Ngày 15/6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi năm 2022. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 thay thế Luật Thi đua, khen thưởng 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2005.
Luật Thi đua, khen thưởng đã bảo đảm mục tiêu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về "tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng"; đồng bộ hóa các quy định pháp luật; khắc phục những tồn tại của Luật hiện hành; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã thể chế các quan điểm, định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Đảng vào 04 phương án chính sách xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua; hoàn thiện hệ thống hình thức khen thưởng; hoàn thiện chế định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng. Cụ thể, kế thừa đầy đủ những ưu điểm của Luật hiện hành; bảo đảm bao quát hết các lĩnh vực, đối tượng (khu vực công và khu vực tư); đồng thời thực hiện phân cấp mạnh về thẩm quyền khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng cho các bộ, ban, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cấp cơ sở, góp phần giải quyết hạn chế, tồn tại trong tổ chức phong trào thi đua, công tác khen thưởng và công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.
Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác thi đua, khen thưởng. Bổ sung nguyên tắc khen thưởng "thành tích đến đâu khen thưởng đến đó", hoàn chỉnh các loại hình khen thưởng và hệ thống tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng phù hợp; hạn chế tối đa tình trạng "tích lũy thành tích, cộng dồn thành tích trong khen thưởng"; hạn chế trùng lặp, chồng chéo trong khen thưởng. Chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh; doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học; quan tâm khen thưởng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo; khắc phục cơ bản những hạn chế, vướng mắc về thẩm quyền, đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục khen thưởng. Thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khen thưởng.
Ngày 01/8/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hànhQuyết định số 917/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 3, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ ngành trong đó có Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết với các nội dung quy định tại: tại khoản 4 Điều 24; Khoản 3 Điều 26; Khoản 3 Điều 27; Khoản 3 Điều 28; khoản 2 Điều 71; khoản 6 Điều 74; Khoản 2 Điều 75 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, cụ thể là về các vấn đề sau: quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”, danh hiệu cờ thi đua, danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng”, danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến”, bằng khen, kỷ niệm chương.
Để triển khai các nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông giao Vụ Tổ chức cán bộ chỉ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan soạn thảo, xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Thông tin và Truyền thông. Nội dung của Thông tư nhằm cụ thể các đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng các danh hiệu thi đua thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; làm rõ tính đặc thù đối với các danh hiệu thi đua trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông nói riêng và ngành thông tin và truyền thông nói chung.
Việc xây dựng dự thảo và ban hành các quy định này nhằm bảo đảm mục tiêu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về “tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; đồng bộ hóa các quy định pháp luật; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành thông tin và truyền thông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.