Ngày 17/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1400/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động giai đoạn 2023 - 2030” nhằm Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và Kết luận số 80-KL/TW ngày 20 tháng 6 năm 2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW. Qua đó, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đề án được xây dựng với nội dung chính, cụ thể như sau:
1. Mục tiêu tổng quát:
- Tiếp tục đổi mới toàn diện công tác PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ trong các loại hình doanh nghiệp, tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành; huy động nguồn lực xã hội; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động PBGDPL.
- Triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm công tác PBGDPL cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến có chất lượng, hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật lao động và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, góp phần thúc đẩy quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ, hạn chế rủi ro pháp lý, giảm thiểu tranh chấp lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao thứ hạng của Việt Nam về môi trường kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
2. Nội dung cơ bản:
- Pháp luật về lao động, quan hệ lao động.
- Nội dung, yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động, nhất là các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.
- Các chính sách có tác động lớn đến NLĐ và NSDLĐ.
3. Đối tượng:
- Các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện PBGDPL lao động.
- Cán bộ, công chức làm công tác PBGDPL.
- Trọng tài viên lao động cấp tỉnh và hoà giải viên lao động cấp huyện.
- NLĐ và NSDLĐ, nhất là NLĐ và NSDLĐ tại các địa bàn, khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung nhiều doanh nghiệp thâm dụng lao động, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật.
4. Phạm vi: Đề án được tổ chức triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc, trong đó tập trung vào các địa bàn, khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung nhiều doanh nghiệp và NLĐ.
5. Thời gian thực hiện: Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2023 - 2030.
6. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
a. Nâng cao nhận thức, năng lực, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức làm công tác PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ trong bối cảnh mới thực thi các cam kết quốc tế về lao động.
Trong đó, chú trọng thực hiện 03 nội dung chính như sau:
- Khảo sát, đánh giá nhu cầu, thực trạng để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng PBGDPL lao động cho NLĐ và NSDLĐ; khảo sát đánh giá kết quả thực hiện Đề án.
- Quán triệt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc nâng cao nhận thức, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL; tăng cường phối hợp cùng cấp, với cấp trên và cấp dưới trong việc đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ; xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm PBGDPL đối với từng đối tượng; đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ để gắn kết chặt chẽ việc triển khai Đề án này với Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” được phê duyệt tại Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, các cam kết quốc tế về lao động của Việt Nam; kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật và cán bộ nòng cốt làm công tác PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động.
b. Triển khai hiệu quả công tác PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động
Trong đó, chú trọng thực hiện 03 nội dung chính như sau:
- Biên soạn tài liệu nguồn, xây dựng cơ sở dữ liệu về PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ.
- Tổ chức đối thoại, giải đáp các vướng mắc trong việc áp dụng và thực hiện pháp luật, hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động của Việt Nam.
- Phát huy vai trò của cơ quan báo chí, xuất bản, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia PBGDPL, giải đáp, tư vấn pháp luật.
- Xây dựng và thực hiện các hình thức tuyên truyền, PBGDPL đa dạng, phong phú, linh hoạt.
- Ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
- Xây dựng, nhân rộng cách làm hay, mô hình PBGDPL hiệu quả cho NLĐ và NSDLĐ trong các doanh nghiệp.
Tại mục V.4 Quyết định này đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm: “Chỉ đạo cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về nội dung, hoạt động của Đề án; thực hiện các nhiệm vụ được phân công của Đề án”.
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án nhằm đảm bảo các hoạt động PBGDPL đi vào thực chất, khả thi, từng bước chuyên nghiệp và mang tính bền vững, đáp ứng nhu cầu của NLĐ và NSDLĐ./.