Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 được Quốc hội Khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 và được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật số 61/2014/QH13 ngày 21/11/2014.
Sau hơn 16 năm thực hiện Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2014 (sau đây gọi tắt là Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (Luật HKDDVN), các quy định của Luật cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, cần được nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đánh giá thực tiễn thi hành Luật, Bộ Giao thông vận tải hiện đang trình Chính phủ Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam), trong đó bao gồm 5 chính sách lớn sau đây:
1. Chính sách 1: hoàn thiện khung pháp lý về công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng không dân dụng
1.1. Nội dung chính sách
- Sửa đổi, bổ sung các quy định về giám sát viên của Nhà chức trách hàng không; rà soát lại nhiệm vụ, quyền hạn của Cảng vụ hàng không - cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng hàng không, sân bay;
- Bổ sung quy định về thẩm quyền quy định các trường hợp ngoại lệ nhằm tạo cơ sở pháp lý để Nhà chức trách hàng không thực hiện các nhiệm vụ trong thực tế khai thác;
- Bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường (tiếng ồn, khí thải) theo cam kết của Việt Nam với quốc tế;
- Sửa đổi, làm rõ các quy định về quy hoạch cảng hàng không, sân bay và quy hoạch vùng thông báo bay để bảo đảm tính khả thi và phù hợp thực tiễn quản lý;
- Sửa đổi, bổ sung các quy định làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hàng không dân dụng tại địa phương.
1.2.Lý do lựa chọn giải pháp
- Phân định rõ trách nhiệm của cơ quan từ trung ương, đến cơ quan quản lý chuyên ngành và địa phương khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình về hàng không dân dụng; tạo cơ sở pháp lý để Nhà chức trách hàng không phê chuẩn các trường hợp ngoại lệ, miễn trừ để không ảnh hưởng đến hoạt động đồng bộ của dây chuyền vận chuyển hàng không;
- Khắc phục được các hạn chế về nguồn lực, cơ chế thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát theo yêu cầu của quốc tế đối với việc thực hiện trách nhiệm kiểm tra giám sát an toàn hàng không của Nhà chức trách hàng không, Cảng vụ hàng không;
- Tăng cường bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững của ngành hàng không; giảm thiểu sự tác động, ô nhiễm trong quá trình khai thác dây chuyền vận chuyển hàng không ảnh hưởng đến người dân và cộng đồng dân cư quanh các khu vực cảng hàng không, sân bay và lân cận;
- Bảo đảm tính thống nhất giữa hệ thống pháp luật chuyên ngành hàng không dân dụng với các hệ thống pháp luật có liên quan; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách khi triển khai áp dụng trên thực tế.
2. Chính sách 2: hoàn thiện khung pháp lý về an toàn hàng không
2.1. Nội dung chính sách
- Bổ sung các quy định đăng ký chủ sở hữu, điều kiện xuất/nhập khẩu, cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm quản lý điều kiện của người điều khiển, việc cấp phép bay, …đối với loại hình tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ;
- Sửa đổi các quy định về tổ chức, sử dụng vùng trời; quản lý chướng ngại vật hàng không; bổ sung loại hình quản lý luồng không lưu;
- Bổ sung quy định các phương tiện hoạt động thường xuyên tại cảng hàng không, sân bay phải được kiểm định, phải thiết lập tài liệu kỹ thuật của phương tiện để quản lý, kiểm tra, giám sát; sửa đổi, bổ sung các quy định về nhân viên hàng không.
2.2.Lý do lựa chọn giải pháp
- Tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc trong cơ chế phối hợp, quản lý điều hành bay giữa hàng không dân dụng và quân sự; trong cơ chế quản lý, phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương trong công tác quản lý chướng ngại vật hàng không;
- Tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; quản lý luồng không lưu;
- Nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp chủ quản trong việc bảo đảm an toàn đối với các phương tiện hoạt động thường xuyên tại cảng hàng không, sân bay;
- Khắc phục sự chưa đồng bộ giữa các quy định về hàng không dân dụng và các quy định về lao động; trao quyền chủ động cho các đơn vị, doanh nghiệp trong việc kiểm soát nội bộ, chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của nhân viên hàng không nhưng vẫn bảo đảm yếu tố quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước thông qua việc sát hạch, cấp giấy phép.
3.1. Nội dung chính sách
- Sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, tổ chức doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công thực thi các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không đối với vấn đề bảo đảm an ninh hàng không…
- Làm rõ trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tư, xử lý vụ việc vi phạm tại khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay.
3.2.Lý do lựa chọn giải pháp
Hiện nay, việc lựa chọn giải pháp về mô hình quản lý nhà nước về an ninh hàng không đang được Chính phủ giao Bộ Nội vụ đánh giá, tham mưu cho Chính phủ. Do đó, việc lựa chọn giải pháp giữ nguyên mô hình quản lý nhà nước như hiện nay hay thực hiện việc đổi mới mô hình (chuyển đổi cơ quan quản lý nhà nước) sẽ được Bộ Giao thông vận tải thực hiện trong Hồ sơ đề nghị xây dựng luật sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Ngoài nội dung chính sách này, các nội dung khác sẽ được Bộ Giao thông vận tải xây dựng trên cơ sở mô hình được lựa chọn để đảm bảo:
- Bảo đảm tuân thủ các quy định của quốc tế về an ninh hàng không;
- Đảm bảo các nguyên tắc:
- (1) Không làm rối loạn, đứt gãy của dây chuyền vận tải hàng không dân dụng;
- (2) Duy trì trách nhiệm giải trình của nhà chức trách về an ninh hàng không Việt Nam với ICAO và cộng đồng quốc tế;
- (3) Đảm bảo phối hợp tốt công tác tổ chức kiểm soát an ninh phòng ngừa;
- (4) Không làm ảnh hưởng đến công tác an toàn hàng không;
- (5) Không làm ảnh hưởng đến hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực an ninh hàng không;
- Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, đảm bảo nguyên tắc độc lập, thống nhất, chuyên nghiệp, đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, đảm bảo các quy chuẩn tiêu chuẩn của ICAO về an ninh hàng không;
- Bảo đảm dây chuyền hoạt động của hàng không dân dụng có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trên cơ sở hài hòa với đặc điểm của quốc gia; thống nhất, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục tại cảng hàng không, sân bay, tiện lợi cho hoạt động hàng không; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn tại các khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay.
4.1. Nội dung chính sách
- Bổ sung các quy định mang tính đặc thù trong Luật HKDDVN để quản lý việc quản lý đầu tư, xây dựng cảng hàng không, sân bay; thu hút các nguồn lực đầu tư vào cảng hàng không, sân bay thông qua các quy định: về quản lý tài sản dùng chung giữa dân sự và quân sự; về định giá tài sản tham gia góp vốn phù hợp với đặc thù của kết cấu hạ tầng cảng hàng không; cơ chế cho việc đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay theo phương thức xã hội hóa nguồn lực thực hiện với các nguyên tắc hỗ trợ, chia sẻ của nhà nước trong các dự án đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là phân loại và làm rõ các yếu tố an ninh - quốc phòng của cảng hàng không, sân bay; cho phép tổ chức, cá nhân được đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng cảng hàng không dùng chung dân dụng và quân sự trên đất, tài sản do quốc phòng quản lý; cho phép ngân sách địa phương tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không, cho phép doanh nghiệp nhà nước tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng khu bay; quy định về phương án đầu tư theo phương thức PPP trong trường hợp hình thành nhà khai thác cảng hàng không mới.
- Làm rõ vai trò, trách nhiệm đầu tư, xây dựng của doanh nghiệp cảng hàng không đang nắm quyền chi phối trong cảng hàng không, sân bay; quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các công trình tại cảng hàng không, sân bay;
- Sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý hoạt động sân bay chuyên dùng, các quy định tương ứng về hàng không dân dụng tại sân bay chuyên dùng, giao Chính phủ quy định các quan hệ xã hội mới phát sinh, có nhiều vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội liên quan đến sân bay chuyên dùng;
- Sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn việc cảng hàng không nội địa có hoạt động bay quốc tế, đưa ra tiêu chí cho phép cảng hàng không nội địa được khai thác các chuyến bay quốc tế với mục đích cụ thể, bổ sung quy định hoặc tiêu chí cho phép chuyển cảng hàng không nội địa thành cảng hàng không quốc tế và thẩm quyền công bố cảng hàng không nội địa thành cảng hàng không quốc tế khi đủ điều kiện; bổ sung quy định cụ thể về người khai thác cảng hàng không, sân bay, mối quan hệ giữa doanh nghiệp cảng và người khai thác cảng hàng không, sân bay, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cảng, cắt giảm các thủ tục hành chính không phù hợp…
4.2.Lý do lựa chọn giải pháp
- Khắc phục các khó khăn bất cập trong thực thi Luật HKDDVN; tạo cơ chế để thu hút các nguồn lực đầu tư vào cảng hàng không, sân bay. Định hình rõ hình thức đầu tư, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của đầu tư tư nhân trong lĩnh vực cảng hàng không, sân bay;
- Khắc phục các tồn tại, vướng mắc trong việc quản lý sân bay chuyên dùng; bảo đảm yếu tố an toàn trong quá trình khai thác tại các sân bay chuyên dùng theo tiêu chuẩn của ICAO;
- Chính sách này bảo đảm cho việc quản lý giao thông bằng đường hàng không được linh hoạt hơn theo thực tiễn phát sinh và bảo đảm hỗ trợ, đáp ứng theo sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương;
- Các doanh nghiệp kinh doanh tại cảng hàng không, sân bay có được môi trường phù hợp, linh hoạt với đặc điểm của từng đối tượng mà không phải thực hiện các thủ tục hành chính không cần thiết.
5. Chính sách 5: hoàn thiện khung pháp lý về vận chuyển hàng không
5.1. Nội dung chính sách
- Bổ sung các nguyên tắc về bảo đảm chất lượng dịch vụ; các chế tài kiểm tra, giám sát đối với các hãng hàng không có tỷ lệ chậm chuyến, hủy chuyến cao, các hãng hàng không được đánh giá có chất lượng dịch vụ kém gây ra các phản ứng tiêu cực cho khách hàng;
- Sửa đổi, bổ sung các quy định chi tiết về quy trình, thủ tục điều phối giờ cất cánh, hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay; sửa đổi các quy định liên quan đến giá dịch vụ hàng không, sân bay.
- Bổ sung cơ chế quản lý toàn bộ đội tàu bay khai thác tại Việt Nam - tương ứng là trách nhiệm của nhà chức trách hàng không về việc thông báo, cảnh báo về khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng, năng lực giám sát an toàn khai thác tàu bày để các hãng hàng không có căn cứ rà soát, chủ động thực hiện kế hoạch của mình;
- Bãi bỏ quy định về điều kiện, thủ tục mở văn phòng đại diện, văn phòng bán vé của hãng hàng không nước ngoài tại Luật HKDDVN; hoạt động của các văn phòng đại diện, văn phòng bán vé của hãng hàng không nước ngoài sẽ tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại, doanh nghiệp.
5.2.Lý do lựa chọn giải pháp
- Đảm bảo tính đồng bộ trong các hệ thống pháp luật;
- Nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không, các quy định về quyền, nghĩa vụ của người vận chuyển;
- Phát triển ngành hàng không bền vững trên cơ sở định hướng quản lý toàn bộ đội tàu bay khai thác tại Việt Nam phù hợp với khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng cảng hàng không, sân bay, năng lực giám sát an toàn khai thác tàu bay của Nhà chức trách hàng không;
- Cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; tăng cường trách nhiệm giám sát, quản lý của các cấp chính quyền địa phương sở tại với các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp, thương mại.
[1] Văn bản số 2753/BCA-V03 ngày 5/8/2023 về việc tổng kết đán giá việc triển khai thực hiện Luật HKDDVN.