Chính sách, pháp luật

Hoạt động nhập khẩu báo in hiện nay và vấn đề pháp lý cần giải quyết

13/12/2023 08:09 SA

 Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 07 doanh nghiệp đang tham gia vào hoạt động nhập khẩu báo in, trong đó, 04 doanh nghiệp có nguồn gốc là doanh nghiệp Nhà nước đã được Bộ Văn hóa - Thông tin chấp thuận cho phép hoạt động trước năm 2016 và 03 doanh nghiệp còn lại (Công ty TNHH Sách Á Châu, Công ty cổ phần Hợp nhất Quốc tế và Công ty TNHH Sách thật) được Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) chấp thuận sau khi Luật Báo chí 2016 ra đời. Theo thống kê, tổng số tựa báo và tạp chí in được nhập khẩu trong 03 năm gần đây (từ năm 2021 đến năm 2023) là 37.715 (trung bình hàng năm số tựa báo và tạp chí in nhập khẩu là 12.571). Trên thế giới, theo số liệu năm 2020, đối với tạp chí, dữ liệu trích dẫn bao gồm khoảng 21.500 tạp chí khoa học có chất lượng của hơn 250 chuyên ngành khoa học và nghiên cứu trên thế giới[1].

Việc cấp phép cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu báo chí, hiện nay, đang được thực hiện dưới hình thức văn bản chấp thuận (không phải là giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu báo in, tạp chí). Do đó, dẫn đến tình trạng lúng túng khi áp dụng luật trong quá trình nộp hồ sơ, cũng như xét duyệt hồ sơ. Các cam kết quốc tế WTO, CPTPP, EVFTA và các hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên đều có cam kết cho phép hoạt động nhập khẩu báo in nước ngoài, không mở cửa thị trường cho cá nhân, tổ chức được nhập khẩu trực tiếp báo, tạp chí in vào thị trường Việt Nam. Nguyên nhân của vấn đề bất cập trên là do Điều 54 Luật Báo chí 2016 chỉ có quy định việc nhập khẩu báo in phải được thực hiện thông qua cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu báo chí do Bộ TTTT cấp giấy phép, và người đứng đầu cơ sở nhập khẩu báo chí phải tổ chức kiểm tra nội dung báo chí nhập khẩu trước khi phát hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung báo chí in mà mình nhập khẩu. Các quy định của Luật Báo chí 2016 chưa nêu rõ điều kiện để cấp giấy phép cho cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu báo chí. Điều kiện đối với người đứng đầu cơ sở nhập khẩu báo chí cũng chưa được quy định rõ ràng. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở nhập khẩu báo chílà rất quan trọng, vì phải tổ chức kiểm tra nội dung của báo chí nhập khẩu trước khi phát hành, cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung báo chí mà mình nhập khẩu. Trách nhiệm người đứng đầu cơ sở nhập khẩu báo chí cũng có nét tương đồng với trách nhiệm của tổng biên tập một cơ quan báo chí trong việc đảm bảo chất lượng của sản phẩm báo chí khi đến với bạn đọc. Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2020 quy định hoạt động kinh doanh dịch vụ phát hành báo chí nhập khẩu là hoạt động kinh doanh có điều kiện.
Qua quá trình nghiên cứu, đánh giá tác động Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất giải pháp như sau: kế thừa các quy định như Điều 54 Luật Báo chí 2016; đồng thời, bổ sung thêm bổ sung quy định về điều kiện cấp phép đối với cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu báo chí (trong đó có cả tiêu chuẩn của người đứng đầu cơ sở) và yêu cầu nghĩa vụ báo cáo của cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu báo chí; đồng thời cho phép cơ quan báo được nhập khẩu báo in và không cần phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động nhập khẩu báo in. Cụ thể:
§ Việc nhập khẩu báo in được thực hiện thông qua cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu báo chí do Bộ TTTT cấp giấy phép.
§ Cơ sở nhập khẩu báo in phải đăng ký danh mục báo chí nhập khẩu với Bộ TTTT trước khi nhập khẩu.
§ Người đứng đầu cơ sở nhập khẩu báo in phải tổ chức kiểm tra nội dung báo chí nhập khẩu trước khi phát hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung báo in mà mình nhập khẩu.
Quy định về điều kiện cấp phép đối với cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu báo chí (trong đó có cả tiêu chuẩn của người đứng đầu cơ sở) và yêu cầu nghĩa vụ báo cáo của cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu báo chí:
- Điều kiện cấp phép cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu báo chí: Là doanh nghiệp Việt Nam, có đăng ký kinh doanh hoạt động nhập khẩu báo chí in.
Phải có bộ phận/hội đồng thẩm định nội dung và quy chế làm việc, quy định trách nhiệm cụ thể. Tiêu chuẩn nghiệp vụ thành viên:  
o    Phải có trình độ ngoại ngữ của sản phẩm thẩm định;
o    Là chuyên gia trong trong lĩnh vực chuyên ngành của nội dung báo, tạp chí nhập khẩu.
- Điều kiện đối với người đứng đầu cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu báo chí:
o    Có trình độ chuyên môn phù hợp theo quy định của Bộ TTTT;
o    Có phẩm chất đạo đức tốt.
    - Quy định doanh nghiệp phải báo cáo số liệu định kỳ trong quá trình hoạt động và khi có yêu cầu đột xuất từ Bộ TTTT.
- Với 7 doanh nghiệp đang hoạt động, sẽ phải đáp ứng điều kiện nêu trên trong vòng 2 năm kể từ khi Luật có hiệu lực.
Với phương án trên, Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu báo in sẽ được thực hiện thống nhất và đồng bộ hơn do đã có TTHC, tiêu chuẩn và điều kiện rõ ràng. Cơ quan quản lý sẽ có cơ sở để cấp phép hoặc từ chối cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm báo chí nước ngoài; uy tín của Nhà nước được tăng lên vì quy định về hoạt động nhập khẩu báo in minh bạch hơn.Đối với người dân:  sẽ được tiếp cận sản phẩm báo chí nước ngoài một cách dễ dàng và chính thống, nâng cao cuộc sống tinh thần của người dân.Đối với doanh nghiệp: thì một số doanh nghiệp và cơ quan báo có đủ năng lực và có nhu cầu tham gia vào hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu báo in có cơ hội kinh doanh mới. 


[1]  Nguồn: Clarivate Plc đã phát hành bản cập nhật năm 2023 cho báo cáo Trích dẫn Tạp Chí (JRC) Research Information

Nguyễn Thị Thu Thảo - Vụ Pháp chế