Tại văn bản số 6215/VPCP-KGVX ngày 14/8/2023, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông về việc rà soát nội dung dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2022/QH15 về phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân và doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ rà soát dự thảo Nghị định.
1. Tổng quan về dự thảo Nghị định
Dự thảo Nghị định đã quy định chi tiết đầy đủ các nội dung được Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2022/QH15 giao Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể là:khoản 4 Điều 16, khoản 5 Điều 18, khoản 5 Điều 18a, điểm b khoản 1 Điều 19, khoản 5 Điều 24, khoản 3 Điều 25, khoản 3 Điều 26, khoản 4 Điều 31 và khoản 2 Điều 32.
Tại dự thảo Nghị định có nhiều nội dung được kế thừa, hoàn thiện từ các quy định do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TTTT ban hành trước đây để bảo đảm đúng thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể:
- Các vấn đề cấp (bao gồm cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp), cấp đổi, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép, thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện (TSVTĐ), cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện (VTĐ), sử dụng chung TSVTĐ, chuyển nhượng quyền sử dụng TSVTĐ và cấp chứng chỉ VTĐ viên.
Tại dự thảo Nghị định có một số quy định mới được Luật giao Chính phủ hướng dẫn, cụ thể là: Đình chỉ một phần quyền sử dụng TSVTĐ; cấp trực tiếp giấy phép sử dụng băng tần cho doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng an ninh; cấp lại giấy phép sử dụng băng tần; tiền cấp quyền sử dụng TSVTĐ; thủ tục công nhận tổ chức đủ điều kiện để cấp chứng chỉ VTĐ viên.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ TTTT đã tổ chức nhiều cuộc họp, đồng thời gửi lấy ý kiến Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan, các đối tượng trực tiếp chịu tác động của Nghị định và nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu hoàn chỉnh dự thảo Nghị định theo quy định của Luật ban hành văn bản QPPL.
Ngày 07/7/2023, dự thảo Nghị định đã được gửi lấy ý kiến Thành viên Chính phủ và được 24/24 Thành viên Chính phủ nhất trí với dự thảo, trong đó có 03 Thành viên Chính phủ có ý kiến bổ sung. Các nội dung này đã được
Bộ TTTT họp bàn để thống nhất phương án tiếp thu và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Báo cáo số 78/BC-BTTTT ngày 27/7/2023.
2. Về việc bảo đảm phân cấp, phân quyền thực hiện TTHC
TTHC cấp giấy phép sử dụng tần số VTĐ không chỉ là các thủ tục mang tính hành chính thuần túy mà phải gắn chặt với việc tính toán can nhiễu, nhiều trường hợp phải phối hợp quốc tế trước khi sử dụng để các hệ thống thông tin vô tuyến điện có thể hoạt động ổn định, không bị nhiễu có hại. Để bảo đảm tính thống nhất trong quản lý, tiết kiệm chi phí cho nhà nước và người dân, trong cơ cấu tổ chức của Cục Tần số VTĐ có 08 Trung tâm Tần số VTĐ phân bổ tại các khu vực trên toàn quốc là các đơn vị sẽ được phân cấp để tiếp nhận, xử lý một số thủ tục hành chính, bên cạnh đó việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình sẽ hỗ trợ việc giải quyết nhanh đối với các TTHC về tần số VTĐ.
Căn cứ vào khả năng đáp ứng của hệ thống trang thiết bị kỹ thuật và nguồn nhân lực, dự thảo Nghị định đã phân cấp tối đa cho các Trung tâm Tần số VTĐ khu vực thực hiện việc cấp giấy phép sử dụng tần số VTĐ đối với các TTHC thuộc lĩnh vực tần số VTĐ (19/72 TTHC), cụ thể như sau:
- Phân cấp 10 TTHC
[1] được quy định tại Mục D Phụ lục XIV Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về cấp, cấp đổi, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đối với đài vô tuyến điện nghiệp dư, đài tàu, đài vô tuyến điện liên lạc với phương tiện nghề cá.
- Phân cấp 09 TTHC về cấp, cấp đổi, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đối với đài vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá, đài truyền thanh không dây, mạng thông tin vô tuyến điện nội bộ.
3. Về việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC
Để thực hiện tốt nhất Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, các TTHC về cấp giấy phép sử dụng tần số VTĐ tại dự thảo Nghị định được quy định các thành phần hồ sơ để thực hiện thủ tục trực tuyến toàn trình, có kết nối liên thông trong việc sử dụng các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu giải quyết TTHC của Bộ, chỉ trong trường hợp không thể thực hiện trực tuyến thì mới yêu cầu các bản sao, bản giấy để giải quyết TTHC.
Các TTHC quy định tại dự thảo Nghị định đã được rà soát trên cơ sở các TTHC quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành
[2] nhằm tối ưu hóa quy trình cấp phép, đơn giản thành phần hồ sơ và rút ngắn thời gian xử lý.
Cụ thể như sau:
(1) Về tối ưu hóa quy trình cấp phép
Dự thảo Nghị định đã điều chỉnh một số quy trình về cấp phép tần số để tối ưu hóa việc xử lý, phối hợp giữa các bên liên quan, giúp tiết kiệm chi phí cho người dân và nhà nước. Cụ thể:
- Sửa đổi quy trình cấp phép và phối hợp tần số quốc tế đối với đài vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ di động hàng không, dẫn đường hàng không, bảo đảm không phải thực hiện phối hợp nhiều lần với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế mà vẫn lựa chọn được tần số phù hợp, không bị nhiễu, hoặc gây nhiễu cho các hệ thống trong nước và quốc tế.
- Sửa đổi quy trình cấp giấy phép thông qua thi tuyển quyền sử dụng TSVTĐ, trong đó kết hợp quy trình xét tuyển Hồ sơ thi tuyển với quy trình xét cấp giấy phép viễn thông và giấy phép sử dụng băng tần để đảm bảo doanh nghiệp sau khi trúng tuyển sẽ được cấp giấy phép viễn thông và giấy phép sử dụng TSVTĐ.
- Sửa đổi trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đối với đài trái đất của cơ quan đại diện nước ngoài, đoàn khách nước ngoài, phóng viên nước ngoài đi theo phục vụ đoàn khách nước ngoài sử dụng dịch vụ thông tin vệ tinh của nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế về thông tin vệ tinh để các TTHC liên quan là TTHC toàn trình tạo điều kiện cho đối tượng thực hiện trên môi trường điện tử.
(2) Về đơn giản hóa thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng tần số VTĐ
Dự thảo Nghị định tiếp tục đơn giản hóa hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện thông qua việc:
- Đã giảm tối đa các giấy tờ yêu cầu trong hồ sơ đề nghị cấp phép, cụ thể: 49/72 TTHC chỉ gồm bản khai đề nghị cấp phép (nhằm cung cấp các thông tin cần thiết cho việc tính toán và cấp phép tần số); đã rà soát, chuẩn hóa, cắt giảm khoảng 15% số lượng trường thông tin tại bản khai; tái sử dụng được các trường thông tin đã được tổ chức, cá nhân kê khai trong hồ sơ trước đây trên trên môi trường điện tử.
- Đã giảm tối đa các giấy tờ yêu cầu công chứng, chứng thực: (i) Trường hợp đã có tài khoản định danh điện tử, thì không yêu cầu nộp bản sao điện tử các giấy tờ căn cước công dân, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; (ii) Đối với hồ sơ nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu chính, khi cơ quan cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện tra cứu được thông tin về căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì tổ chức, cá nhân không phải nộp bản sao công chứng, chứng thực các giấy tờ trên.
(3) Về cắt giảm TTHC và thời gian thực hiện TTHC
Thời gian thực hiện TTHC quy định tại dự thảo Nghị định được xác định căn cứ vào lượng hồ sơ phải tiếp nhận hàng năm và khả năng đáp ứng của hệ thống
[3]. Tổng thời gian xử lý cấp phép của Việt Nam cũng ở mức trung bình so với thế giới
[4].
Dự thảo Nghị định tiếp tục rút ngắn thời gian thực hiện một số TTHC như sau:
- Thời gian cấp giấy phép sử dụng băng tần từ 80 ngày (60 ngày làm việc) xuống 55 ngày (điểm c, khoản 2 Điều 32);
- Thời gian cấp đổi giấy phép sử dụng tần số VTĐ từ 28 ngày (20 ngày làm việc) xuống còn 14 ngày (khoản 5 Điều 8, khoản 4 Điều 16, điểm c khoản 3 Điều 34);
- Thời gian xem xét hồ sơ hợp lệ cấp phép cho đài vệ tinh của Cơ quan đại diện ngoại giao từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc (điểm b, khoản 1, điều 14);
- Thời gian cấp giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh từ 63 ngày (45 ngày làm việc) xuống 55 ngày (khoản 3 Điều 16).
Bên cạnh các trường hợp sử dụng tần số và thiết bị VTĐ phải được cấp giấy phép để bảo đảm an toàn thông tin chung cho toàn bộ hệ thống, trong giai đoạn vừa qua, định kỳ từ 2 đến 3 năm, Bộ TTTT vẫn tổ chức rà soát, bổ sung các chủng loại thiết bị VTĐ được miễn giấy phép sử dụng tần số VTĐ
[5] trên cơ sở đặc tính kỹ thuật của thiết bị VTĐ, kết quả nghiên cứu đo kiểm đánh giá nhiễu tại Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Đến năm 2021, Bộ TTTT đã có quy định miễn giấy phép đối với 26 chủng loại thiết bị (kèm theo các điều kiện kỹ thuật cụ thể) gồm nhiều chủng loại rất phổ biến trên thị trường hiện nay và được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngay như wi-fi, thiết bị nhận dạng vô tuyến, truyền âm thanh không dây, xạc không dây… Khi sử dụng các thiết bị này theo các điều kiện đã được Bộ quy định, tổ chức, cá nhân không phải thông báo cho cơ quan quản lý và không phải thực hiện các thủ tục cấp phép. Qua đó góp phần giảm thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Trên cở sở các nội dung đã được rà soát, báo cáo nêu trên, đến nay nội dung dự thảo Nghị định đã bám sát các chủ trương, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phân cấp, phân quyền tối đa, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời bảo đảm hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tần số VTĐ.
[1] Trong đó, TTHC đề nghị sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đối với thiết bị vô tuyến điện dùng cho mục đích giới thiệu công nghệ tại triển lãm, hội chợ không quy định riêng mà nằm trong các TTHC khác, tùy thuộc vào nghiệp vụ, loại thiết bị vô tuyến điện, loại đài. TTHC về cấp đổi được gộp làm 01 TTHC.
[2] Nghị định 88/2021/NĐ-CP ngày 01/10/2021 quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần. Thông tư 04/2021/TT-BTTTT ngày 13/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện; sử dụng chung tần số vô tuyến điện. Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTTTT-BGTVT ngày 24/02/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải về hướng dẫn việc quản lý, cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đối với đài vô tuyến điện sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ di động hàng không, nghiệp vụ vô tuyến dẫn đường hàng không. Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BBCVT-BNG-BCA ngày 03/3/2006 của Bộ Bưu chính viễn thông, Bộ ngoại giao, Bộ Công an về hướng dẫn việc cấp phép sử dụng đài thông tin vệ tinh cho cơ quan đại diện nước ngoài, đoàn đại biểu nước ngoài, phóng viên nước ngoài đi theo phục vụ đoàn đại biểu nước ngoài.
[3] Trung bình mỗi năm tiếp nhận và xử lý khoảng 10 nghìn hồ sơ đề nghị cấp phép (cấp khoảng 30 nghìn giấy phép)
[4] Thời gian xử lý của Việt Nam là từ 14 đến 28 ngày. Thời gian xử lý hồ sơ cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ tại các nước: Canada từ 4 đến 6 tuần, Anh 42 ngày, Estonia 6 tuần, Bahrrain 90 ngày, Jamaica 30 ngày, đặc biệt Mỹ cho phép tối đa lên đến 6 tháng, Ấn Độ không quy định thời hạn trả lời. Thời gian xử lý của Việt Nam là từ 14 đến 28 ngày.
[5] Thông tư 08/2021/TT-BTTTT ngày 14/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định
Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo
.