Chính sách, pháp luật

Chính sách ưu đãi thuế hiện hành có liên quan đến hoạt động công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số

09/09/2024 15:15 CH

 Pháp luật thuế hiện hành đã có nhiều chính sách ưu đãi ở mức cao nhất trong khuôn khổ pháp luật về thuế, được thực hiện thống nhất phù hợp với thực tiễn, nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển ngành khoa học, công nghệ nói chung và lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số nói riêng.

Các chính sách thuế được quy định tại các Luật thuế và thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đồng thời, tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị, của Quốc hội đều đã đặt ra mục tiêu, định hướng chủ yếu đối với công tác hoàn thiện các chính sách thuế. Bộ Tài chính đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể các Luật thuế để báo cáo Chính phủ, UBTVQH, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế, trong đó có nội dung đề xuất các chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, chính sách ưu đãi cho công nghệ thông tin, công nghệ số.
 
Về chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định về
(i) Miễn thuế nhập khẩu thuộc các trường hợp:
Thứ nhất, hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm;
Thứ hai, hàng hóa nhập khẩu là máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được, tài liệu, sách báo khoa học chuyên dùng sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ.
(ii) Ưu đãi thuế nhập khẩu đối với đối tượng ưu đãi đầu tư thuộc Danh mục ngành nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư ban hành kèm Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Mức ưu đãi cụ thể được quy định tại khoản 11, khoản 13 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 như:
Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế bao gồm: Máy móc, thiết bị; linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng để lắp ráp đồng bộ hoặc sử dụng đồng bộ với máy móc, thiết bị; nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị; Phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án; Vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được. Việc miễn thuế nhập khẩu được áp dụng cho cả dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng.
Miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm kể từ khi dự án bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư. Việc miễn thuế nhập khẩu này không áp dụng đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản; dự án sản xuất sản phẩm có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên; dự án sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
(iii) Tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP đã quy định một số ngành, nghề trong lĩnh vực công nghệ số thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư/đặc biệt ưu đãi đầu tư như:  Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Sản xuất sản phẩm phần mềm, sản phẩm nội dung thông tin số, sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm, dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin; sản xuất sản phẩm an toàn thông tin mạng và cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng; sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D); Sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ; Đầu tư kinh doanh trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển; Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT). Luật thuế GTGT quy định
(i) Đối tượng không chịu thuế GTGT đối với các trường hợp: Máy móc, thiết bị, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ; phần mềm máy tính.
(ii) Quy định áp dụng thuế suất 5% đối với dịch vụ khoa học, công nghệ theo quy định của Luật KHCN.
Về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Luật thuế TNDN quy định:
(i) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng CNC thuộc danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật CNC; ươm tạo CNC, ươm tạo doanh nghiệp CNC, đầu tư mạo hiểm cho phát triển CNC thuộc danh mục CNC được ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật về CNC, đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở ươm tạo CNC, ươm tạo doanh nghiệp CNC, sản xuất sản phẩm phần mềm, sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải, phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường; doanh nghiệp CNC, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC… được ưu đãi ở mức cao nhất (áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo).
(ii) Thu nhập từ chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được miễn thuế TNDN; chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì được giảm 50% số thuế phải nộp.
(iii) Miễn thuế không quá 03 năm đối với thu nhập từ thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đối với thu nhập từ bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam được miễn thuế tối đa không quá 05 năm kể từ ngày có doanh thu từ bán sản phẩm; thu nhập từ bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm trong thời gian sản xuất thử nghiệm theo quy định của pháp luật được miễn thuế TNDN.
(iv)  Miễn thuế đối với khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam.
(v) Về ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp KHCN
Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2019) quy định: Thu nhập của doanh nghiệp KHCN từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KHCN được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo).
(vi) Khuyến khích trích lập Quỹ phát triển KHCN
Theo Điều 17 Luật thuế TNDN, từ 01/01/2009, doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập trước khi tính thuế TNDN hàng năm để lập Quỹ phát triển KHCN. Riêng doanh nghiệp nhà nước còn phải bảo đảm tỷ lệ trích Quỹ tối thiểu theo quy định của pháp luật về KHCN (3%).
(vii) Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 06/10/2021 hướng dẫn khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo các tiêu chí về công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi, giá trị sản xuất trong nước. Theo đó, dự án thuộc đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư và đáp ứng các tiêu chí được quy định tại Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg thì được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt (mức ưu đãi thuế TNDN tối đa là thuế suất 5% trong 37 năm, miễn thuế 06 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 12 năm tiếp theo).
Về chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
(i) Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp số 48/2010/QH12 đã quy định cụ thể chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với các dự án đầu tư như:
Miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với: Đất của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; Đất của cơ sở thực hiện xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường.
Giảm 50% số thuế phải nộp đối với: Đất của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
(ii) Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư, lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư (Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư).
Về chính sách lệ phí trước bạ.Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ về lệ phí trước bạ quy định miễn LPTB đối với:
(i) Đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê sử dụng vào mục đích nghiên cứu khoa học theo giấy phép hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(ii) Đất thuê của Nhà nước theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm hoặc thuê của tổ chức, cá nhân đã có quyền sử dụng đất hợp pháp.
(iii) Nhà xưởng của cơ sở sản xuất; nhà kho, nhà ăn, nhà để xe của cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nhà xưởng theo quy định tại khoản này được xác định theo pháp luật về phân cấp công trình xây dựng.
(iv) Nhà, đất của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề; y tế; văn hóa; thể dục thể thao; môi trường theo quy định của pháp luật đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà phục vụ cho các hoạt động này.
(v) Nhà, đất của cơ sở ngoài công lập đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà phục vụ cho các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo; y tế; văn hóa; thể dục thể thao; khoa học và công nghệ; môi trường; xã hội; dân số, gia đình, bảo vệ chăm sóc trẻ em theo quy định của pháp luật.
(vi) Nhà, đất của doanh nghiệp khoa học và công nghệ đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật.
 
Các nội dung chính sách ưu đãi trên đã được rà soát và tổng hợp từ Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính). Đây là những thông tin hết sức hữu ích vừa tổng quát vừa rất cụ thể để các doanh nghiệp nói chung các doanh nghiệp công nghệ số nói riêng chủ động nghiên cứu và xác định được quyền được hưởng và trách nhiệm thuế phải thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật khác có liên quan. 

Vụ Pháp chế - Bộ Thông tin và Truyền thông