Chính sách pháp luật mới

BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ BẢO ĐẢM CHO CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT, CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT VÀ HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ

11/10/2023 15:11 CH

 Ngày 18/8/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2023/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở (Thông tư 56).

          Thông tư này quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Các chương trình, đề án, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở có văn bản hướng dẫn riêng thì thực hiện theo quy định tại văn bản hướng dẫn đó; trường hợp không có quy định riêng thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
          Thông tư đã có các điều, khoản cụ thể quy định về (1) nguồn kinh phí, (2) nội dung chi và mức chi và (3) việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở.
          Về nguồn kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở được bố trí thực hiện theo phân cấp ngân sách, gồm:
          - Chi thường xuyên ngân sách Trung ương để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở của các bộ, cơ quan ở Trung ương và Hội đồng PBGDPL Trung ương, Hội đồng PBGDPL của các bộ, cơ quan ngang bộ;
          - Chi thường xuyên ngân sách địa phương để thực hiện công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở của địa phương và Hội đồng PBGDPL cấp tỉnh, Hội đồng PBGDPL cấp huyện, Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện theo phân cấp ngân sách Nhà nước;
          - Kinh phí từ nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
          Về nội dung chi và mức chi, Thông tư này đã đưa ra 18 nội dung, đầu mục chi tại các khoản tại Điều 3 để các cơ quan, đơn vị căn cứ triển khai.
          Ngoài ra, Thông tư 56 cũng đã có một điều khoản quy định về việc tổ chức thực hiện, cụ thể:
          (1). Mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương quy định các mức chi cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc để thực hiện cho phù hợp trong phạm vi dự toán ngân sách được giao và các nguồn kinh phí hợp pháp khác; Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định các mức chi cụ thể để thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng cân đối của ngân sách địa phương. Trường hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, địa phương chưa ban hành văn bản quy định cụ thể mức chi thì các cơ quan, đơn vị được áp dụng quy định về mức chi tại Thông tư này để thực hiện.
          (2). Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tế ở địa phương và khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định nội dung, mức chi khác thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở của địa phương, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.
          (3). Việc triển khai nhiệm vụ truyền thông chính sách theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và việc triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” áp dụng nội dung chi, mức chi cụ thể tương ứng tại Thông tư này.
          Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 06 tháng 10 năm 2023 và Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
          Các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước quy định tại Thông tư này được áp dụng cho đến khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp./.

Nguyễn Thu Trang - Vụ Pháp chế