Trong thời đại số hóa, việc định danh và xác thực thông tin cá nhân khi thực hiện các giao dịch và dịch vụ công trên môi trường điện tử là một yêu cầu cấp thiết, trong đó, VNeID là một trong những giải pháp hiện đại, tiện lợi và an toàn cho việc này. Những lợi ích mà VNeID đem lại cho người dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công có thể kể đến như: (i) tiết kiệm thời gian và chi phí bởi người dân không cần xuất trình các giấy tờ tùy thân như CMND, CCCD, Hộ chiếu, ,v.v. dưới dạng bản cứng khi tham gia các giao dịch trực tuyến, giao dịch điện tử; (ii) Tài khoản VNeID có thể tích hợp các thông tin về giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, người phụ thuộc, thuế, hộ chiếu, tiêm chủng, tạo thành một “ví giấy tờ điện tử” cho công dân và bảo đảm người dân có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày; (iii) Các cơ quan nhà nước có thể kết nối các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết TTHC, nâng cao tính minh bạch trong thực hiện dịch vụ công,v.v..
Xuất phát từ mục tiêu và những tiện ích của VNeID, trong quá trình tổ chức lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử đã có một số ý kiến đề nghị cần cân nhắc, quy định việc tích hợp ứng dụng VNeID trong hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, cụ thể như sau:
Có ý kiến cho rằng, đối với nội dung quy định về quản trị nội bộ trên môi trường điện tử cần nghiên cứu, bổ sung, quy định rõ việc sử dụng tài khoản định danh điện tử là một trong những phương thức để đăng nhập, khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin nội bộ của cơ quan nhà nước để bảo đảm tính thống nhất với chủ trương của Chính phủ trong thời gian gần đây về phát triển tài khoản VneID cho đầy đủ.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng hệ thống thông tin thực hiện chuyển đổi văn bản từ dạng giấy sang thông điệp dữ liệu hoặc ngược lại nếu đã được xác thực với dữ liệu gốc như các giấy tờ tích hợp trên VNeID và cách mà văn bản, giấy tờ khác được xác thực qua dịch vụ xác thực điện tử thì không cần ký số vì luôn tham chiếu được tính toàn vẹn khi sử dụng.
Cũng có ý kiến đề nghị việc bổ sung quy định chi tiết về việc đồng bộ dữ liệu (đặc biệt là dữ liệu về con người) sau chuyển đổi của cơ quan nhà nước về Trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp cung cấp các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, kiến tạo phát triển, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo yêu cầu tại Nghị quyết số 175/NĐ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia. Việc đồng bộ dữ liệu sau chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu về Trung tâm dữ liệu quốc gia cũng bảo đảm khả năng chuyển dữ liệu sau chuyển đổi tới công dân, doanh nghiệp thông qua ứng dụng định danh quốc gia (VNeID) để cho phép công dân, doanh nghiệp sử dụng dữ liệu sau chuyển đổi phục vụ thực hiện các giao dịch với cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Luật chỉ yêu cầu quy định về mặt kỹ thuật của Chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu. Việc bổ sung thủ tục xác thực với dữ liệu gốc không thuộc 1 trong các yêu cầu chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu được quy định tại Điều 12 Luật GDĐT. Do đó không thuộc thẩm quyền của Chính phủ được giao quy định chi tiết theo Luật giao dịch điện tử. Ngoài ra, ý kiến này cho rằng văn bản chuyển đổi phải có chữ ký số của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với văn bản giấy là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành khi thực hiện chuyển đổi theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Luật GDĐT. Do đó, việc chuyển đổi với những văn bản trên bắt buộc phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Một số ý kiến khác cho rằng, dự thảo có quy định về kênh giao tiếp của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử tại khoản 2 Điều 8, tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về VNeID là một trong những kênh giao tiếp. Vì vậy, cần bổ sung theo hướng mở như sau: “Các kênh giao tiếp khác theo quy định của pháp luật có liên quan” để tổ chức, cá nhân có thêm lựa chọn sử dụng thực hiện các DVCTT. Đồng thời, cần làm rõ phương thức tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu thông qua ứng dụng định danh quốc gia VNeID để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc gửi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính và các yêu cầu cấp thiết khác.
Nhìn chung, trong tương lai gần, VNeID sẽ trở thành tài khoản duy nhất trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và có giá trị sử dụng thay thế cho các loại giấy tờ truyền thống và định danh công dân trên môi trường điện tử. Vi vậy những ý kiến đóng góp của các đại biểu về nội dung này sẽ là nguồn tư liệu tham khảo quý báu để cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và tiếp tục hoàn thiện nội dung này tại dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử