Ngày 22 tháng 10 năm 2024 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1236 /QĐ-TTg Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Tầm nhìn đến 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm các nước dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ chuỗi khối; đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ chuỗi khối trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thực hiện hóa mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng.
Công nghệ chuỗi khối là một trong những xu hướng công nghệ hàng đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối góp phần quan trọng xây dựng hạ tầng số tiên tiến, bảo đảm độ tin cậy và an toàn dữ liệu trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, góp phần tạo lập nền tảng phát triển công nghiệp công nghệ số, đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Mục tiêu của chiến lược quốc gia bao gồm phát triển hạ tầng chuỗi khối quốc gia, tạo môi trường cạnh tranh và nâng cao vị thế quốc gia. Đến năm 2025, mục tiêu tập trung vào việc thiết lập hạ tầng tuân thủ an ninh mạng, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng chuỗi khối, xây dựng 10 cơ sở đào tạo, và hình thành trung tâm thử nghiệm cũng như hệ sinh thái “Blockchain”. Đến năm 2030, mục tiêu là củng cố hạ tầng, ban hành tiêu chuẩn ứng dụng, đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu về nghiên cứu và phát triển chuỗi khối, xây dựng 20 thương hiệu uy tín và duy trì ít nhất 03 trung tâm thử nghiệm tại các thành phố lớn, cùng với việc có một cơ sở đào tạo nằm trong top 10 châu Á.
Các nhiệm vụ và giải pháp được phân chia thành 5 nhóm chính:
(i) Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động ứng dụng và phát triển chuỗi khối: rà soát, đánh giá và phát triển chính sách liên quan đến chuỗi khối, đảm bảo tính liên thông và mở trong các giao dịch, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý công nghệ.
(ii) Phát triển hạ tầng, hình thành hệ sinh thái công nghiệp chuỗi khối: tập trung phát triển hạ tầng chuỗi khối đảm bảo an ninh thông tin và xây dựng hệ sinh thái công nghiệp gắn với các công nghệ tiên tiến, thúc đẩy ứng dụng trong các dịch vụ công và thu hút đầu tư.
(iii) Phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực chuỗi khối: chỉ đạo các cơ sở giáo dục bổ sung chương trình đào tạo về công nghệ chuỗi khối, tổ chức các khóa học trực tuyến và chương trình bồi dưỡng, tập huấn về chuỗi khối cho đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân về nền tảng, dịch vụ trên nền tảng blockchain.
(iv) Thúc đẩy ứng dụng và phát triển thị trường: khuyến khích ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong những lĩnh vực như dịch vụ đô thị thông minh và xây dựng mô hình thử nghiệm kiểm soát hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
(v) Thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuỗi khối: tập trung vào nghiên cứu ứng dụng công nghệ chuỗi khối, thành lập các trung tâm nghiên cứu, tổ chức thi và hỗ trợ bảo hộ sáng chế, đồng thời thiết lập hợp tác quốc tế để kết nối và phát triển nguồn lực cho công nghệ chuỗi khối.
Bằng cách thực hiện các nhiệm vụ trên, Việt Nam hy vọng sẽ tạo một môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững của công nghệ chuỗi khối. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong phạm vi thẩm quyền của mình: cụ thể hóa Chiến lược bằng cách lồng ghép vào các kế hoạch 5 năm, hàng năm và đề án liên quan; xây dựng kế hoạch đầu tư công và dự toán ngân sách để thực hiện mục tiêu Chiến lược; triển khai các nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý; định kỳ báo cáo tình hình thực hiện
Quyết định 1236/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày ký. Đây là một bước đi quan trọng trong việc xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững của công nghệ chuỗi khối tại Việt Nam. Thông qua việc đưa ra các mục tiêu cụ thể, nội dung thực hiện và định hướng phát triển rõ ràng, chiến lược này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế mà còn góp phần vào việc xây dựng một xã hội số hiện đại, minh bạch và bền vững, khẳng định vai trò của đất nước trong nền kinh tế số toàn cầu.