Chính sách, pháp luật

KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT XUẤT BẢN NĂM 2012

09/11/2023 14:15 CH

 Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2114/QĐ-TTg  về việc triển khai rà soát Luật Xuất bản năm 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện nghiên cứu, rà soát 31 văn bản (trong đó 07 luật, bộ luật, 11 nghị định, 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 11 thông tư và 01 thông tư liên tịch trong lĩnh vực xuất bản và các lĩnh vực khác có liên quan.

Kết quả sau rà soát có 32 nội dung, nhóm nội dung có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật xuất bản, tập trung vào một số cụ thể sau:
- Nhóm quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thống với với các luật khác, bao gồm: (1) Quy định về nhà đầu tư nước ngoài mua chứng khoán của các doanh nghiệp in xuất bản phẩm, phát hành xuất bản phẩm, chưa có quy định về rào cản hay giới hạn (0%) đối với nhà đầu tư nước ngoài mua chứng khoán của các doanh nghiệp in xuất bản phẩm, phát hành xuất bản phẩm kể cả doanh nghiệp niêm yết hay chưa niêm yết trên các sàn chứng khoán; (2) Chưa có quy định về thời hạn có hiệu lực của các giấy phép, giấy xác nhận đăng ký hoạt động để phù hợp với Luật đầu tư; (3) Việc chỉ có các nhà xuất bản được áp dụng ưu đãi thuế suất tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là chưa đầy đủ, thiếu toàn diện và không thống nhất; (4) Việc yêu cầu quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường là chưa phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường năm 2022; (5) Chưa thống nhất giữa quy định về người đứng đầu nhà xuất bản giữa Luật Xuất bản và Luật Doanh nghiệp; (6) Không thể xác định được “chi phí thẩm định” sẽ thu của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nhập khẩu hay sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước của cơ quan cấp giấy phép để chi trả các chi phí thẩm định.
- Nhóm quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn về việc các quy định chung trong luật, như: bất cập về giải thích từ ngữ (khoản 4, 9 … Điều 4); về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản; nội dung và những hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản; các quy định về thủ tục hành chính, thời gian giải quyết còn dài, hình thức chưa đa dạng, phong phú, chưa giải quyết được trên môi trường điện tử.
- Bất cập ở nhóm quy định trong lĩnh vực xuất bản như: (1) các loại hình tổ hợp, tập đoàn xuất bản cần được nghiên cứu bổ sung và có những điều chỉnh cho phù hợp với tính đặc thù của hoạt động xuất bản trong Luật Xuất bản để phát triển theo mô hình hiện đại, chuyên nghiệp, đủ năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập; (2) Luật chưa quy định về các trường hợp sáp nhập, phá sản, giải thể nhà xuất bản, quy định về điều kiện nguồn tài chính để thành lập nhà xuất bản không phù hợp với thực tiễn hoạt động; (3) Chưa có quy định của cơ quan chủ quản gắn với việc tạo các điều kiện hoạt động của nhà xuất bản; (4) Nguồn nhân sự khó đáp ứng tiêu chuẩn các chức danh tổng giám đốc (giám đốc) và tổng biên tập nhà xuất bản; (5) Chưa có quy định cụ thể về cấp chứng chỉ hành nghề biên tập cho đối tác liên kết thực hiện nhiệm vụ biên tập sơ bộ bản thảo. Quy định về thời hạn 02 năm sau khi bị thu hồi chứng chỉ hành nghề biên tập thì biên tập viên mới được cấp lại là quá dài, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của nhà xuất bản và công việc của bản thân biên tập viên; (6) hồ sơ thủ tục hành chính về đăng ký xuất bản và xác nhận đăng ký xuất bản, cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh, liên kết trong hoạt động xuất bản … chưa phù hợp với thực tiễn; …
- Một số bất cập trong lĩnh vực in xuất bản phẩm thể hiện tập trung ở 02 nhóm nội dung về điều kiện cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm và cấp giấy phép hoạt động in gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Cụ thể:
Quy định về “Bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật” là không cần thiết quy định nhắc lại tại Luật Xuất bản vì đã có quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, môi trường và các quy định pháp luật về an ninh-trật tự,v.v...
Thiếu quy định hướng dẫn cấp đổi giấy phép hoạt động in, quy định thu hồi giấy phép hoạt động in đối với cơ sở in dừng hoạt động do giải thể, sáp nhập, chia tách, tự ngừng hoạt động hoặc khi cơ sở in chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Chưa có quy định cụ thể đối với các trường hợp: (1) cơ sở in có yếu tố nước ngoài (sở hữu cổ phần doanh nghiệp) khi cơ sở in vừa có chức năng in xuất bản phẩm, vừa in bao bì, vì ngành nghề in bao bì đã bị loại trừ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư năm 2020 hoặc trường hợp cơ sở in là doanh nghiệp (công ty cổ phần) có giao dịch cổ phiếu trên các sàn chứng khoán dẫn đến vượt quá điều kiện giới hạn về chủ sở hữu là tổ chức, cá nhân Việt Nam; (2) cơ sở in là chi nhánh/xưởng sản xuất của các cơ sở in đặt tại tỉnh/phố khác khác; (3) cơ sở in là hộ kinh doanh vừa cung cấp dịch vụ photocopy, vừa cung cấp dịch vụ in xuất bản phẩm (bằng máy photocopy đa tính năng, hoặc máy in có tính năng photocopy).
Quy định đối với xuất bản phẩm in gia công cho nước ngoài phải có giấy phép in gia công và bản mẫu xuất bản phẩm đặt in gia công có đóng dấu của cơ quan cấp giấy phép quy định tại Điều 34 của Luật này (02 bản mẫu xuất bản phẩm đặt in) là khó đáp ứng trong thực tiễn khi triển khai áp dụng giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
- Về lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm: Hiện đang thiếu quy định về hoạt động kinh doanh, phát hành xuất bản phẩm trên mạng Internet, sàn thương mại điện tử; quy định tại điểm c khoản 4 Điều 36 không bao quát hết thực tiễn phát sinh đối với hình thức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; chưa có quy định quản lý đối với hộ kinh doanh phát hành xuất bản phẩm, trong khi thực tế ở nhiều địa phương thì quy mô, diện tích kinh doanh xuất bản phẩm của hộ kinh doanh rộng, bề thế với hình thức như siêu thị sách, trung tâm sách; Việc quy định nhà xuất bản được Thành lập cơ sở phát hành và các quy định về loại hình cơ sở phát hành (doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, hộ kinh doanh) cùng các quy định về việc đăng ký hoạt động của cơ sở phát hành dẫn đến cách hiểu khác nhau về việc nhà xuất bản thực hiện thủ tục đăng ký phát hành, gây khó khăn trong công tác quản lý và hoạt động của nhà xuất bản; chưa quy định về đăng ký hoạt động phát hành trong trường hợp mất/hỏng, đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm trực tuyến; chi phí thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu không kinh doanh (Điều 41 Luật Xuất bản) Bộ Tài chính chưa ban hành quy định về chi phí tổ chức thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu không kinh doanh nên Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý, tổ chức thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu và một số vướng mắc, bất cập khác trong lĩnh vực xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.
Từ kết quả rà soát nêu trên, việc sửa đổi Luật Xuất bản là việc làm cần thiết nhằm giải quyết, khắc phục triệt để những tồn tại, vướng mắc, bất cập và bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển của lĩnh vực xuất bản trong giai đoạn hiện nay./.

Phan Thanh Huyền - Vụ Pháp chế