Có thể nói, hòa giải ở cơ sở là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý và tình, giữa đạo đức và pháp luật, là một trong những phương thức thể hiện tính dân chủ và tư tưởng “lấy dân làm gốc”, người dân tự quyết định vấn đề của mình phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội và là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án ngày càng được coi trọng và ưu tiên áp dụng.
Tinh thần đó cũng đã được thể hiện rõ trong nhiều nghị quyết của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã định hướng tăng cường sử dụng hòa giải trong giải quyết tranh chấp như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp “Phát huy đúng vai trò giám sát, phản biện xã hội, các hình thức tự quản của cộng đồng, các phương thức hòa giải cấp cơ sở”; Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là “Đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm….; phát hiện và giải quyết các xung đột xã hội, hoà giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới cũng khẳng định “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp…”.
Ngày 18/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 428/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019- 2022”. Sau khi Đề án được phê duyệt và thực hiện cũng đã đạt được một số kết quả nhất định, khả quan. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng đã gặp phải một số bất cập cần khắc phục. Do đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” với một số nội dung cụ thể như sau:
1. Mục tiêu:
1.1. Mục tiêu tổng quát
Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở để giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của công tác này trong giai đoạn mới, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
1.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
- Toàn bộ các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng cho tập huấn viên, hòa giải viên ở cơ sở, các ấn phẩm về hòa giải ở cơ sở được đăng tải trên mạng internet nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
- Ít nhất 95% tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu Tổ hòa giải theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.
- Ít nhất 95% hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành. Đối với các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo của Trung ương, tỷ lệ này là 100%.
- 100% đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu để hướng dẫn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở.
- 100% hòa giải viên ở cơ sở mới được bầu, bổ sung, kiện toàn hàng năm được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành.
- 100% hòa giải viên ở cơ sở được tiếp cận và sử dụng Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở bằng các hình thức phù hợp để tự nâng cao năng lực, nghiệp vụ hòa giải.
- Năm 2026, hoàn thành thực hiện chỉ đạo điểm; từ năm 2027, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng trên phạm vi cả nước.
2. Thời gian và phạm vi thực hiện của Đề án
- Đề án được triển khai thực hiện trên toàn quốc.
- Thời gian thực hiện: 2024 – 2030.
3. Nhiệm vụ, giải pháp
Trên cơ sở mục tiêu đề ra, Đề án dự kiến 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Thứ nhất, thực hiện chỉ đạo điểm của trung ương và các địa phương về nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
- Thứ hai, tiếp tục kiện toàn, xây dựng đội ngũ hòa giải viên có đủ tiêu chuẩn, năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở
- Thứ ba, tiếp tục kiện toàn đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện, nâng cao năng lực cho đội ngũ này
- Thứ tư, nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách thỏa đáng đối với hòa giải viên
- Thứ năm, nghiên cứu, xây dựng phần mềm quản lý công tác hòa giải ở cơ sở
- Thứ sáu, thu hút lực lượng luật sư, luật gia, thẩm phán, người có hiểu biết về pháp luật tham gia công tác hòa giải; huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho công tác hòa giải ở cơ sở.
- Thứ bảy, một số giải pháp khác như: tổ chức các hội thi, hội nghị (diễn đàn), hội thảo, tọa đàm; đoàn công tác đi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm tại các quốc gia trên thế giới, tăng cường hợp tác quốc tế về hòa giải cơ sở; kiểm tra, tổng kết việc thực hiện Đề án, tổ chức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng những hòa giải viên, tổ hòa giải ở cơ sở điển hình xuất sắc, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác hòa giải cơ sở.
Tại mỗi nhóm nhiệm vụ đều xác định cơ quan thực hiện, thời gian thực hiện để bảo đảm Đề án triển khai theo đúng tiến độ, hoàn thành mục tiêu đã đề ra./.