Hoạt động theo dõi thi hành pháp luật đã và đang là một yêu cầu cấp bách và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chiến lược trước yêu cầu hội nhập, đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đảm bảo quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã chỉ rõ “ Xây dựng và hoàn thiện pháp luật phải gắn với tổ chức thi hành pháp luật củng cố các thiết chế thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật vừa là công cụ quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật”.
Trong thời gian qua các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực đẩy mạnh triển khai và đưa công tác theo dõi thi hành pháp luật dần đi vào nề nếp. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về theo dõi thi hành ngày càng được hoàn thiện hơn, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật vẫn còn có những khó khăn, bất cập, xuất phát từ thể chế và thực tiễn triển khai thực hiện. Cụ thể như sau:
Khoản 1 Điều 99 Hiến pháp 2013 quy định trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc “tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc”, như vậy, có thể thấy rằng theo dõi thi hành pháp luật là một trong những hoạt động quan trọng trong công tác kiểm soát quyền lực nhà nước, đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì cơ sở pháp lý về theo dõi thi hành pháp luật mới chỉ dừng lại ở các văn bản cấp Nghị định, Thông tư hướng dẫn, đồng thời, các văn bản này chưa có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong công tác theo dõi thi hành pháp luật; về trách nhiệm xử lý kết quả, kiến nghị. Các tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật chưa rõ ràng, một số tiêu chí còn mang tính chủ quan không phù hợp, chưa có quy định về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị về đảm bảo các điều kiện cho hoạt động theo dõi thi hành pháp luật.
Về các điều kiện đảm bảo cho công tác theo dõi thi hành pháp luật, hiện nay, kinh phí cho hoạt động theo dõi thi hành pháp luật được quy định tại Thông tư số 19/2017/TT-BTC ngày 28/02/2017 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, kinh phí chi cụ thể cho từng hoạt động lại nằm rải rác tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, ví dụ như: Phổ biến, giáo dục pháp luật cho công tác theo dõi thi hành pháp luật: Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Công tác rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác theo dõi thi hành pháp luật: Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Về tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật: thực hiện theo Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật,v.v. Chính vì vậy, qua thực tế triển khai, nhiều Bộ, ngành, địa phương còn lúng túng và gặp khó khăn trong công tác hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí cho công tác này.
Bên cạnh đó, nội dung xem xét, đánh giá công tác TDTHPL được , các cơ quan có thẩm quyền thực hiện trên cơ sở xem xét, đánh giá 03 nội dung: (1) Tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản QPPL; (2) Tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật; (3) Tình hình tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai công tác TDTHPL gặp rất nhiều khó khăn do lĩnh vực theo dõi rộng, các tiêu chí theo dõi, đánh giá còn chung chung, chưa cụ thể; việc theo dõi, đánh giá vẫn được thực hiện dựa trên công tác chỉ đạo, tham mưu nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách mà chưa dựa vào tính hiệu quả kết quả đầu ra của hoạt động TDTHPL. Một số nội dung đánh giá như: “Tính kịp thời, đầy đủ trong thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền” , “Tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và trong áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền”, “Mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân” hay “
Mức độ đáp ứng về kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho thi hành pháp luật”… là những tiêu chí mang tính chất định tính, rất khó thực hiện việc đánh giá chính xác, khách quan về tình hình thi hành pháp luật.
Ngoài ra, việc tiếp nhận, thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật, còn hạn chế, thông tin thu thập được từ các nguồn phương tiện thông tin đại chúng; phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; đánh giá, kiến nghị của các doanh nghiệp; kết quả của cơ quan giám sát,… còn hạn chế, thậm chí có cơ quan, đơn vị không nhận được thông tin nào, việc thu thập thông tin chủ yếu thông qua hình thức báo cáo hành chính, điều tra khảo sát của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các thông tin cung cấp một cách chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể dẫn đến việc xử lý thông tin sau tiếp nhận chưa kịp thời, hiệu quả.
Công tác phối hợp, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động TDTHPL chưa hiệu quả, còn thiếu sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan
Điều 10 Thông tư số 04/2021/TT-BTP đã quy định về tiêu chuẩn, nội dung hoạt động, hợp đồng, kinh phí cộng tác viên TDTHPL nhưng không có hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện, thẩm quyền công nhận cộng tác viên (cách thức xác định một người là cộng tác viên để ký hợp đồng), việc cộng tác viên tham gia vào từng hoạt động động thu thập, tổng hợp thông tin; điều tra, khảo sát; tham gia ý kiến về xử lý kết quả TDTHPL phải đáp ứng những điều kiện gì…, nên rất khó triển khai phối hợp và huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đối với hoạt động này.
Một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đối với công tác TDTHPL; chưa nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác TDTHPL, vẫn còn thụ động, thiếu linh hoạt, thiếu sáng tạo, còn lúng túng trong triển khai thực hiện công tác TDTHPL thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách. Hoạt động tổ chức thực hiện nhiệm vụ TDTHPL ở một số đơn vị mang tính hình thức, việc xử lý kết quả TDTHPL chưa được quan tâm, chú trọng, chưa thực sự hướng tới mục đích của công tác theo dõi là phát hiện các vướng mắc, bất cập trong thi hành pháp luật để kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành và hoàn thiện hệ thống pháp luật; chưa bố trí kịp thời cán bộ có đủ năng lực, kinh nghiệm để làm công tác TDTHPL nên kết quả đạt được chưa cao.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác TDTHPL hiện nay, cần có những giải pháp trọng tâm, đột phá, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoàn thiện công tác TDTHPL, cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về TDTHPL, trong đó, đảm bảo rõ ràng phương thức, nội dung, địa vị pháp lý, thống nhất trách nhiệm cụ thể của từng chủ thể trong hoạt động TDTHPL, phân định rõ khái niệm thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật. Đồng thời cần rà soát, đánh giá tính phù hợp, tính hiệu quả của các văn bản quy định, hướng dẫn về theo dõi tình hình thi hành pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo hướng hướng dẫn cụ thể hơn, chi tiết hơn.
Hai là, đẩy mạnh các hoạt độngnâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác TDTHPL. Qua đó tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của đội ngũ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình tổ chức thực thi các quy định của pháp luật, thực hiện nhiệm vụ công vụ được giao.
Ba là, tăng cường các hoạt động kiểm tra; điều tra khảo sát, thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật, kịp thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như chấn chỉnh các sai phạm, đảm bảo việc thực thi pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động TDTHPL, từ đó đưa ra được kết quả và xử lý thông tin về TDTHPL một cách chính xác, khách quan, hiệu quả nhất.
Bốn là, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong hoạt động TDTHPL; kiện toàn và đổi mới về tổ chức, bộ máy, biên chế làm công tác TDTHPL ở các đơn vị theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu công tác.