Chính sách, pháp luật

Sự cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 2016 để đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới

15/12/2023 08:48 SA

 Luật Báo chí được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, Kỳ họp thứ11 thông qua ngày 05/4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Triển khai hướng dẫn thi hành Luật, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chú trọng, chủ động xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Đến nay, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí đã được ban hành đầy đủ với 02 Nghị định và 04 Thông tư (03 Thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông, 01 Thông tư của Bộ Tài chính.

           Tại thời điểm ban hành, Luật Báo chí vàcác văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật;đồng thời nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn vừa qua; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Luật Báo chí quy định khá đầy đủ, rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên. Tuy nhiên sau hơn 6 năm thi hành trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại đã dẫn đến những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn trong lĩnh vực báo chí, cần phải hoàn thiện quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lý kịp thời, phù hợp; một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lập đề nghị xây dựng Luật Báo chí sửa đổi và xác định sự cần thiết phải xây dựng Luật như sau:
- Nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí, đặc biệt là định hướng của Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”
- Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia được nêu rõ trong các Nghị quyết và văn kiện Đại hội Đảng, như: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII (Báo cáo chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2023; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025). Công nghệ số đã trở thành lực lượng sản xuất cơ bản của hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là báo chí. Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên, mạnh mẽ nhất và sâu rộng nhất là tới lĩnh vực báo chí, truyền thông. Việc sử dụng công nghệ số để làm báo đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí. Ngày 06/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06/4/2023.
 - Thực hiện Kết luận số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 11 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có chỉ đạo Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền Thông: “Chỉ đạo rà soát các quy định pháp luật về báo chí, xuất bản; kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống các văn bản của Đảng, Nhà nước; có cơ chế xử lý đủ mạnh để giải quyết kịp thời, dứt điểm các sai phạm của các cơ quan báo chí, xuất bản”.
- Triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư có ý kiến và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019, trong đó yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông: “ Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về báo chí, viễn thông, công nghệ thông tin cho phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí, triển khai có hiệu quả quy hoạch và tạo điều kiện cho báo chí phát triển”.
- Thực hiệnQuyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Báo cáo số 57/BC-BTTTT ngày 30/3/2022 kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
 Mục tiêu mà Bộ Thông tin và Truyền thông hướng đến khi sửa đổi Luật Báo chí năm 2016 là:
- Thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí, đặc biệt là định hướng của Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và quy định của Hiến pháp năm 2013.
- Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, luật hoá những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm; rà soát, xác định rõ những nội dung, phạm vi vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh.
 Quan điểm để sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định gồm:
- Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, là diễn đàn của nhân dân. Báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung chính sách phải nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí; phát huy tối đa những mặt tích cực, khắc phục tối đa những thiếu sót, khuyết điểm trong hoạt động báo chí; phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt báo chí.
 - Đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; cơ chế thực thi bảo đảm không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Bảo đảm tính khả thi của các quy định, tạo điều kiện để báo chí phát triển phù hợp với xu hướng phát triển trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý báo chí. 

Nguyễn Thị Thu Thảo - Vụ Pháp chế