Ngày 03/8/2023 tại trụ sở Bộ TTTT, Hội đồng PBGDPL trung ương đã đến làm việc, trao đổi, kiểm tra và đánh giá cao công tác PBGDPL của Bộ trong giai đoạn 2022-2023, trên cơ sở báo cáo tổng kết của Bộ và các báo cáo chuyên đề từ các Vụ, Cục, Trung tâm thuộc Bộ.
Đây là một nội dung được Bộ TTTT nêu ra tại Báo cáo tổng kết công tác PBGDPL năm 2023 của mình. Cũng tại báo cáo này, Bộ TTTT đã tổng kết một số kết quả nổi bật trong công tác PBGDPL của mình như sau:
1. Về việc ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Luật PBGDPL
- Trên cơ sở các quyết định trên, cơ quan, đơn vị trong Bộ đã và đang chủ động triển khai theo nhiệm vụ được phân công, một số đơn vị tham mưu trình hoặc tự ban hành các Quyết định riêng về việc thực hiện công tác PBGDPL theo chức năng, nhiệm vụ của mình: (1) Quyết định 390/QĐ-BTTTT ngày 15/3/2023 về phê duyệt Kế hoạch tổ chức Hội nghị chuyên đề về bưu chính; (2) Quyết định số 1041/QĐ-BTTTT ngày 14/6/2023 về việc phê duyệt kế hoạch tổ chức Hội nghị quản lý nhà nước về bưu chính tại địa phương; (3) Quyết định số 25/QĐ-CBĐTW ngày 09/01/2023 của Cục Bưu điện Trung ương ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Cục Bưu điện Trung ương năm 2023, Quyết định số 1580/QĐ-BTTTT ngày 21/8/2023 phê duyệt Chương trình bồi dưỡng về chuyển đổi số năm 2023,...
2. Về việc triển khai một số nội dung trong công tác PBGDPL:
a. Thông qua việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Bộ TTTT:
- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương đề xuất, định hướng các cơ quan báo chí về việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến văn bản QPPL mới ban hành, đặc biệt các chính sách có tác động lớn đến người dân và xã hội;
- Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông, kênh thông tin cơ sở, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số để thông tin kịp thời về các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chính sách, pháp luật nói chung và ngành thông tin và truyền thông nói riêng, bằng các hình thức phù hợp;
- Phối hợp với bộ quản lý chuyên ngành chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan báo chí triển khai công tác truyền thông văn bản QPPL mới được ban hành, cụ thể: (1) Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật; (2) Quyết định 1623/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050; (3) Quyết định số 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030; quy định về định danh và xác thực điện tử, căn cước công dân,…;
- Xây dựng và thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; tiếp tục triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân nắm bắt được chính sách về chuyển đổi số, biết sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống;
- Phối hợp với Google tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu về “Nền tảng kỹ thuật cho kinh doanh số” cho các cơ quan báo chí; tiếp tục vận hành và triển khai website: DauhieuLuadao.com (Dấu hiệu Lừa đảo) nhằm nâng cao nhận thức về lừa đảo trực tuyến. Trang web cung cấp các tình huống lừa đảo điển hình, giúp người dân nhận biết các phương thức lừa đảo rất phổ biến hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới cũng như những "nguyên tắc vàng" trong hành xử để tự ngăn chặn.
b. Thông qua biên soạn các tài liệu, bài viết phục vụ công tác PBGDPL:
- Xây dựng đề cương tài liệu phổ biến pháp luật chung và chuyên ngành thông tin và truyền thông về giao dịch điện tử, công nghệ thông tin, an toàn thông tin, tần số vô tuyến điện, viễn thông, internet, báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình, bưu chính, …;
- Xây dựng và biên soạn các bài viết về pháp luật chung, pháp luật chuyên ngành và nghiệp vụ pháp chế đăng tải trên Chuyên trang Chính sách pháp luật về thông tin và truyền thông trên Trang thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ:
https://cspl.mic.gov.vn/Pages/trangchu.aspx;
- Phối hợp với các cơ quan báo chí và trang thông tin điện tử của các cơ quan, ban ngành đăng tải các bài viết giới thiệu các văn bản mới được ban hành lĩnh vực thông tin và truyền thông: Đài Truyền hình Việt Nam (kênh VTV1 Chuyển động 24h), Đài Truyền hình Hà Nội, Truyền hình Thông tấn xã, báo điện tử vietnamnet.vn (chuyên mục Pháp luật), Báo Thanh niên (chuyên mục Video) và nhiều báo viết khác (Báo Vietnamnet, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo VnExpress, Báo Hà Nội mới, Báo Dân trí, Tạp chí Thanh tra Chính phủ ...), cụ thể: truyền thông về dự thảo Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông trong quá trình xây dựng, về can nhiễu tần số ảnh hưởng đến hoạt động đời sống, về trạm thu phát sóng di động giả mạo (BTS giả), về thiết bị kích sóng di động (Repeater), về công tác quy hoạch đấu giá băng tần, về hội nghị Thông tin vô tuyến khu vực Châu Á -Thái Bình Dương (AWG-31), về chữ ký số và dịch vụ tin cậy,…;
- Phát hành cuốn sách tranh “Thế giới diệu kỳ của sóng vô tuyến”. Cuốn sách nhằm thông tin tới người dân và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương về vai trò của sóng vô tuyến điện trong cuộc sống; sự cần thiết, tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện. Tài liệu được trình bày dưới hình thức sách tranh với ngôn ngữ thoại ngắn gọn, dễ hiểu; hình ảnh gần gũi màu sắc tươi sáng giúp người đọc dễ dàng tiếp cận với nội dung mang tính kỹ thuật chuyên ngành hẹp.
c. Thông qua các hình thức cuộc thi, hội thi:
- Phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức cuộc thi “Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2023”;
- Phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2023;
- Tổ chức sản xuất và phát sóng 74 phóng sự chính luật, 09 tiểu phẩm phát thanh trên các kênh phát thanh, hệ thống truyền thanh cấp huyện, truyền thanh cấp xã trên toàn quốc nhằm thực hiện nhiệm vụ “tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” trên hệ thống thông tin cơ sở; truyền thông về hiệu quả công tác PBGDPL trên hệ thống thông tin cơ sở.
Ngoài ra, Bộ TTTT cũng đã sử dụng các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác như hội nghị, tập huấn, tọa đàm; qua các kênh tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị; qua việc duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật, …
Nhìn chung, trong năm 2023 công tác PBGDPL của Bộ TTTT tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, nề nếp và đảm bảo chất lượng công tác này ngày càng được nâng cao./.