Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật ngày 8/10/2024, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước cơ hội tiên phong trên thế giới trong việc xây dựng một khung pháp lý riêng cho ngành công nghiệp công nghệ số. Việc ban hành Luật này không chỉ là bước tiến lớn cho Việt Nam mà còn khẳng định vị thế của đất nước trong việc dẫn dắt xu hướng công nghệ toàn cầu. Với những chính sách đúng đắn, Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong, đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, khắc phục các hạn chế trong thực thi pháp luật hiện hành. Luật sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, ưu đãi cho ngành công nghiệp công nghệ số, kế thừa các quy định phù hợp và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Dự thảo bao gồm 08 Chương và 73 Điều, một số nội dung cơ bản, cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, bao gồm:
(i) Nghiên cứu và phát triểncông nghệ số: dự thảo Luật đã quy định một số nội dung về ưu tiên phát triển lực lượng nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia, nghiên cứu viên chất lượng cao; hình thành các cơ sở, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại; xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ số trọng điểm, tập trung vào các công nghệ số cốt lõi; có chính sách khuyến khích các tập đoàn công nghệ đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ số tại Việt Nam.
(ii) Về phát triển hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số: dự thảo luật khuyến khích huy động nguồn lực đầu tư của xã hội kết hợp với nguồn lực đầu tư nhà nước để xây dựng, phát triển các hạ tầng công nghiệp công nghệ số như: hệ thống thông tin về công nghiệp công nghệ số Quốc gia; trung tâm xử lý và lưu trữ dữ liệu; khu công nghệ số đảm bảo hiện đại, đồng bộ phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, địa phương.
(iii) Về hình thành hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số: dự thảo Luật đưa ra các chính sách thúc đẩy hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số, hỗ trợ các thành phần của hệ sinh thái, từ nghiên cứu, đào tạo, khởi nghiệp, sản xuất đến khi cung ứng ra thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại Việt Nam để từng bước hình thành một hệ sinh thái trong nước hoàn chỉnh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
(iv) Phát triển Doanh nghiệp công nghệ số: dự thảo luật đưa ra các chính sách phát triển thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số thông qua ưu tiên đầu tư, thuê mua sắm sản phẩm, dịch vụ trong nước; phát triển thị trường trong và ngoài nước cho doanh nghiệp công nghệ số; ưu đãi cho hoạt động sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số của doanh nghiệp; Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp công nghệ số.
(v) Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số: dự thảo luật đã quy định, làm rõ các loại hình dịch vụ, sản phẩm công nghệ số. Trong đó có chính sách ưu tiên sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng điểm, và quản lý chặt chẽ đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu có vai trò quan trọng và mang tính chiến lược quốc gia.
(vi) Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật: dự thảo Luật quy định về việc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, khu vực, nước ngoài giúp bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ công nghệ số, thúc đẩy cạnh tranh; giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số ứng dụng trong ngành, lĩnh vực của mình phụ trách.
(vii) Nhân lực cho công nghiệp công nghệ số: dự thảo có các chính sách phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng của ngành công nghiệp công nghệ số, trong đó chú trọng cơ chế thu hút nhân lực công nghệ số chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số chuyên nghiệp; khuyến khích, mở rộng các mô hình đào tạo mới.
(viii) Nội dung mới bao gồm công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, quản lý tài sản số, và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát
Công nghiệp Bán dẫn: là một phân ngành quan trọng của công nghiệp công nghệ số, đây là một phân ngành tương đối hoàn chỉnh, có quy mô đủ lớn. Dự thảo Luật quy định Chương “Công nghiệp bán dẫn” để bao quát các công đoạn của hoạt động công nghiệp bán dẫn, phù hợp với mục tiêu, đối tượng quản lý và đồng bộ với Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn mới được chính phủ ban hành.
Trí tuệ nhân tạo(AI): là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất. Luật đưa ra định nghĩa, các nguyên tắc quản lý và phát triển, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Tài sản số, tài sản mã hóa: Tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản theo quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan. Dự thảo Luật dự kiến giao Chính phủ quy định chi tiết loại hình, quản lý tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số hóa tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn; biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phòng chống, ngăn chặn, hạn chế và xử lý các rủi ro liên quan đến tài sản số.
Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát: là việc cho phép thử nghiệm có kiểm soát với phạm vi giới hạn về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng thử nghiệm đối với sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số, mô hình kinh doanh mới được tạo ra bởi hội tụ công nghệ số mà chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành. Dự thảo Luật quy định theo hướng phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh các địa phương, các Bộ ngành và trong một số trường hợp cần thiết, liên ngành thì mới trình Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường phân cấp và chủ động cho địa phương. Đồng thời, dự thảo Luật quy định về miễn trừ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thử nghiệm về dân sự, hành chính, hình sự theo quy định của pháp luật có liên quan, khi đã thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật và thiệt hại, rủi ro được xác định do nguyên nhân khách quan.
Chính sách ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số: Dự thảo Luật quy định ưu đãi đối với hoạt động công nghiệp công nghệ số: ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số trên nguyên tắc tham chiếu đến các quy định về ưu đãi hiện hành trong pháp luật về đầu tư, thuế, tín dụng, công nghệ cao, … Ngoài ra, dự thảo Luật quy định thêm một số ưu đãi trọng tâm, trọng điểm cho một số dự án đặc biệt, đặc thù trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, tập trung vào sản phẩm trọng điểm, phần mềm, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, trung tâm xử lý và lưu trữ dữ liệu trí tuệ nhân tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ số, đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ số.
Song song với việc đưa các quy định về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ vào dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ đang chủ trì sửa đổi các Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư, … để bảo đảm có chính sách ưu đãi cao nhất, trọng tâm, trọng điểm đối với những dự án có tính chất, quy mô đặc biệt, không dàn trải cho ngành công nghiệp công nghệ số bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tránh trùng lắp trong hệ thống pháp luật.
Công nghệ sinh ra để giải quyết vấn đề, ở đâu có vấn đề là ở đó có công nghệ và giải pháp. Luật Công nghiệp Công nghệ số với phạm vi điều chỉnh hoạt động công nghiệp công nghệ số, kỳ vọng sau khi được ban hành sẽ: (1) Thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số thành một ngành kinh tế có đóng góp lớn cho kinh tế đất nước đồng thời hạn chế những rủi ro nếu có trong các hoạt động công nghiệp công nghệ số; (2) Từng bước chuyển dịch các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chủ yếu từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất và làm chủ công nghệ lõi, hình thành một hệ sinh thái cho công nghiệp công nghệ số của Việt Nam; (3) Tạo thị trường trong và ngoài nước cho công nghiệp công nghệ số Việt Nam và thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghệ số thiết kế và sản xuất trong nước.