Việc xác định quy mô nền tảng số trung gian quy mô lớn hoặc rất lớn phục vụ giao dịch điện tử là nội dung hết sức cần thiết của Nghị định. Nội dung này có ý nghĩa to lớn trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực giao dịch điện tử. Cụ thể có thể kể đến như: (i) giúp các cơ quan nhà nước quản lý và giám sát các hoạt động giao dịch điện tử một các hiệu quả, rõ ràng, minh bạch, từ đó giảm thiểu các hành vi vi phạm của doanh nghiệp và các cá nhân có liên quan trên môi trường điện tử; (ii) việc xác định quy mô giúp bảo vệ quyền lợi của người sử dụng, bảo đảm các giao dịch được thực hiện một các công bằng, minh bạch, đúng pháp luật. Một trong những nội dung quan trọng để phân loại được quy mô nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử chính là việc xác định rõ các tiêu chí cụ thể.
Hiện nay, vấn đề phân loại nền tảng số trung gian quy mô lớn, rất lớn đang được dự thảo Nghị định xác định dựa trên nền tảng là hệ thống thông tin có quy mô số lượng người dùng theo tháng ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, có một số ý kiến còn băn khoăn về tính thống nhất, đồng bộ giữa tiêu chí phân loại của dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Giao dịch điện tử và Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, đối với nền tảng số trung gian quy mô lớn tại dự thảo Nghị định này được xác định
theo “…có số lượngngười sử dụng theo tháng tại Việt Nam từ 3% đến 10% tổng dân sốtheo công bố chính thức hàng năm của cơ quan có thẩm quyền” và đối với nền tảng số trung gian quy mô rất lớn được xác định là hệ thống thông tin
“…có số lượng tài khoản người sử dụng hàng năm tại Việt Nam trên 10% tổng dân số theo công bố chính thức hàng năm của cơ quan có thẩm quyền”. Trong khi đó, tại khoản 2 Nghị định quy định chi tiết Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định
“Nền tảng số lớn quy định tại khoản 4 Điều 39 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử được thiết lập, vận hành để phục vụ hoạt động kinh doanh trên không gian mạng và đáp ứng một trong các tiêu chí sau: a) Có từ 3.000.000 tài khoản người sử dụng hoạt động hằng năm tại Việt Nam trở lên theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tự xác định số lượng tài khoản người sử dụng hoạt động trên nền tảng số do mình thiết lập, vận hành;”. Như vậy, tiêu chí phân loại và bản chất của
“nền tảng số trung gian quy mô lớn phục vụ giao dịch điện tử” đang được quy định khác nhau tại các văn bản đồng cấp. Tuy các tiêu chí này không loại trừ lẫn nhau nhưng vô hình chung lại gây ra sự thiếu nhất quán trong các quy định pháp luật, từ đó có thể gây nên sự bối rối cho cả doanh nghiệp và các cơ quan thực thi pháp luật. Chính vì vậy, một số chuyên gia đã đề xuất cần xem xét, quy định thống nhất các tiêu chí xác định
“nền tảng số trung gian quy mô lớn và rất lớn phục vụ giao dịch điện tử”.
Một số ý kiến khác băn khoăn dự thảo quy định về tiêu chí xác định quy mô dựa trên số lượng tài khoản người dùng hàng năm nhưng chưa có quy định về thời điểm xác định công bố dân số. Hơn nữa, việc điều tra, khảo sát và công bố tổng quy mô dân số có được thực hiện hàng năm không? Ngoài ra, cơ quan nào là cơ quan có thầm quyền công bố nền tảng trung gian nào là quy mô lớn hoặc rất lớn. Việc này có thể dẫn đến tình trạng không rõ cơ quan có thẩm quyền hoặc nhiều cơ quan có thẩm quyền xác định do trách nhiệm của nền tảng số được quy định ở nhiều văn bản khác nhau như Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD. Bên cạnh đó, việc xác định thời điểm nền tảng số quy mô lớn hoặc rất lớn có ý nghĩa quan trọng vì đây là thời điểm đánh dấu sự phát sinh các nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải thực hiện. Chính vì vậy, để bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, khả thi, dự thảo cần bổ sung quy định về cơ quan có thẩm quyền công bố nền tảng số trung gian quy mô lớn và rất lớn và thời điểm công bố nội dung này.
Một số ý kiến cho rằng, việc đưa ra các tiêu chí xác định quy mô của nền tảng số dựa trên số lượng người sử dụng là những dữ liệu có thể thay đổi thường xuyên theo thời gian. Điều này hết sức quan trọng vì quy mô của nền tảng số khác nhau sẽ dẫn tới những trách nhiệm pháp lý của chủ thể khác nhau. Trong trường hợp có sự thay đổi tăng hay giảm về quy mô (ví dụ từ quy mô lớn lên quy mô rất lớn và ngược lại) thì doanh nghiệp chưa rõ phải tự xác định các trách nhiệm như thế nào, DN có thể tự loại bỏ các trách nhiệm của nền tảng số quy mô lớn hoặc rất lớn không? Chính vì vậy, việc nghiên cứu và bổ sung các nội dung hướng dẫn thêm trong trường hợp có sự thay đổi về quy mô dẫn đến có sự thay đổi về trách nhiệm pháp lý là cần thiết.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng về trách nhiệm của chủ quản nền tảng số trung gian quy mô lớn phục vụ giao dịch điện tử; trách nhiệm của chủ quản nền tảng số trung gian quy mô rất lớn phục vụ giao dịch điện tử và tiêu chí để xác định một nền tảng số trung gian có quy mô lớn hoặc rất lớn trong Dự thảo mới chỉ căn cứ vào số lượng người sử dụng là chưa đầy đủ quy định khoản 4 Điều 47 Luật Giao dịch điện tử năm 2023 “Chính phủ quy định chi tiết trách nhiệm của chủ quản nền tảng số trung gian tại khoản 2 và khoản 3 Điều này phù hợp với quy mô, số lượng người sử dụng tại Việt Nam hoặc số lượng truy cập từ người sử dụng tại Việt Nam”. Vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung tiêu chí phân loại theo “số lượng truy cập” để đảm bảo đầy đủ.
Trên cơ sở góp ý của các chuyên gia và qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong nước; tham khảo các kinh nghiệm quốc tế từ EU (các đạo luật Digital Service Act – DSA; Digital Market Act - DMA) và Thái Lan, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến để bổ sung, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Nghị định bảo đảm khả thi, phù hợp với các quy định của pháp luật trong nước và quốc tế.