Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm phát thanh, truyền hình Việt Nam ở các quốc gia khác là hiện hữu. Với hơn 05 triệu người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc ở trên 130 quốc gia trên thế giới, đây là một thị trường tiềm năng để các cơ quan báo chí Việt Nam thâm nhập và xuất khẩu nội dung của mình. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa một cơ quan báo chí nào tự xuất khẩu được nội dung báo nói, báo hình ra nước ngoài.Nguyên nhân của vấn đề bất cập là do Điều 55 Luật Báo chí 2016 về hoạt động hợp tác của cơ quan báo chí Việt Nam với nước ngoài chỉ quy định rằng cơ quan báo chí Việt Nam có quyền phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí ra nước ngoài; ủy thác cho tổ chức, cá nhân in lại, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí Việt Nam ở nước ngoài. Điều này có nghĩa là cơ quan báo chí Việt Nam có thể ủy thác cho một bên thứ ba, nhưng không có quyền trực tiếp xuất khẩu nội dung của mình ra nước ngoài. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm báo chí in xuất bản hợp pháp tại Việt Nam được khuyến khích xuất khẩu ra nước ngoài, có được trợ giá cước vận chuyển là 50%.
Hậu quả của bất cập trên là sẽ hạn chế việc quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cộng đồng người Việt ở nước ngoài.Người Việt ở nước ngoài khó tiếp cận các sản phẩm báo nói, báo hình chính thống bằng ngôn ngữ tiếng Việt, khiến họ mất đi một nguồn thức ăn tinh thần quý báu, giúp họ gìn giữ được mối liên hệ giữa họ với tổ quốc Việt Nam. Đối với các đài PTTH, doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ doanh thu từ thị trường tiềm năng. Mất đi động lực và cơ hội phát triển do bỏ qua việc phát triển các nội dung báo nói, báo hình tầm cỡ quốc tế, có thể xuất khẩu được.
- Nhà nước khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm báo nói, báo hình.
- Cơ quan báo nói, báo hình được tự xuất khẩu sản phẩm có chứa nội dung báo nói, báo hình ra nước ngoài, hoặc xuất khẩu thông qua một doanh nghiệp khác.
- Cơ quan báo nói, báo hình xuất khẩu sản phẩm có chứa nội dung chương trình ra nước ngoài theo bất kỳ hình thức nào phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung chương trình được xuất khẩu.
Với phương án trên, Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn sẽ giúp quảng bá được văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra cộng đồng quốc tế một cách hiệu quả;giữ gìn mối liên kết với cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Người Việt ở nước ngoài được tiếp cận sản phẩm báo nói, báo hình tiếng Việt chính thống một cách dễ dàng, nâng cao cuộc sống tinh thần của người Việt xa quê.Còn đối với các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí có thể tăng doanh thu từ hoạt động xuất khẩu sản phẩm báo nói, báo hình ra nước ngoài; có thêm động lực để tập trung sản xuất các chương trình mang tầm cỡ quốc tế.