Chính sách, pháp luật

DỰ THẢO THÔNG TƯ QUY HOẠCH BĂNG TẦN 1920-1980 MHZ, 2110-2170 MHZ CHO HỆ THỐNG THÔNG TIN DI ĐỘNG IMT CỦA VIỆT NAM

26/09/2023 13:37 CH

 1.     XÁC ĐỊNH VẤN ĐỀ BẤT CẬP TỔNG QUAN

1.1.    Bối cảnh xây dựng dự thảo Thông tư
Bộ Chính trị  đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 vềmột số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệplần thứ tư; Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một sốnhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020,định hướng đến 2025; thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có nội dung phát triển hạ tầng viễn thông đi trước một bước, trở thành hạ tầng cho kinh tế số, xã hội số.
Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) xem xét quy hoạch băng tần để thúc đẩy phát triển thông tin di động 4G, 5G tại Việt Nam, làm cơ sở hạ tầng cho Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có băng tần 1920-1980 MHz, 2110-2170 MHz (sau đây gọi là băng tần 2100 MHz).
Bộ TTTT và các doanh nghiệp đã tổ chức nhiều cuộc họp triển khai các giải pháp thúc đẩy phổ cập điện thoại di động thông minh 4G/5G tới mỗi người dân, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch dừng công nghệ di động thế hệ cũ 2G, 3G để tối ưu hóa mạng lưới, tiết kiệm chi phí vận hành và dành băng tần cho các công nghệ di động thế hệ mới 4G, 5G.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng “Thông tư quy hoạch băng tần 2100 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam” là hết sức cần thiết. Trên cơ sở quy hoạch băng tần 2100 MHz, Bộ TTTT có thể sớm cấp phép cho doanh nghiệp triển khai các dịch vụ phục vụ phát triển hạ tầng viễn thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
1.2.    Mục tiêu xây dựng dự thảo Thông tư
Thông tư Quy hoạch băng tần 2100 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam được ban hành nhằm hoàn thiện khung pháp lý quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ và dịch vụ thông tin di động 4G, 5G tại Việt Nam, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
2.     ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA DỰ THẢO THÔNG TƯ
Dự thảo Thông tư quy định các chính sách có liên quan như sau:
2.1.               Quy hoạch băng tần2100 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT
Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) và tổ chức 3GPP đã quy hoạch băng tần 2100 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT (từ 3G trở lên). Băng tần 2100 MHz đã được được sử dụng rộng rãi cho các mạng 3G trên toàn thế giới (theo thống kê có khoảng hơn 350 nhà mạng triển khai mạng 3G), bên cạnh đó nó cũng đã được triển khai trong mạng 4G LTE và hơn thế nữa gần đây là mạng 5G. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị di động thế giới GSA (tháng 12/2022), có khoảng 166 nhà khai thác đã và đang đầu tư vào 4G LTE hoặc 5G ở băng tần 2100 MHz. Theo GSA, mức độ thiết bị người dùng 4G có hỗ trợ băng tần 2100 MHz chỉ xếp sau băng tần 1800 MHz (báo cáo về hệ sinh thái thiết bị 4G tháng 5/2023).
Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia (ban hành kèm theo Quyết định số 71/2013/QĐ-TTg quy định băng tần 2100 MHz dành cho hệ thống thông tin di động IMT. Căn cứ vào thực trạng sử dụng tần số của Việt Nam, đánh giá khả năng sắp xếp tần số của các hệ thống hiện có, Đơn vị soạn thảo đề xuất quy hoạch băng tần 2100 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT tại Việt Nam.
2.2.               Phân chia băng tần 2100 MHz thành 04 khối tần số có độ rộng 15 MHz và giới hạn cấp phép cho mỗi doanh nghiệp 01 khối
Băng tần 2100 MHz có độ rộng 2x60 MHz, được quy hoạch (Quyết định 03/2005/QĐ-BBCVT và Thông tư 04/2017/TT-BTTTT) không chia khối cụ thể mà chỉ quy định được chia cho mỗi doanh nghiệp với độ rộng băng tần tối thiểu 2x15 MHz theo phương thức truyền dẫn song công phân chia theo tần số (FDD) để triển khai hệ thống thông tin di động IMT[1]. Quy hoạch băng tần 2100 MHz có thời hạn đến năm 2015.
Băng tần 2100 MHz được cấp phép cho 4 doanh nghiệp khai thác 3G/4G, trong đó có 1 đoạn băng tần 2x15 MHz (1950-1965 MHz / 2140-2155 MHz) dùng chung giữa Viettel và Vietnamobile (trước đây là liên danh EVN Telecom và Hanoi Telecom). Giấy phép sử dụng băng tần 2100 MHz sẽ hết hạn ngày 14/9/2024.
Băng tần 2100 MHz hiện là băng tần chính cho 3G[2] và đang được các doanh nghiệp chuyển dần lên 4G để đáp ứng nhu cầu dung lượng 4G. Độ rộng băng tần đang cấp phép cho doanh nghiệp (2x15 MHz) phù hợp cho công nghệ 4G/5G.
Theo tiêu chuẩn 3GPP, sóng mang 4G tối đa là 20 MHz. Tuy nhiên, do công nghệ 4G cho phép ghép sóng mang liên băng tần nên băng tần 2100 MHz có thể ghép với băng tần 1800 MHz để tạo ra hiệu quả sử dụng lớn hơn. Băng tần 1800 MHz đã được phân bổ với độ rộng khối băng tần tối ưu cho 4G là 20 MHz, nên khi ghép với băng tần 2100 MHz được chia khối băng tần 15 MHz thì vẫn bảo đảm hiệu quả sử dụng. Do vậy, phân chia khối băng tần như hiện trạng cấp phép hiện nay của băng tần 2100 MHz là phù hợp mà không cần phân chia lại.
Theo dự báo của quốc tế và các doanh nghiệp thì 4G vẫn là công nghệ chủ đạo tại Việt Nam đến khoảng năm 2030, sau đó 5G sẽ dần chiếm lĩnh. Theo các vendor, hiện chưa có dự kiến thay đổi quy hoạch và công nghệ ở băng tần này (gồm độ rộng 2x60 MHz và phương thức truyền dẫn FDD).
Với mục tiêu ổn định thị trường, tránh ảnh hưởng đến doanh nghiệp, Đơn vị soạn thảo đề xuất xem xét giữ nguyên băng tần 2100 MHz như hiện trạng cấp phép. Tuy nhiên, do quy hoạch cũ không phân chia khối cụ thể nên cần phải ban hành lại Thông tư quy hoạch làm cơ sở xem xét cấp phép (cấp lại) cho doanh nghiệp[3], trong đó quy định: phân chia băng tần 2100 MHz (2x60 MHz) thành 04 khối, mỗi khối có độ rộng 2x15 MHz; mỗi doanh nghiệp được xem xét cấp phép không quá 01 khối trong tổng số 04 khối, trừ trường hợp sử dụng chung tần số vô tuyến điện theo giấy phép sử dụng băng tần quy định tại khoản 4 Điều 4 Quy định chuyển tiếp Luật số 09/2022/QH15 ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện[4] và được sử dụng theo quy định trong giấy phép sử dụng băng tần.
2.3.               Quy định triển khai công nghệ từ 3G trở lên giai đoạn đến tháng 9/2028, triển khai công nghệ từ 4G trở lên giai đoạn sau tháng 9/2028
(1) Quy hoạch băng tần 2100 MHz cho 4G vì:
- Công nghệ 4G được dự báo tiếp tục là công nghệ thông tin di động chủ đạo tại Việt Nam và trong khu vực đến 2030[5] và chu kỳ của công nghệ này có thể kéo dài đến năm 2040.
- Trên thế giới, băng tần 2100 MHz đang được sử dụng phổ biến cho 4G (theo GSA, mức độ thiết bị người dùng 4G có hỗ trợ băng tần 2100 MHz chỉ xếp sau băng tần 1800 MHz[6]).
- Tại Việt Nam, doanh nghiệp đang chuyển dịch băng tần 2100 MHz sang sử dụng cho 4G (hiện đã có 28% số trạm gốc 2100 MHz là trạm 4G, được chuyển từ 3G lên, kể từ năm 2017) để tăng dung lượng cho 4G.
- Hiện nay, Bộ TTTT đặt mục tiêu Việt Nam có tốc độ 4G (tải xuống) là 40 Mbps[7]. Với tốc độ này, theo thống kê của OpenSignal tại 115 thị trường thì doanh nghiệp cần khoảng 40-50 MHz băng thông tần số cho đường xuống cho 4G.
Do vậy, ngoài băng tần 1800 MHz, các nhà mạng cần sử dụng cả băng tần 2100 MHz cho 4G để đáp ứng yêu cầu chất lượng dịch vụ 4G nên chưa cần quy hoạch lại băng tần 2100 MHz với phân chia khối băng tần cho công nghệ mới 5G.
- Theo tiêu chuẩn 3GPP, sóng mang 4G tối đa là 20 MHz. Tuy nhiên, do công nghệ 4G cho phép ghép sóng mang liên băng tần nên băng tần 2100 MHz có thể ghép với băng tần 1800 MHz để tạo ra hiệu quả sử dụng lớn hơn. Băng tần 1800 MHz đã được phân bổ với độ rộng khối băng tần tối ưu cho 4G là 20 MHz, nên khi ghép với băng tần 2100 MHz được chia khối băng tần 15 MHz thì vẫn bảo đảm hiệu quả sử dụng. Do vậy, phân chia khối băng tần như hiện trạng cấp phép hiện nay của băng tần 2100 MHz là phù hợp mà không cần phân chia lại.
(2) 3G trên băng tần 2100 MHz chỉ tiếp tục sử dụng đến 2028 vì:
- Tại Việt Nam, băng tần 2100 MHz đang được sử dụng cho 3G là chủ đạo, cung cấp dịch vụ thoại, SMS cho 2,7 triệu thuê bao 3G và 6,1 triệu thuê bao 4G non-VoLTE (không bao gồm 9 triệu 4G non-VoLTE được phục vụ bởi 2G).
- Theo các dự báo quốc tế, tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, thuê bao 3G tiếp tục được duy trì và đến 2028 còn ở mức từ 5% tổng thuê bao trở xuống[8].
- Tại Việt Nam, đến năm 2028, các nhà mạng đều khẳng định số thuê bao 3G và 4G non-VoLTE sẽ giảm đáng kể và doanh nghiệp có thể dừng được công nghệ 3G.
Trên cơ sở phân tích nêu trên, đề xuất xem xét quy hoạch băng tần 2100 MHz với công nghệ được sử dụng theo hai giai đoạn: giai đoạn từ tháng 9/2024 đến 9/2028 được sử dụng công nghệ từ 3G trở lên; giai đoạn sau tháng 9/2028 được sử dụng công nghệ từ 4G trở lên.


[1] Quyết định 03/2005/QĐ-BBCVT ngày 17/01/2005 phê duyệt quy hoạch băng tần 2100 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT-2000 (3G) đến năm 2015. Thông tư 04/2017/TT-BTTTT ngày 24/04/2017 cho phép triển khai công nghệ IMT-Advanced (4G) và các phiên bản tiếp theo trong băng tần này
[2] Các doanh nghiệp hiện có khoảng 104.900 thiết bị trạm 3G ở băng tần 2100 MHz trong tổng số 124.700 thiết bị 3G ở các băng tần 900/2100 MHz, chiếm 84%.
[3] Khoản 2 Điều 20a Luật số 09/2022/QH15 ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện quy định: băng tần được cấp lại quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong trường hợp tất cả các khối băng tần đã cấp phù hợp với việc phân chia các khối băng tần của quy hoạch băng tần được áp dụng tại thời điểm giấy phép sử dụng băng tần hết hiệu lực.
[4] Khoản 4 Điều 4 Quy định chuyển tiếp Luật số 09/2022/QH15 ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện quy định: đối với khối băng tần được xem xét cấp lại mà sử dụng chung tần số vô tuyến điện theo giấy phép sử dụng băng tần đã cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được xem xét cấp lại theo hiện trạng sử dụng.
[5] Theo ước tính của các nhà mạng trong nước thì đến năm 2030 số thuê bao 4G của Việt Nam vẫn chiếm trên 50%; theo dự báo của GSMA, đến năm 2030 tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, số lượng kết nối di động 4G vẫn chiếm 55% tổng số kết nối di động (nguồn: GSMA Mobile-Economy-Report-Asia-Pacific-2023).
[6] Báo cáo GSA “LTE Frequency Bands Worldwide” (3/2019) và GSA “LTE Device Ecosystem” (5/2023).
[7] Bộ TTTT đã công bố lấy ý kiến dự thảo sửa đổi "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất"
[8] Theo dự báo của Ericsson , tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, năm 2022 số thuê bao 3G chiếm tỷ lệ 32,3% tổng số thuê bao, đến năm 2028 còn 5,1% (bao gồm cả smartphone và các thiết bị khác);
Theo dự báo của GSMA, tại khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, năm 2022 số thuê bao di động kết nối 3G chiếm tỷ lệ khoảng 11% tổng số kết nối di động, đến năm 2028 còn khoảng 5% và đến năm 2030 còn 3%.

Vụ Pháp chế