Giám định Tư pháp

Kết quả đạt được của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp

16/11/2023 15:50 CH

 Thực hiện Nghị quyết số 755/NQ-UBTVQH15 ngày 27/3/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện tổng kết tình hình triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”.

Trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đạt được một số kết quả như sau:
- Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập trung tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” tại Bộ như đã tiến hành tổ chức tuyên truyền, phổ biến quán triệt quy định của pháp luật về giám định tư pháp tới các cơ quan, tổ chức trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoạt động trong ngành thông tin và truyền thông; thường xuyên phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn nghiệp vụ giám định tư pháp cho cán bộ, công chức thuộc Bộ, các Sở Thông tin và Truyền thông và cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ giám định tư pháp cho người giám định tư pháp.
- Bộ Thông tin và Truyền thông đã cơ bản thực hiện đầy đủ, kịp thời việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp thuộc lĩnh vực phạm vi quản lý nhà nước, làm cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Hiện nay, Bộ đang trong giai đoạn rà soát, nghiên cứu việc sửa đổi Thông tư số 24/2013/TT-BTTTT ngày 27/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với các văn bản pháp luật về giám định tư pháp, thường xuyên rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật về giám định tư pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như tạo điều kiện thuận lợi khi triển khai thực hiện hoạt động giám định tư pháp nói chung, hoạt động giám định tư pháp lĩnh vực thông tin và truyền thông nói riêng.
- Đối với hệ thống tổ chức giám định tư pháp lĩnh vực thông tin và truyền thông, ở cấp Bộ, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa công bố tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Số lượng giám định viên tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đã được bổ nhiệm là 22 người giám định viên tư pháp. Ở cấp Sở, hiện nay đã có 03 Sở Thông tin và Truyền thông có tổ chức giám định là Sở Bình Định, Phú Yên và Cà Mau, số lượng giám định viên tư pháp lĩnh vực thông tin và truyền thông ở địa phương thống kê được là 167 người. Các giám định viên tư pháp trải đều trên các lĩnh vực quản lý nhà nước lĩnh vực thông tin và truyền thông, đều có kinh nghiệm và trình độ, chuyên ngành phù hợp với quy định, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt.
Về người giám định tư pháp theo vụ việc, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có văn bản và đề nghị Bộ Tư pháp đưa vào danh sách chung người giám định theo vụ việc. Hiện nay, đội ngũ người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực thông tin và truyền thông có 140 người trong đó cấp Bộ 63 người, cấp địa phương 77. Người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đều đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp, có trình độ, chuyên môn và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt.
- Về hoạt động giám định tư pháp: Tính từ ngày 01/01/2018 đến hết ngày 30/6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phân công giám định viên tư pháp, người giám định theo vụ việc tiến hành giám định 21 vụ việc (năm 2018: 02 vụ việc, năm 2019: 01 vụ việc, năm 2020: 04 vụ việc, năm 2021: 02 vụ việc, năm 2022: 07 vụ việc, năm 2023: 05 vụ việc) do cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, Cơ quan điều tra - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra - Bộ Quốc phòng và một số cơ quan tiến hành tố tụng khác) trưng cầu về các lĩnh vực chuyên ngành thông tin và truyền thông (viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản, thông tin trên mạng); từ chối gần 10 đề nghị trưng cầu giám định (do không đúng thẩm quyền) và thực hiện gần 50 yêu cầu cung cấp thông tin trong hoạt động giám định.
- Trong công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã luôn đề cao công tác giám định tư pháp, từ việc hoàn thiện hành lang pháp lý đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ giám định viên tư pháp, tổ chức thực hiện tiếp nhận trưng cầu giám định, cử cán bộ tham gia thực hiện nhiệm vụ giám định tư pháp khi có yêu cầu liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng hoàn thành các vụ việc được tiếp nhận trưng cầu giám định. Các quyết định trưng cầu giám định đều đảm bảo chất lượng, được cơ quan trưng cầu, cơ quan tố tụng, xét xử, luật sư và bị cáo chấp nhận về tính khách quan, chính xác. Chưa có trường hợp kết luận trưng cầu giám định nào bị bác bỏ hoặc phải trưng cầu lại.
Các giám định viên tư pháp, người giám định theo vụ việc của Bộ Thông tin và Truyền thông mặc dù 100% đều là công chức, viên chức được bổ nhiệm làm giám định viên tư pháp kiêm nhiệm, ngoài việc tham gia công tác giám định tư pháp còn phải thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của mình, tuy vậy khi được phân công làm công tác giám định đều nhiệt tình, tâm huyết với công việc được giao, thực hiện công việc với tinh thần trách nhiệm cao, cố gắng hoàn thành nhanh chóng, kết luận giám định bảo đảm với trưng cầu giám định tư pháp.
Vụ Pháp chế thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông là đơn vị được giao làm đầu mối giúp Bộ trưởng thực hiện công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác giám định tư pháp. Vụ Pháp chế có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong ngành thông tin và truyền thông về giám định tư pháp, trình tự, thủ tục tiến hành giám định, phối hợp lựa chọn danh sách để đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp, chỉ định giám định viên tư pháp vụ việc, tổ chức giám định tư pháp vụ việc trong lĩnh vực thông tin và truyền thông./.

Phan Thanh Huyền - Vụ Pháp chế