Tính từ 2020 - 2022, Bộ TTTT đã thu hồi giấy phép hoạt động của 184 cơ quan báo chí, với lý do là giải thể, chuyển cơ quan chủ quản, chuyển đổi mô hình, sáp nhập, chấm dứt hoạt động để thực hiện quy hoạch báo chí; do cơ quan chủ quản hoặc cơ quan báo chí không còn nhu cầu hoạt động báo chí xin nộp lại giấy phép. Tuy nhiên, không có cơ quan báo chí nào bị thu hồi giấy phép hoạt động vì không đủ điều kiện hoạt động.
Có hiện tượng một số cơ quan báo chí không đủ điều kiện hoạt động theo Luật Báo chí 2016 nhưng vẫn có thể tiếp tục hoạt động mà không bị bắt buộc phải chấm dứt hoạt động. Ban đầu, trong quá trình đề nghị cấp giấy phép hoạt động, các cơ quan báo chí đều thể hiện đáp ứng đầy đủ các điều kiện, có đề án hoạt động, cam kết bảo đảm về tổ chức, nhân sự, cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương án tài chính. Nhưng sau khi hoạt động một thời gian, một số cơ quan báo chí không còn đảm bảo được điều kiện hoạt động như: không có người đứng đầu cơ quan báo chí, không đủ kinh phí hoạt động, cá biệt có trường hợp không có phóng viên chính thức. Đóng góp về hàm lượng thông tin tuyên truyền của các cơ quan báo chí này rất hạn chế, nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Thực trạng này là một trong các nguyên nhân dẫn đến vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động báo chí, thậm chí là lợi dụng tư cách báo chí để sách nhiễu, thu lợi bất chính. Khi cơ quan chủ quản không cấp kinh phí hoạt động, một số cơ quan báo chí buộc phải lo nguồn tiền để hoạt động, do đó, có thể dẫn đến việc “tư nhân hóa” báo chí, thương mại hóa báo chí và không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích.
Nguyên nhân dẫn đến những vấn đề bất cập trong việc triển khai các quy định về việc thu hồi giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí hiện nay được xác định như sau:
Điều 59 Luật Báo chí năm 2016 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí đã quy định hình thức thu hồi giấy phép, song quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính không có hình thức thu hồi giấy phép, nên khi cơ quan báo chí có vi phạm nghiêm trọng, vi phạm rất nghiêm trọng cơ quan quản lý nhà nước về báo chí chỉ xử phạt tiền và tước quyền sử dụng giấy phép (đình bản tạm thời).
Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013, cần quy định rõ trong luật các trường hợp thu hồi giấy phép khi không đủ điều kiện hoạt động.
Hậu quả của việc thiếu hành lang pháp lý để thu hồi giấy phép trong hoạt động báo chí khi cơ quan báo chí không còn đủ điều kiện hoạt động đã gây ra những bất cập sau:
+ Đối với Nhà nước:
o Không đảm bảo được chất lượng của báo chí.
o Phải xử lý bất ổn xã hội bắt nguồn từ hành động vi phạm của các cơ quan báo chí yếu kém, không đủ điều kiện hoạt động và những phóng viên, nhà báo thuộc những cơ quan báo chí này.
+ Đối với người dân, tổ chức:
o Có nguy cơ tiếp cận những sản phẩm báo chí kém chất lượng.
o Có khả năng bị các cơ quan báo chí yếu kém, không đủ điều kiện và những phóng viên, nhà báo thuộc những cơ quan báo chí này sách nhiễu để kiếm lợi bất chính.
+ Đối với cơ quan báo chí:
o Uy tín của ngành báo chí và các cơ quan báo chí chân chính bị ảnh hưởng do việc làm sai trái của một số những cơ quan báo chí không đủ điều kiện hoạt động.
Việc khắc phục những bật cập trong việc triển khai các quy định về việc thu hồi giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí theo Luật Báo chí năm 2016 hiện nay đang được Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu để đưa ra phương án xử lý dứt điểm tình trạng này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016.