Chính sách, pháp luật

MỘT SỐ Ý KIẾN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI THẢO LUẬN TẠI HỘI TRƯỜNG NGÀY 25/10/2023 VỀ DỰ THẢO LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)

09/11/2023 10:59 SA

 Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đang trong giai đoạn cuối của quá trình hoàn thiện, dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Ngày 25/10/2023, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), trong đó có 11lượt đại biểu Quốc hội có ý kiến phát biểu nhằm hoàn thiện dự thảo Luật này. Về cơ bản, nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. Một số ý kiến của đại biểu như sau:
- Đại biểu Dương Tấn Quân thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc chia sẻ, bảo mật thông tin với điều kiện đã được trang bị thiết bị kỹ thuật, công nghệ thông tin hiện đại, bảo đảm an ninh mạng, bảo mật thông tin.
Về quyền, nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viễn thông, đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 14 thành: “chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng quản lý dịch vụ viễn thông” để đảm bảo về vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên ngành có liên quan.
Đối với nội dung các trường hợp từ chối giao kết hợp đồng giữa người sử dụng dịch vụ viễn thông, đại biểu đề nghị bổ sung quy định đối với hợp đồng đã được giao kết trước đây cùng với nội dung vi phạm nghĩa vụ thanh toán giá cước, người sử dụng dịch vụ viễn thông vi phạm nghĩa vụ thanh toán giá cước đối với hợp đồng đã giao kết trước đây và đã bị doanh nghiệp viễn thông thỏa thuận từ chối cung cấp dịch vụ.
Về hình thức cung cấp giấy phép viễn thông tại Điều 35, cần bổ sung quy định về hình thức cung cấp giấy phép viễn thông trực tuyến nhằm phát huy vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực viễn thông.
- Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định có ý kiến rất chuyên sâu về việc đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông như những số thuê bao dịch vụ viễn thông cũng cần được chia ra các nhóm để đánh giá đúng giá trị, cũng làm giảm thiểu các trường hợp bỏ cọc khi đấu giá (Số có giá khởi điểm 200 triệu là số có 6 chữ số cuối giống nhau như 111111, 6 chữ số cuối tiến đều như 123456; Số có giá khởi điểm 50 triệu là số có 5 chữ số cuối giống nhau như 122222; có 2 lần 3 chữ số giống nhau như 111222; có 2 chữ số lặp lại 3 lần như là 121212, có 2 chữ số đầu giống nhau và 4 chữ số cuối giống nhau như 112222; có 5 chữ số cuối tiến đều và 2 chữ số đầu giống nhau như 112345; Số có giá khởi điểm 10 triệu là số có 4 chữ số đầu giống nhau và 2 chữ số cuối giống nhau như 111122; có số đầu và số cuối giống nhau, 4 chữ số giữa giống nhau như 211112 và nhiều số khác; những số còn lại sẽ có mức giá khởi điểm là 262.000 đồng như dự thảo luật đã quy định).
Ngoài ra, cần điều chỉnh điểm e khoản 4 Điều 50 dự thảo Luật theo hướng “Số thuê bao di động sau khi đấu giá không thành ở các nhóm thì sẽ được chuyển xuống nhóm có mức giá khởi điểm thấp hơn để tiếp tục đấu giá. Số ở nhóm có mức khởi điểm thấp nhất sau khi đấu giá không thành sẽ được phân bổ trực tiếp cho tổ chức, doanh nghiệp”  và giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết.
- Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương rất quan tâm đến nội dung về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích trong dự án Luật và đánh giá hồ sơ dự án luật cũng đã tương đối đầy đủ, Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) cũng đã được giải trình khá chi tiết những vấn đề đại biểu Quốc hội có ý kiến nói chung và về vấn đề quỹ dịch vụ viễn thông công ích, hoạt động viễn thông công ích trong thời gian qua. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật quy định về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích vẫn còn quá chung chung, chưa cụ thể, chưa đảm bảo sự rành mạch rõ ràng, cần bổ sung và hoàn thiện để đồng bộ với dự thảo Luật.
- Đại biểu Đồng Ngọc Ba có ý kiến về một số nội dung cụ thể về các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông, không giao Chính phủ quy định thêm các loại thiết bị khác mà nên quy định ở trong luật, ít nhất phải quy định rõ các tiêu chí thì mới có cơ sở để sau này Chính phủ quy định cụ thể.
Liên quan đến vấn đề nhà nước nên can thiệp đến đâu vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp viễn thông nói riêng: quy định tại điểm e khoản 2 Điều 13 dự thảo luật về mặt nguyên lý thì doanh nghiệp cũng không có trách nhiệm phải kết nối toàn bộ các thông tin về quản lý của mình với cơ quan nhà nước mà kết nối ở đây tôi hiểu là online, tức là liên tục. Nếu chúng ta có quy định chỉ là kết nối để đảm bảo khi có yêu cầu nhà nước quản lý theo chức năng, như thanh tra, kiểm tra, báo cáo. Chúng ta muốn ứng dụng công nghệ thông tin thì doanh nghiệp sẵn sàng đảm bảo kỹ thuật để kết nối. Đề nghị cân nhắc và quy định theo hướng tương tự như điểm đ khoản 1 Điều 29 Luật Giao dịch điện tử, không nên quy định trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối liên tục với cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước bởi có thể xâm phạm đến quyền tự chủ kinh doanh cũng như giữ bí mật về thông tin của doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo Đại biểu, việc chỉnh lý ở Điều 73 về điều khoản chuyển tiếp cũng đặt ra một vấn đề về pháp lý phải rất cân nhắc: thứ nhất, dự thảo Luật hoàn toàn chưa có thủ tục cấp đổi, quy định ở đây không minh bạch ở chỗ doanh nghiệp cấp đổi phải tuân thủ điều kiện của luật mới hay không. Nếu phải tuân thủ điều kiện của luật mới thì sẽ không phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như Luật Đầu tư, nhất là những quy định của luật mới lại đòi hỏi cao hơn, yêu cầu cao hơn. Thứ hai, thận trọng giao cho Chính phủ quy định chi tiết những vấn đề cơ bản của thủ tục, cần phải quy định ở trong luật. Thứ ba, các vấn đề về chi phí và lệ phí không thấy có quy định.
Trên đây là một số ý kiến của một số Đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), là những đóng góp quý báu và xác đáng giúp Cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo khi ban hành sẽ khắc phục những khó khăn, vướng mắc của thực tiễn hoạt động viễn thông.

Phan Thanh Huyền - Vụ Pháp chế