Nội dung quy định tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP được cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu và đề xuất những chính sách quản lý nhà nước liên quan đến các quy định về Trang thong tin điện tử tổng hợp, Mạng xã hội và Trò chơi điện tử trên mạng gồm những quy định cụ thể sau:
1. Trang thông tin điện tử tổng hợp
- Bổ sung quy định về việc tổng hợp thông tin chậm hơn 30 phút so với tin gốc; đặt link gốc ngay dưới bài dẫn lại;
- Các trang tin tổng hợp có hoạt động liên kết với báo điện tử chỉ được sản xuất về các lĩnh vực sau: khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội và phù hợp với ngành nghề, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, doanh nghiệp; Các báo điện tử chịu trách nhiệm về thông tin liên kết trên trang thông tin điện tử tổng hợp;
- Quy định về giao diện: Tên dịch vụ (Trang tin tổng hợp) phải ngay sát bên dưới tên trang (nếu có), có cỡ chữ bằng 1/2 cỡ chữ tên trang.
- Đối với tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí, dãy ký tự tạo nên tên miền không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí: không sử dụng những từ ngữ (bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài tương đương) có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí như: Báo, Tạp chí, Tin, Tin tức, kênh, Phát thanh, Truyền hình…
- Tách riêng chuyên mục hỏi đáp, thảo luận, trao đổi về các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Không được cho người dùng bình luận về các tin bài trên trang tin tổng hợp.
- Bổ sung quy định trong Thỏa thuận về nguồn tin với các báo: thời hạn, nội dung tổng hợp (theo đúng tôn chỉ mục đích của báo), trách nhiệm các bên (rà soát, thông báo các bài cần gỡ, kết quả gỡ bài).
- Bổ sung quy định về chế tài xử lý: thực hiện các biện pháp ngăn chặn khẩn cấp đối với trường hợp vi phạm không hợp tác cơ quan cơ quan quản lý nhà nước để gỡ bỏ thông tin vi phạm;
- Bổ sung quy định yêu cầu các trang thông tin điện tử tổng hợp phải tuân thủ các quy định về bảo vệ bản quyền khi sử dụng, đăng tải lại các tác phẩm báo chí ; có cơ chế kiểm tra, rà soát và tự gỡ bỏ thông tin vi phạm bản quyền;
- Kết nối đến hệ thống giám sát của cơ quan quản lý nhà nước để quản lý hoạt động cung cấp thông tin;
2. Mạng xã hội
a) Quy định về cấp phép
(1) Đối với các mạng xã hội trong nước mới thành lập, lượng người truy cập chưa đạt mức phải cấp phép thì chỉ cần thông báo theo mẫu (không phải cấp phép), khi được cơ quan quản lý xác nhận đã thông báo thì bắt đầu được hoạt động theo quy định (có quy định trách nhiệm cụ thể với các mạng xã hội). Các mạng xã hội đã thông báo sẽ phải cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội, nếu vi phạm vẫn bị xử lý theo quy định. Sau khi thông báo, Bộ sẽ gắn công cụ đo để theo dõi lượng người truy cập (UV-Unique visitor) thường xuyên của trang;
(2) Khi mạng xã hội trong nước đạt đến mốc sau: 10.000 lượng người truy cập/tháng (căn cứ theo kết quả đo của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố)thì phải thực hiện thủ tục cấp phép, vì với lượng thành viên này, mạng xã hội đã bắt đầu có tác động lớn đối với xã hội; Bộ TT&TT sẽ thông báo cho các doanh nghiệp có mạng xã hội đạt mốc phải cấp phép;
(3) Gia tăng các điều kiện cấp phép để phương thức quản lý tiền kiểm được chặt chẽ hơn và mang tính thực tế cao hơn;
(4) Mạng xã hội của nước ngoài phải thực hiện thủ tục thông báo/xác nhận thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước khi cung cấp dịch vụ cho người Việt Nam đạt mốc như nêu trên.
b) Quy định để hạn chế tình trạng báo hóa
(1) Chỉ các tài khoản đã được định danh (định danh thông tin cá nhân của chủ tài khoản bằng chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu hoặc bằng số thuê bao điện thoại đã xác thực)mới được cung cấp thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội;
(2) Quy định về giao diện: Tên dịch vụ Dịch vụ mạng xã hội phải ngay sát bên dưới tên trang (nếu có), có cỡ chữ bằng 1/2 cỡ chữ tên trang.
(3) Không sắp xếp bài viết của thành viên thành các chuyên mục cố định;
(4) Chỉ các mạng xã hội có giấy phép thiết lập mạng xã hội mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức;
(5) Bổ sung khái niệm và quy định về nền tảng trực tuyến: Nền tảng trực tuyến đa dịch vụ khi cung cấp mạng xã hội vàcác cung cấp dịch vụ khác thuộc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần phải có giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh: tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành;
(6) Nền tảng trực tuyến đa dịch vụ sẽ phải gỡ bỏ các dịch vụ, nội dungvi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trường hợp không tuân thủ, cơ quan quản lý có quyền yêu cầu dừng hoạt động/tạm đình chỉ tên miền/địa chỉ IP của toàn bộ nền tảng trực tuyến đa dịch vụ cho đến khi nền tảng trực tuyến thực hiện các yêu cầu gỡ bỏ dịch vụ, nội dung vi phạm pháp luật.
(7) Bổ sung thêm trách nhiệm của Mạng xã hội trong nước:
- Tạm khóa/xóa các nội dung vi phạm pháp luật trong thời gian chậm nhất 03 giờ khi có yêu cầu từ Bộ TT&TT, Sở TT&TT địa phương;
- Tạm khóa/xóa bị khiếu nại ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân/tổ chức chậm nhất 48 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu từ người sử dụng;
- Phải có bộ lọc tự động để chặn lọc sơ bộ trước những nội dung, hình ảnh vi phạm pháp luật do người dùng đăng tải trên mạng xã hội;
- Không cho phép thành viên lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hoạt động báo chí (theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Báo chí).
(8) Bổ sung quy định quản lý đối với chủ kênh/tài khoản/nhóm cộng đồng/trang cộng đồng trên các mạng xã hội:
- Các chủ kênh/tài khoản/nhóm cộng đồng/trang cộng đồng trên các mạng xã hội trong nước có lượng người sử dụng theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên hoặc có hoạt động phát sinh doanh thu phải đăng ký với mạng xã hội đó.
- Các chủ kênh/tài khoản/nhóm cộng đồng/trang cộng đồng (fanpage) trên các mạng xã hội tại Việt Nam phải chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải trên kênh, tài khoản của mình (bao gồm cả nội dung bình luận của người sử dụng). Có trách nhiệm tạm khóa, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, thông tin ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, thông tin ảnh hưởng đến trẻ em đăng tải trên kênh, tài khoản mạng xã hộicủa mình chậm nhất 48 giờ khi có yêu cầu từ người sử dụng mạng xã hội hoặc chậm nhất không quá 03 giờ khi nhận được yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
3. Trò chơi điện tử
(1) Bãi bỏ quy trình, thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1;
(2) Điều chỉnh quy trình, cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi G1 theo hướng đổi tên thành Giấy phép phát hành trò chơi điện tử G1; bổ sung quy định về việc thu hồi Giấy phép phát hành game G1 trong trường hợp 12 tháng sau khi được cấp phép, doanh nghiệp không triển khai cung cấp dịch vụ;
(3) Bãi bỏ quy trình, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4;
(4) Điều chỉnh quy trình, cấp Giấy xác nhận thông báo cung cấp trò chơi G2, G3, G4 theo hướng đổi tên thành Giấy chứng nhận đăng ký phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4;bổ sung quy định về việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký phát hành trò chơi G2, G3, G4 trong trường hợp 12 tháng sau khi được cấp Giấy chứng nhận, doanh nghiệp không triển khai cung cấp dịch vụ;
(5) Bổ sung quy định về quản lý thẻ nạp tiền cho trò chơi điện tử trên mạng (thẻ game): Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng chỉ sử dụng thẻ game để nạp tiền vào các trò chơi điện tử trên mạng hợp pháp của chính doanh nghiệp đó hoặc của các doanh nghiệp khác trong Nhóm công ty của doanh nghiệp đó; không sử dụng thẻ game để nạp tiền vào các trò chơi điện tử trên mạng không phép hoặc vào mục đích khác.