Chính sách, pháp luật

GIỚI THIỆU 06 CHÍNH SÁCH TẠI HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT DÂN SỐ

19/12/2023 09:56 SA

 Như chúng ta đã biết, tại Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về sự phát triển bền vững đã đưa ra nhiều mục tiêu về dân số gắn bó mật thiết với phát triển bền vững. Điều đó đã chứng tỏ dân số và công tác dân số có một vị trí, vai trò rất quan trọng, đặc biệt đối với sự phát triển nhanh, bền vững của mỗi quốc gia.

Nhận thức được điều đó, công tác dân số đều được các cấp chỉ đạo, định hướng từ sớm; đưa ra phương hướng, mục tiêu cụ thể, phù hợp cho từng giai đoạn. Trên tinh thần đó, chúng ta đã xây dựng Pháp lệnh dân số số 06/2003/PL-UBTVQH11 ngày 09 tháng 01 năm 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2003, được sửa đổi, bổ sung bởi Pháp lệnh số 08/2008/UBTVQH12 ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2009.
Công tác dân số tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên sau 20 năm thực hiện cũng đã để lộ một số bất cập, vướng mắc cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như các chỉ đạo, định hướng mới của Đảng và Nhà nước.
Hiện nay, Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số được xây dựng với 06 chính sách như sau:
1. Chính sách 1: Duy trì mức sinh thay thế:
a) Mục tiêu của chính sách:
- Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) trong phạm vi cả nước, nhằm ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ XXI; khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng.
- Quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con; bảo đảm thực hiện quyền con người trong thực hiện chính sách dân số.
b) Nội dung chính sách:
- Quy định các biện pháp thực hiện điều chỉnh mức sinh để duy trì vững chắc mức sinh thay thế; các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng mức sinh thấp; tiếp tục thực hiện các chính sách, biện pháp giảm sinh, chỉ sinh hai con tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng có mức sinh cao.
- Quy định cặp vợ chồng, cá nhân được quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh, bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
2. Chính sách 2: Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên:
a) Mục tiêu của chính sách:
Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh để đến năm 2030 tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên.
b) Nội dung chính sách:
Tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi; quy định các biện pháp can thiệp vào nguyên nhân gốc rễ là sự ưa thích sinh con trai, quan niệm về việc mong muốn có con trai để nối dõi tông đường; hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái.
3. Chính sách 3: Phá thai an toàn:
a) Mục tiêu của chính sách:
Quản lý chặt chẽ dịch vụ phá thai, đặc biệt là phá thai ở vị thành niên và thanh niên nhằm giảm tỉ lệ phá thai, phá thai không an toàn, hạn chế các tác nhân có hại đối với sức khỏe phụ nữ, góp phần làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đến năm 2030, giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn23 và tiếp tục giảm dần sau năm 2030. 23 Mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW.
b) Nội dung chính sách:
Tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục về phòng tránh mang thai ngoài ý muốn; nghiêm cấm loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính dưới mọi hình thức; quản lý chặt chẽ dịch vụ phá thai tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
4. Chính sách 4: Tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh:
a) Mục tiêu của chính sách:
Phụ nữ mang thai, trẻ sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; giảm tỷ lệ trẻ em mới sinh bị bệnh, tật bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số ngay từ giai đoạn đầu đời; đến năm 2030, 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất24, tăng tỉ lệ phụ nữ mang thai, trẻ sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.
b) Nội dung chính sách:
Tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng dân số, thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; quy định phụ nữ mang thai, trẻ sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; hỗ trợ đối tượng thực hiện; trách nhiệm của Nhà nước, cơ sở cung cấp dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.
5. Chính sách 5: Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn:
a) Mục tiêu của chính sách:
Nam, nữ trước khi kết hôn được tư vấn, khám sức khỏe để phát hiện, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ có ảnh hưởng đến sức khoẻ, mang thai, sinh đẻ và nuôi con, góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững, con sinh ra khỏe mạnh; đến năm 2030, 90% nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn25; tăng dần tỉ lệ nam, nữ trước khi kết hôn được tư vấn, khám sức khỏe.
b) Nội dung chính sách:
Tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng dân số, thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; quy định việc cung cấp thông tin, tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; hỗ trợ đối tượng thực hiện; trách nhiệm của Nhà nước, cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.
6. Chính sách 6: Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội:
a) Mục tiêu của chính sách:
Tạo cơ sở pháp lý để lồng ghép các yếu tố dân số trong xây dựng, thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
b) Nội dung chính sách:
Quy định nội dung cơ bản để thực hiện lồng ghép các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong xây dựng, thực hiện lồng ghép các yếu tố dân số vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án Luật Dân số dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 năm 2024 Quốc hội khóa XV và thông qua vào kỳ họp thứ 8 năm 2024 Quốc hội khóa XV./.
 

Nguyễn Thu Trang - Vụ Pháp chế