Luật Đấu thầu 2023 được Quốc hội XV thông qua tại kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc lựa chọn nhà thầu. Luật có nhiều sửa đổi quan trọng, tháo gỡ điểm nghẽn về đấu thầu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực y tế, đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Đối với việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, Luật Đấu thầu đã luật hóa các quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08/4/2019 của Thủ tương Chính phủ về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu. Quy định cụ thể về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 29 của Luật Đầu thầu 2023 như sau:
Việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được áp dụng đối với các gói thầu không thể lựa chọn nhà thầu theo quy định tại các
điều 21, 22,
23, 24,
25, 26,
27 và 28 của Luật Đầu thầu 2023, bao gồm:
- Gói thầu mua thuốc, vắc xin trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu đặc thù của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh, bảo đảm và điều kiện khác trong quá trình thực hiện hợp đồng;
- Gói thầu mua thuốc, vắc xin, thiết bị y tế thông qua các tổ chức quốc tế;
- Gói thầu có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, biên giới lãnh thổ;
- Lựa chọn luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước việt nam, cơ quan nhà nước tại cơ quan tài phán nước ngoài hoặc quốc tế;
- Gói thầu về đào tạo chuyên sâu cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do cơ sở đào tạo nước ngoài trực tiếp thực hiện tại nước ngoài; mua vé máy bay cho đoàn đi công tác trong nước và quốc tế; gói thầu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành đặc thù cho cán bộ, công chức do cần thiết phải mời cơ quan, đơn vị có thẩm quyền hoặc có chức năng, nhiệm vụ đào tạo chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền giao;
- Gói thầu thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, bao gồm: tuyên truyền trên báo in, báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình và phương tiện thông tin đại chúng khác trong trường hợp cơ quan, đơn vị được giao kinh phí tuyên truyền trực tiếp ký hợp đồng với các cơ quan này để thực hiện; tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt; hợp tác sản xuất phim;
- Gói thầu sản xuất và lắp đặt sân khấu phục vụ sản xuất chương trình phát sóng gắn liền với ý tưởng thực hiện; thuê địa điểm để tổ chức sản xuất, ghi hình chương trình mang tính nghệ thuật cao;
- Gói thầu cung cấp dịch vụ in ấn, cung cấp tem, biên lai, niêm phong theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, hải quan; gói thầu mua chó nghiệp vụ, đào tạo chó nghiệp vụ, mua ma túy, chất nổ, mẫu tẩm nguồn hơi ma túy, chất nổ để huấn luyện chó nghiệp vụ;
Theo quy định tại Điều 29 của Luật Đấu thầu năm 2023 thì một số gói thầu có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông gồm: Gói thầu thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, bao gồm: tuyên truyền trên báo in, báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình và phương tiện thông tin đại chúng khác trong trường hợp cơ quan, đơn vị được giao kinh phí tuyên truyền trực tiếp ký hợp đồng với các cơ quan này để thực hiện; tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt; hợp tác sản xuất phim; Gói thầu sản xuất và lắp đặt sân khấu phục vụ sản xuất chương trình phát sóng gắn liền với ý tưởng thực hiện; thuê địa điểm để tổ chức sản xuất, ghi hình chương trình mang tính nghệ thuật cao; Gói thầu cung cấp dịch vụ in ấn, cung cấp tem.
Có thể nói, việc luật hóa các quy định về việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đã tạo ra cơ sở pháp lý thống nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các gói thầu có tính chất đặc thù hiện nay, trong đó bao gồm cả những gói thầu đặc biệt có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông.