Chính sách, pháp luật

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG LUẬT CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ

06/10/2023 08:19 SA

 1. Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước

Công nghiệp công nghệ số là một trong các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, mũi nhọn, ưu tiên theo định hướng của Đảng và Nhà nước.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm đến việc hoàn thiện, xây dựng thể chế để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số trong nước. Các văn kiện, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước gần đây tiếp tục đề ra nhiều chủ trương, định hướng quan trọng cho việc hoàn thiện thể chế về công nghiệp công nghệ số. Cụ thể như sau:
- Đến Đại hội XIII, Đảng ta đã chỉ đạo “...Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp điện tử - viễn thông, công nghiệp sản xuất rô bốt, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số, ....
          - Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định:
- Công nghiệp công nghệ số là một trong những ngành công nghiệp nền tảng cần được ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển, trong đó ưu tiên các lĩnh vực như: phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật, thiết bị điện tử - viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn.
- Chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Xây dựng khung pháp luật cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, các chính sách thí điểm đặc thù cho các hoạt động phát triển, thử nghiệm và áp dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số và nền tảng số góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Kế hoạch số 13-KH/TW của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm là: “Đẩy nhanh việc thể chế hoá, cụ thể hoá các chủ trương, đường lối của Đảng về công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghiệp công nghệ số, năng lượng tái tạo,..”.
- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đưa ra phương hướng, nhiệm vụ giải pháp: “quan tâm đầu tư đúng mức nghiên cứu khoa học cơ bản; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số”; “nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học, công nghệ trong nước để có thể triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, tập trung phát triển công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao, nhất là công nghệ số”.
          -  Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã xác định: “Tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như: Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; …”; “Ưu tiên nguồn lực cho triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về các công nghệ ưu tiên, trọng tâm là: Công nghệ thông tin và truyền thông,…”.
- Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế là cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, trong đó có giải pháp “Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số”.
-  Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ (về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng), Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ (về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025), Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025: Trong đó có giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số.
Đồng thời, tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng ta và của Bộ Chính trị về phát triển công nghiệp đã xác định:
"- Lựa chọn một số ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển theo hướng phải đáp ứng các nguyên tắc: ....
- Giai đoạn đến năm 2030, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: Công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác…
- Giai đoạn 2030 - 2045, tập trung ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; phổ cập công nghệ kỹ thuật số, tự động hoá, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học”.
Mới đây nhất, Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có mục tiêu: "Ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù".
2. Căn cứ thực tiễn về sự cần thiết phát triển công nghiệp theo xu hướng phát triển công nghiệp trên thế giới
2.1. Cuộc cách mạng công nghiệp thông minh và xu hướng dịch chuyển các chuỗi sản xuất toàn cầu theo quy luật giá trị
Cách mạng công nghiệp thông minh đang diễn ra mạnh mẽ ở khắp nơi trên thế giới, tác động trực tiếp nhiều mặt đến sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội ở nước ta. Cách mạng công nghiệp thông minh có một số điểm khác biệt so với các cuộc cách mạng trước đây. Các công nghệ cốt lõi của công nghiệp thông minh (như kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chế tạo đắp lớp, thực tế ảo, công nghệ chuỗi khỗi, điện toán đám mây, v.v.), đã và đang làm thay đổi lợi thế so sánh giữa các nền kinh tế qua đó mang lại cho các quốc gia đang phát triển những cơ hội to lớn trong đó có Việt Nam.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ xuyên suốt của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Công nghiệp thông minh tạo cơ hội Việt Nam hiện đại hóa rút ngắn thời gian để trở thành nước công nghiệp hiện đại. Nếu các quốc gia đầu tiên công nghiệp hóa phải mất hàng trăm năm như nước Anh, thì đến các quốc gia như Nhật rút ngắn còn 50 năm, các nước NICs Đông Á như Hàn Quốc chỉ chưa đến 30 năm, thì cuộc cách mạng công nghiệp thông minh là cơ hội cho Việt Nam và các quốc gia đang phát triển khác rút ngắn thời gian công nghiệp hóa của mình.
3.2. Sự gia tăng sử dụng chính sách công nghiệp với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước
- Tại Hoa Kỳ, Hội đồng tư vấn kinh tế quốc gia của Tổng thống Biden đã công bố gói chính sách công nghiệp gồm 5 cấu phần lớn gồm: (i) Phát triển chuỗi cung ứng tại chỗ; (ii) đầu tư trọng điểm bằng ngân sách liên bang cho thúc đẩy liên kết các ngành chế biến chế tạo và hoạt động R&D, trường đại học, khu vực nghiên cứu khoa học, công nghệ; (iii) xây dựng chính sách mới về mua sắm chính phủ thông qua đề án “Mua hàng Mỹ” (“Buy America”); (iv) phát triển công nghiệp bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu; (v) phát triển công nghiệp công bằng, bình đẳng. Để hiện thực hóa các chính sách công nghiệp này, Đạo luật “Cạnh tranh Mỹ năm 2022” do Quốc hội thông qua cho phép gần 300 tỷ USD đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ cho sản xuất thiết bị bán dẫn và nghiên cứu các thành phần quan trọng sử dụng trong máy tính và xe ô tô, giảm nhẹ các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng.
- Tại Châu Âu, chính sách công nghiệp có truyền thống lâu đời ở châu Âu, bao gồm cả ở Pháp, Đức và Vương quốc Anh. Ở cấp độ Châu Âu, Hội nghị các Bộ trưởng công nghiệp EU thành lập Diễn đàn “Những người bạn của công nghiệp” ra tuyên bố Berlin về “chiến lược mới cho chính sách công nghiệp của EU” dẫn đến Ủy ban Châu Âu đã ban hành Chiến lược Công nghiệp mới cho Châu Âu. Qua đó, tổng ngân sách từ 05 Quỹ hỗ trợ chính của EU cho các chính sách công nghiệp xanh, sáng tạo, thích ứng biến đổi khí hậu là khoảng 1066 tỷ Euros và dự kiến sẽ gia tăng mạnh sau COP 26.
Gần đây, Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch 12 tỷ Bảng Anh cho một “cuộc cách mạng công nghiệp xanh” trong đó Chính phủ cam kết đầu tư vào năng lượng tái tạo và xe điện để giúp đất nước trở nên trung hòa carbon vào năm 2050. Ở Đức, Chính phủ cũng đi đầu trong phát triển kế hoạch “Chiến lược công nghiệp quốc gia 2030 - Công nghiệp 4.0.
- Tại Châu Á, chính sách công nghiệp đã tạo sự phát triển kinh tế nhanh chóng của các nước trong khu vực, bao gồm cả Nhật Bảnvà Hàn Quốc. Hiện nay, Nhật Bản đã ban hành chính sách công nghiệp mới với tên gọi “Kết nối các ngành công nghiệp” với trọng tâm là kết nối dữ liệu, nghiên cứu phát triển giữa các ngành công nghiệp nhằm tạo ra các ngành công nghiệp mới.
Tại Hàn Quốc, sau khi đã phát triển các lĩnh vực sản xuất thép, đóng tàu, điện tử và ô tô, năm 2020, Chính phủ công bố gói chính sách công nghiệp mới gồm 02 cấu phần “Chuyển đổi số” và “Xanh hóa” với tổng ngân sách 5 năm 2020 – 2025 là 114 nghìn tỉ Won (xấp xỉ 97 tỉ USD) trong đó cấu phần công nghiệp chiếm từ 30 – 40%.
Trong khi đó, ở Đài Loan (Trung Quốc), Chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Năm 2016, Chính phủ công bố “Kế hoạch các ngành công nghiệp sáng tạo” với tổng ngân sách hỗ trợ là 110 tỷ Đài tệ (3,3 tỷ USD) với 7 ngành công nghiệp trọng điểm.
Tại Trung Quốc, Chính phủ đã áp dụng chính sách công nghiệp tích cực theo chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” với tham vọng dẫn đầu toàn cầu trong mười ngành công nghệ cao, bao gồm xe điện, đường sắt và đóng tàu tiên tiến, và trí tuệ nhân tạo; thông qua trợ cấp cho sự phát triển của các ngành công nghiệp này với tổng ngân sách 1,4 nghìn tỷ USD.
3. Đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn, đáp ứng các yêu cầu phát triển mới của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam
(i) Ngành công nghiệp công nghệ số nước ta là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh trong nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước; tỷ lệ đóng góp vào GDP đạt từ 6-6,5%, doanh thu năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021; là lĩnh vực có thế mạnh xuất khẩu, phù hợp với năng lực, đặc thù của Việt Nam.
          (ii) Hơn 18 năm thực thi quy định pháp luật về công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) theo Luật Công nghệ thông tin đã phát sinh một số bất cập, tồn tại sau đây:
- Xuất hiện những công nghệ mới của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tích hợp vào các sản phẩm, dịch vụ CNTT. Do đó, cần định nghĩa rõ nội hàm công nghệ số, công nghiệp công nghệ số trên cơ sở mở rộng nội hàm công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ thông tin. Ngoài ra, còn có xu thế hội tụ công nghệ số vào sản phẩm, dịch vụ của các ngành, lĩnh vực khác nên cần nghiên cứu quy định pháp lý để thúc đẩy, quản lý đối với sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số.
- Dữ liệu số là tư liệu sản xuất đầu vào của ngành công nghiệp công nghệ số, góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số... Tuy nhiên, còn khoảng trống các quy định pháp luật về phát triển dữ liệu số phục vụ hoạt động công nghiệp công nghệ số.
- Vi mạch bán dẫn là một phần không thể thiếu của ngành công nghiệp công nghệ số, là chìa khóa cho các công nghệ số của tương lai như AI, 5G/6G, ứng dụng trong nhiều sản phẩm kỹ thuật số như điện thoại thông minh, ô tô. Ngày càng có nhiều vi mạch bán dẫn được nhúng trong robot và máy móc sản xuất, trong công nghiệp và nông nghiệp, cũng như trong các phương tiện vận tải và các thiết bị khác. Nhu cầu về vi mạch bán dẫn dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong một thập kỷ tới. Các quốc gia lớn trên thế giới và khu vực đều có chính sách riêng cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, phù hợp với đặc thù và vị trí quốc gia đó trong chuỗi giá trị vi mạch toàn cầu. Do đó, Việt Nam cũng cần có quy định riêng để thúc đầy lĩnh vực quan trọng này.
Như vậy, có thể thấy rõ, Đảng ta đã xác định trong bối cảnh nguồn lực quốc gia có xác định công nghiệp công nghệ số, công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông là ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, mũi nhọn, ưu tiên để tạo tác động lan tỏa đến cả nền công nghiệp. Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công nghiệp hóa và phát triển công nghiệp công nghệ số, tạo hành lang pháp lý rõ ràng về công nghiệp công nghệ số, phù hợp với các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước ta tại các văn kiện, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở tham khảo có chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm quốc tế để vận dụng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển của công nghiệp 4.0 và kinh tế số nói riêng.

Phạm Thị Thu Huyền - Vụ Pháp chế