Việc ban hành Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử để thay thế Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử cho phù hợp với quy định của Luật Căn cước năm 2023 và đáp ứng yêu cầu thực tiễn là cần thiết.
Nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ việc đăng ký, quản lý, khai thác, sử dụng tài khoản định danh điện tử, dịch vụ xác thực điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch trên môi trường điện tử, thực hiện đơn giản hóa, cải cách hành chính nhưng vẫn bảo đảm bảo vệ bí mật, an ninh, an toàn thông tin cá nhân;
Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng chủ trương, chính sách liên quan đến chuyển đổi số của Đảng, Nhà nước và yêu cầu hội nhập của Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới. Thể chế hóa, hoàn thiện hành lang pháp luật để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển và khai thác có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói chung và pháp luật về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, an toàn thông tin mạng và an ninh mạng; định hướng của Chính phủ về hoàn thiện hạ tầng và chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ điện tử;
Thể chế hóa kịp thời các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển và khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phù hợp tình hình kinh tế, xã hội và hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân ở Việt Nam;
Việc xây dựng dự thảo Nghị định được tiến hành trên cơ sở thực tiễn; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện quyền và nghĩa vụ của người dân trong đi lại, giao dịch, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu quản lý dân cư, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật;
Đảm bảo tính khả thi của các quy định; đáp ứng yêu cầu hội nhập của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bao gồm 07 Chương với 41 Điều, cụ thể như sau:
- Chương I quy định chung gồm 04 điều (từ Điều 1 đến Điều 4) quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc định danh và xác thực điện tử.
- Chương II về danh tính điện tử, định danh điện tử gồm 05 điều (từ Điều 5 đến Điều 9) quy định về
danh tính điện tử người nước ngoài; danh tính điện tử của cơ quan, tổ chức; phân loại, đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử; cập nhật thông tin vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; sử dụng tài khoản định danh điện tử, tài khoản khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo lập.
- Chương III về tài khoản định danh điện tử và xác thực điện tử gồm 12 điều (từ Điều 10 đến Điều 21) quy định về trình tự, thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử đối với công dân Việt Nam, người nước ngoài, cơ quan, tổ chức; thời hạn giải quyết cấp tài khoản định danh điện tử; kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử; trình tự, thủ tục khóa, mở khóa tài khoản định danh điện tử; thẩm quyền cấp tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam, người nước ngoài, tổ chức; quyết định khóa, mở khóa tài khoản định danh điện tử; lưu trữ thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử; điều kiện, thủ tục kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử; xác thực điện tử; mức độ xác thực tài khoản định danh điện tử; phương thức xác thực điện tử trong thực hiện giao dịch thông qua hệ thống định danh và xác thực điện tử.
- Chương IV về dịch vụ xác thực điện tử gồm 06 điều (từ Điều 22 đến Điều 27) quy định về dịch vụ xác thực điện tử; điều kiện cung cấp dịch vụ xác thực điện tử; hồ sơ, trình tự thủ tục cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử; cấp lại, thay đổi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử; thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử; chi phí cấp tài khoản định danh điện tử và sử dụng dịch vụ xác thực điện tử.
- Chương V về căn cước điện tử gồm 04 điều (từ Điều 28 đến Điều 31) quy định về mối quan giữa căn cước điện tử với tài khoản định danh điện tử mức độ 2, ứng dụng định danh quốc gia cấp cho công dân Việt Nam, hệ thống định danh và xác thực điện tử; trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử; trình tự, thủ tục khóa căn cước điện tử; trình tự, thủ tục mở khóa căn cước điện tử.
- Chương VI về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân gồm 08 điều (từ Điều 32 đến Điều 39) quy định về trách nhiệm chủ thể danh tính điện tử; bên sử dụng dịch vụ; tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử và cơ quan, tổ chức, cá nhân tự tạo lập tài khoản; Trách nhiệm của Bộ Công an; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Quốc phòng; Ban Cơ yếu Chính phủ; Trách nhiệm của các bộ khác, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Chương VII về điều khoản thi hành gồm 02 điều (từ điều 40 đến điều 41) quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành.
Trên đây là giới thiệu sơ lược về dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử do Bộ Công an chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành.