Chính sách, pháp luật

Một số kiến nghị về công tác quản trị nội bộ trên môi trường điện tử

09/08/2024 09:39 SA

 Quản trị nội bộ trong cơ quan nhà nước là quá trình quản lý và điều hành các hoạt động bên trong của các cơ quan nhà nước nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra. Quản trị nội bộ giúp đảm bảo rằng các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả, minh bạch và đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ, công tác Quản trị nội bộ trên môi trường điện tử là một phần quan trọng của quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Điều này bao gồm việc sử dụng các công cụ và hệ thống điện tử để quản lý dữ liệu, tài liệu, và các quy trình nội bộ một cách hiệu quả và minh bạch. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng dự thảo, các chuyên gia đã tập trung nhiều ý kiến vào hoạt động này nhằm góp phần hoàn thiện hơn nữa công tác quản trị nội bộ của các cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan và đẩy mạnh cải cách hành chính theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Các ý kiến góp ý tập trung vào các nội dung sau:

- Về thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử
Đa số ý kiến cho rằng, hiện nay Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính công, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia có hiệu quả và thuận lợi trong việc thực hiện các yêu cầu về thủ tục hành chính và các yêu cầu khác. Để bảo đảm việc xử lý nhanh chóng, thuận tiện và đáp ứng các yêu cầu trên, các chuyên gia cho rằng cần tập trung nghiên cứu, trong đó, quy định rõ hơn về các hoạt động thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử thuộc các lĩnh vực: cung cấp dịch vụ công; công tác quản trị nội bộ; chỉ đạo, điều hành; giám sát, kiểm tra, thanh tra để có cơ sở các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động trên môi trường số. (Luật quy định nhưng Nghị định cần cụ thể hóa, ví dụ: hoạt động tiếp nhận và trả lời phản ánh kiến nghị cũng cần được quy định...).
Cũng có ý kiến cho rằng, ngoài các lĩnh vực đã quy định trong dự thảo gồm cung cấp dịch vụ công, công tác quản trị nội bộ, chỉ đạo, điều hành, giám sát, kiểm tra, thanh tra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm các lĩnh vực khác để đảm bảo tối đa hóa việc thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đẩy mạnh công tác quản trị nội bộ trên môi trường điện tử.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc thay “quy trình quản trị nội bộ” thành “thủ tục hành chính nội bộ” vì đây chính là các thủ tục hành chính nội bộ trong cơ quan nhà nước; rà soát, cân nhắc xem xét hoạt động “chiến lược” có thuộc hoạt động nội bộ không, nếu có phải làm rõ phạm vi
- Về nội dung bí mật nhà nước trong hoạt động quản trị nội bộ
Một số đại biểu còn băn khoăn việc dự thảo có nội dung yêu cầu cơ quan nhà nước có trách nhiệm cải tiến và chuẩn hóa các quy trình quản trị nội bộ theo hướng thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử (tại các Điều 10, Điều 11, Điều 12), nhưng chưa có quy định về làm việc, họp xử lý thông tin mang bí mật nhà nước. Đề nghị Quý Bộ rà soát,bổ sung để phù hợp với quy định hiện hành (Luật bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14 và các văn bản quy định chi tiết).
Một số ý kiến đề nghị đơn vị chủ trì xây dựng Nghị định xem xét lại nội dung “Cơ quan nhà nước có trách nhiệm cải tiến và chuẩn hóa các quy trình quản trị nội bộ theo hướng thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử, bao gồm tối thiểu các hoạt động quản trị:... nhân sự...” để bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với nội dung quy định tại điểm đ Khoản 4 Điều 3 Quyết định số 960/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực nội vụ quy định “văn bản tài liệu về công tác cán bộ trong quá trình chuẩn bị, triển khai công tác bổ nhiệm... là tài liệu bí mật nhà nước mức độ Mật”.
- Về thẩm quyền hướng dẫn công tác quản trị nội bộ:
Có ý kiến cho rằng, dự thảo hiện đang giao “Bộ Nội vụ có trách nhiệm quy định, hướng dẫn triển khai về hoạt động quản trị trên môi trường điện tử”. Tuy nhiên, quy định này dường như chưa đảm bảo tính khả thi do thẩm quyền được giao lĩnh vực QLNN của các Bộ, ngành, UBND là khác nhau dẫn đến các yêu cầu cần thiết trong công tác quản trị cũng mang những đặc thù riêng có mà chỉ các Bộ, ngành mới có thể hiểu rõ và xây dựng để bảo đảm phù hợp. Chính vì vậy, dự thảo nên quy định theo hướng Bộ Nội vụ chỉ xây dựng quy định, hướng dẫn triển khai về hoạt động quản trị trên môi trường điện tử thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành khác căn cứ nội dung tại Nghị định này để xây dựng và hướng dẫn triển khai trong nội bộ cơ quan, ngành, địa phương mình quản lý. Do vậy đề nghị biên tập quy định này theo hướng: “Các bộ, ngành, địa phương theo thẩm quyền có trách nhiệm quy định, hướng dẫn triển khai về hoạt động quản trị trên môi trường điện tử”.
- Về tích hợp tài khoản VneID trên hệ thống quản trị nội bộ của các bộ, ngành
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định việc sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện hoạt động quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử để bảo đảm tính liên thông, liên kết dữ liệu trên các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu ngành, từ đó làm đầy nền tảng cơ sở dữ liệu và tạo thuận lợi cho việc triển khai công tác giải quyết công vụ bảo đảm rõ ràng, minh bạch và nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nội dung hệ thống CQNN kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử đã được giải quyết tại Điều 32 Luật Căn cước. Khoản 2, Điều 13 Nghị định 59/2022/NĐ-CP chỉ quy định trường hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử: Tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập được sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và các hoạt động khác theo nhu cầu của chủ thể danh tính điện tử và không quy định sử dụng tài khoản VneID đối với các hoạt động khác của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử. Hơn nữa, Bộ Công an đang rà soát, sửa đổi bổ sung Nghị định 59, do vậy, để bảo đảm về phạm vi, đối tượng và tính thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị đưa nội dung này vào Nghị định 59.
Nhìn chung, việc triển khai Quản trị nội bộ trên môi trường điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các cơ quan nhà nước trong quá trình thực thi công vụ như: Các quy trình được tự động hóa giúp giảm thiểu thời gian và công sức cần thiết để hoàn thành các nhiệm vụ, từ đó làm tăng hiệu quả làm việc; các dữ liệu và tài liệu được lưu trữ và quản lý một cách có hệ thống, dễ dàng truy xuất và kiểm tra, từ đó có thể bảo đảm tính minh bạch của tài liệu, đồng thời có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc; Tính bảo mật cao do các hệ thống thông tin thường có các biện pháp bảo mật mạnh mẽ để bảo vệ dữ liệu khỏi các mối đe dọa và tiết kiệm ngân sách nhà nước do giảm thiểu việc sử dụng giấy tờ và các tài nguyên vật lý khác. Chính vì vậy, các ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia đối với các hoạt động quản trị nội bộ trên môi trường điện tử sẽ giúp cho cơ quan chủ trì soạn thảo có cái nhìn bao quát, tổng quan hơn để tiếp tục hoàn thiện nội dung này tại dự thảo Nghị định

Vụ Pháp chế - Bộ Thông tin và Truyền thông