Trong quá trình triển khai hoạt động giám định tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gặp một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng, ban hành, hoàn thiện thể chế, tổ chức, nhân lực, hoạt động, quản lý và đánh giá, sử dụng kết luận giám định như:
- Giám định viên tư pháp, người giám định theo vụ việc trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đều là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ, Sở hoạt động kiêm nhiệm trong khi trách nhiệm pháp lý của người giám định tư pháp đối với kết luận giám định là rất lớn, việc giám định tư pháp đòi hỏi người tiến hành giám định phải đầu tư nhiều thời gian, trí tuệ nên khi tham gia thực hiện giám định tư pháp sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của công chức, nhiệm vụ của đơn vị cử cán bộ, công chức tham gia thực hiện giám định tư pháp.
- Thông tin và truyền thông là ngành đa lĩnh vực với nhiều yếu tố phức tạp: báo chí, xuất bản là các lĩnh vực nhạy cảm, mang tính chính trị; bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin là các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ thường được sử dụng làm phương tiện để phạm tội. Vì vậy, những nội dung trưng cầu giám định trong lĩnh vực thông tin và truyền thông ngày càng khó khăn, phức tạp, nhiều nội dung trưng cầu giám định đòi hỏi phải có trình độ công nghệ cao, có phương tiện, thiết bị để khảo sát, đo lường, kiểm định mẫu vật giám định, kinh phí để thực hiện giám định. Đối với giám định về báo chí, xuất bản, thông tin điện tử yêu cầu người giám định cần có kiến thức rộng, sâu về nhiều mặt của xã hội, đặc biệt là các nội dung giám định về tư tưởng, quan điểm để nhìn nhận, đánh giá chính xác các vấn đề chính trị, xã hội. Công việc khó khăn, trách nhiệm cao nhưng chế độ bồi dưỡng cho giám định viên tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông còn rất khiêm tốn nên chưa khích lệ, động viên, thu hút được người giám định tư pháp tham gia tích cực, hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định tư pháp.
- Việc chưa xác định rõ thẩm quyền giám định pháp trong lĩnh vực thông tin trên mạng (giữa Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông) gây khó khăn cho Cơ quan điều tra thực hiện trưng cầu giám định. Hay có những vụ việc thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau (ví dụ: giám định việc thông tin trên mạng có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân thuộc quản lý của cơ quan khác, không thuộc Sở Thông tin và Truyền thông).
- Một số vụ việc giám định tư pháp thuộc đúng thẩm quyền giám định của Sở, nhưng đội ngũ GĐVTP và công chức tại Sở chưa có kinh nghiệm để thực hiện vụ việc đó, như giám định về văn hóa tư tưởng, xác định hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; giám định thông tin trên mạng; giám định về các trạm BTS giả…
- Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc tại địa phương được thành lập nhưng chưa có thực tiễn giám định tư pháp, các giám định viên tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đã được bổ nhiệm nhưng chưa được tham gia thực hiện giám định, do đó kinh nghiệm thực tế tiến hành giám định tư pháp cũng như việc nắm vững quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tố tụng chưa nhiều, chưa thường xuyên, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao để sẵn sàng cho việc tiến hành giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
- Một số vụ việc có mức độ phức tạp cao, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, đánh giá trước khi thực hiện tiếp nhận/từ chối trưng cầu giám định, do đó không đảm bảo đúng thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 11 và Điều 26a Luật giám định tư pháp.
- Kết luận giám định tư pháp là một trong những yếu tố quan trọng quyết định kết quả giải quyết vụ việc có đúng không vì kết luận giám định sai sẽ dẫn đến giải quyết không chính xác hoặc có thể bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội. Các kết luận giám định lĩnh vực thông tin và truyền thông đã được thực hiện, hoàn thành trên nguyên tắc bảo đảm tính đúng đắn, khách quan đã giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, trách nhiệm của giám định viên về kết luận giám định rất lớn, gây ra thái độ e ngại khi được phân công thực hiện giám định tư pháp.
Nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc nêu trên là do
- Công tác tập huấn, bồi dưỡng các quy định về giám định tư pháp, nâng cao trình độ chuyên ngành cho những cán bộ, công chức được bố trí trong công tác giám định tư pháp lĩnh vực thông tin và truyền thông, nhất là người giám định tư pháp ở các Sở Thông tin và Truyền thông còn chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ tố tụng.
- Chưa chú trọng đến bảo đảm kinh phí, chế độ đãi ngộ cũng như việc đầu tư, củng cố, kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tập thể giám định và đội ngũ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
- Công tác bổ nhiệm giám định viên tư pháp, lựa chọn, công bố người giám định tư pháp theo vụ việc chưa được nhiều địa phương quan tâm. Có nhiều địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông đã lập danh sách đề nghị bổ nhiệm sang Sở Tư pháp nhưng chưa được UBND phê duyệt, bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
- Hệ thống pháp luật về giám định tư pháp cơ bản đã hoàn thiện, tuy nhiên đội ngũ người giám định tư pháp còn nơi có nơi không, số lượng các vụ giám định trong lĩnh vực thông tin và truyền thông chưa nhiều nên không thể bắt buộc địa phương nào cũng cần có tổ chức, giám định viên tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Qua nhiều năm thực hiện, Luật Giám định tư pháp và Đề án 250 đã có tác động tích cực không những phục vụ đắc lực cho hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng mà còn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, hoạt động giám định tư pháp cần được nhận thức sâu rộng hơn, phản ánh được tác dụng hiệu quả và cần được tổ chức, công dân tích cực sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Kiến nghị Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm hàng năm cho các cán bộ, các giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc về từng lĩnh vực chuyên ngành sâu. Đối với những vụ việc phức tạp liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, văn hóa, tư tưởng, phải sử dụng, huy động máy móc, thiết bị chuyên ngành thì cần có phương án, tạo điều kiện để giám định viên tư pháp có thể tiếp cận, khai thác, sử dụng các trang thiết bị chuyên dụng của các cơ sở khoa học công nghệ, kỹ thuật và tổ chức chuyên môn của cơ quan, đơn vị phục vụ hoạt động giám định tư pháp.
- Đề nghị Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp có hướng dẫn, phân định rõ trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành có liên quan trong việc giám định đối với nội dung thông tin trên mạng gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi lĩnh vực quản lý.
Việc chưa xác định rõ thẩm quyền giám định pháp trong lĩnh vực thông tin trên mạng (giữa Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông) gây khó khăn cho Cơ quan điều tra thực hiện trưng cầu giám định. Hay có những vụ việc thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau (ví dụ: giám định việc thông tin trên mạng có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân thuộc quản lý của cơ quan khác, không thuộc Sở Thông tin và Truyền thông).
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác đào tạo nguồn giám định viên tư pháp chuyên ngành thông tin và truyền thông nhất là đối với người giám định tư pháp ở các Sở Thông tin và Truyền thông, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp lý chuyên sâu cho đội ngũ người giám định tư pháp theo từng năm trên cơ sở đánh giá, dự báo nhu cầu trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông. Căn cứ thực tiễn công tác giám định tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ nghiên cứu, đánh giá, xem xét công bố các tổ chức giám định tư pháp có đủ điều kiện để cơ quan tiến hành tố tụng có thể liên hệ trưng cầu trực tiếp.
Bộ sẽ chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, khảo sát đánh giá thực trạng đối với tình hình thực hiện công tác giám định, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và khắc phục những tồn tại, qua đó, xây dựng quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Ngoài ra, cần quản lý chặt số lượng giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp vụ việc, tổ chức giám định tư pháp để thường xuyên kết nối, tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên ngành sâu, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật về giám định tư pháp, kiến thức chuyên ngành nhằm tăng số lượng và chất lượng giám định viên tư pháp./.