Chính sách pháp luật mới

MỘT VÀI NỘI DUNG CƠ BẢN TẠI DỰ ÁN LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (SỬA ĐỔI)

15/12/2023 08:57 SA

 Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29/6/2001, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (ngày 18/6/2009), trong đó một số hạn chế, bất cập trong việc thực thi Luật Di sản văn hóa đã cơ bản được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực.
Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, di sản văn hóa; đảm bảo kế thừa, sự ổn định của hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Di sản năm 2021; Bảo đảm được tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với hệ thống pháp luật hiện hành; Giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan như: Luật Thuế, Thi đua khen thưởng, Xây dựng, Đầu tư... ; Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong lĩnh vực di sản văn hóa; Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, từng bước đưa di sản văn hóa có sự đóng góp cho sự phát triển kinh tế…
Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được xây dựng  gồm 10 chương 154 điều, tăng 3 chương, 81 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương 74 điều), cụ thể:
1. Chương I. Những quy định chung
2. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cộng đồng và cá nhân đối với hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
3. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
4. Chương IV. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể
5. Chương V. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu
6. Chương VI. Bảo tàng
7. Chương VII. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa
8. Chương VIII. Chuyển đổi số trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
9. Chương IX. Quản lý nhà nước về di sản văn hóa
10. Chương X. Điều khoản thi hành
Dự án Luật đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương trong tháng 11/2023 và đang tiếp tục tiến hành các trình tự, thủ tục tiếp theo nhằm sớm hoàn thiện và trình các cấp có thẩm quyền theo đúng quy định./. 

Nguyễn Thu Trang - Vụ Pháp chế