngữ thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí;
2.4. Đối với trò chơi điện tử:
- Điều chỉnh, cắt giảm bớt các điều kiện, thủ tục không cần thiết và giảm thời gian thẩm định, cấp phép, cấp đối với giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; quy định hạn chế giờ chơi của trẻ em;
- Phân cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông cấp Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ game G2, G3, G4 trên mạng và Giấy xác nhận phát hành trò chơi G2, G3, G4 trên mạng.
- Quy định về quản lý thẻ game.
3. Quy định về đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động và thu hồi Giấy phép/Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận hoạt động trang thông tin điện tử, mạng xã hội, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng khi vi phạm quy định tại Nghị định này.
Chương IV: Cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động (từ Điều 70 đến Điều 78)
- Đưa các quy định về quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động từ Thông tư lên Nghị định, bổ sung, điều chỉnh quy định về cấp/thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; Thống nhất 01 đầu mối quản lý và cấp GCN đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động
- Bổ sung thêm một số trách nhiệm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung, doanh nghiệp viễn thông nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng;
- Quy định về đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động khi vi phạm quy định tại Nghị định này.
Chương V: Giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng (từ Điều 79 đến Điều 81)
Bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ Internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông trong việc: Triển khai các biện pháp giám sá, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật; cung cấp thông tin thuê bao có dấu hiệu vi phạm pháp luật; ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật khi có yêu cầu; tham gia giao kết hợp đồng sử dụng dịch vụ Internet với các tổ chức, cá nhân; bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an.
Chương VI: Điều khoản chuyển tiếp và thi hành (từ Điều 82 đến Điều 84)
Quy định về thời hạn hết hiệu lực của các loại Giấy phép/Giấy chứng nhận đã được cấp theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và thời gian chuyển tiếp để thực hiện theo quy định tại Nghị định mới
Hiệu lực thi hành:
- Ngày, tháng, năm có hiệu lực: Từ ngày 25 tháng 12 năm 2024
- Bãi bỏ các quy định sau:
a) Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;
b) Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;
c) Điều 2 Nghị định số 150/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
- Điều khoản chuyển tiếp
1. Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2013/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực theo thời hạn đã được cấp.
Trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp nếu có hoạt động liên kết với cơ quan báo chí theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 24 Nghị định này thì phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 28 và khoản 1 Điều 29 Nghị định này.
2. Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội đã được cấp theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2013/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực theo thời hạn đã được cấp.
Trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải tiến hành rà soát và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) về tổng số lượt truy cập từ Việt Nam (total visits) thường xuyên trong 01 tháng (số liệu thống kê trong thời gian 06 tháng liên tục) và số lượng người sử dụng thường xuyên trong tháng trên mạng xã hội do mình quản lý.
3. Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng, Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng đã được cấp theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực theo thời hạn đã được cấp.
4. Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1 trên mạng đã được cấp sẽ hết hiệu lực khi Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng đã cấp cho doanh nghiệp theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP hết hiệu lực.
5. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các doanh nghiệp đã được cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử trên mạng theo quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP phải tiến hành rà soát, thống kê và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) về các trò chơi đang phát hành (danh sách và số lượng trò chơi đã được cấp phép kèm theo thông tin về trò chơi gồm: Tên trò chơi, phân loại độ tuổi, nguồn gốc trò chơi, phạm vi, phương thức cung cấp dịch vụ; danh sách và số lượng trò chơi đã dừng phát hành).
6. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các doanh nghiệp đã được cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử trên mạng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01 tháng 6 năm 2006 của liên Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Bưu chính, Viễn thông và Bộ Công an về quản lý trò chơi trực tuyến tiến hành rà soát, thống kê các trò chơi đang phát hành và thực hiện thủ tục đề nghị cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng theo quy định tại Điều 43, Điều 44 Nghị định này.
Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) tiến hành thẩm định và cấp lại Quyết định đối với những trò chơi điện tử G1 trên mạng đáp ứng các điều kiện theo quy định hoặc có văn bản thông báo dừng phát hành đối với những trò chơi điện tử G1 trên mạng không đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 43 Nghị định này.
Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày có văn bản thông báo dừng phát hành của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) thì doanh nghiệp phải dừng phát hành trò chơi.
7. Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng đã được cấp sẽ hết hiệu lực khi Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng đã cấp cho doanh nghiệp theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP hết hiệu lực.
8. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng theo quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP phải tiến hành rà soát, thống kê và báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động về các trò chơi đang phát hành (danh sách và số lượng trò chơi đã được cấp phép kèm theo thông tin về trò chơi gồm: Tên trò chơi, phân loại độ tuổi, nguồn gốc trò chơi, loại hình trò chơi cung cấp (G2, G3, G4), phạm vi, phương thức cung cấp dịch vụ); danh sách và số lượng trò chơi đã dừng phát hành.
9. Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động sẽ hết hiệu lực sau 90 ngày kể từ thời điểm Nghị định này có hiệu lực. Để tiếp tục cung cấp dịch vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Nghị định này, các tổ chức, doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo quy định tại Điều 71 Nghị định này.
10. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước thực hiện xác thực những tài khoản đang hoạt động của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 23 và điểm b khoản 3 Điều 27 Nghị định này.
11. Sau 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, nếu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 5, khoản 6, khoản 8, khoản 10 Điều này thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
12. Đối với hồ sơ hợp lệ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã nộp cho cơ quan có thẩm quyền đề nghị cấp Giấy phép/Giấy chứng nhận/Quyết định/Giấy xác nhận nhưng đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành chưa được cấp Giấy phép/Giấy chứng nhận/Quyết định/Giấy xác nhận thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013, Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2018, Điều 2 Nghị định số 150/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ, trừ trường hợp các bên lựa chọn áp dụng quy định của Nghị định này.