Chính sách, pháp luật

ĐỀ XUẤT HOÀN THIỆN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÂY DỰNG, SOẠN THẢO BAN HÀNH VĂN BẢN VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VÀ CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH

05/10/2023 16:12 CH

 I.                   Tình hình triển khai Luật ban hành văn bản QPPL trong lĩnh vực TT&TT

Ngay sau khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đã được sửa đổi, bổ sung) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ban hành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kịp thời chỉ đạo việc phổ biến nội dung các văn bản trên đến các đơn vị thuộc Bộ và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thông qua nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, người lao động về việc trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
          Quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật luôn được thực hiện bám sát các quy định của Luật ban hành văn bản QPPL (đã được sửa đổi, bổ sung) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 với các quy trình được thực hiện đầy đủ, bài bản, có chất lượng để đảm bảo khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét thông qua hoặc ban hành đều có đầy đủ thông tin để có thể đánh giá, lựa chọn phương án tối ưu cho việc thông qua chính sách. Việc soạn thảo văn bản QPPL đảm bảo quy trình công khai, minh bạch, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân; đối tượng tác động của văn bản QPPL; các bộ, ngành liên quan; các nhà khoa học; các ý kiến tham gia đều được nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ đảm bảo đúng quy định.
Cụ thể, kết quả từ 01/7/2016 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai soạn thảo và trình cấp có thẩm quyền ban hành, thông qua gồm: 03 Luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội (trong đó Quốc hội đã thông qua 02 Luật và đã cho ý kiến 01 Luật), 28 Nghị định của Chính phủ, 12 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành theo thẩm quyền 228 Thông tư. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông góp phần để ngành thông tin và truyền thông tiếp tục nhận nhiệm vụ đi trước, phát triển, làm cơ sở đưa đất nước đi cùng nhịp phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tận dụng lợi thế của công nghệ để tạo các giá trị mới trong phát triển đất nước. Thông qua kết quả đã đạt được Bộ Thông tin và Truyền thông góp phần xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông nói riêng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung để triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đã được sửa đổi, bổ sung) và các Nghị định tại Bộ TT&TTT cũng gặp rất nhiều khó khăn, bất cập như: nội dung đánh giá chính sách trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL quy định chưa thống nhất, hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật, pháp lệnh, nghị quyết quy định không thống nhất với việc đăng tải lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng, quy định việc lập đề nghị xây dựng nghị định đối với khoản 2, 3 Điều 19 Luật ban hành không được tách bạch rõ ràng, chưa quy định đánh giá tác động đối với trường hợp lập đề nghị xây dựng nghị định theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật mà phát sinh chính sách mới trong quá trình soạn thảo, ...
II. Kiến nghị
1. Đối với Quốc hội:
 Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các nội dung bất cập của Luật ban hành văn bản liên quan đến các nội dung cụ thể như sau:
- Quy định thống nhất về hồ sơ đăng tải, lấy ý kiến liên quan đến lập đề nghị xây dựng Luật, pháp lệnh (Điều 36 Luật) với hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật, pháp lệnh (khoản 1 Điều 37 Luật), khoản 2 Điều 39 và khoản 2 Điều 40 Luật. Để đảm bảo thống nhất trong việc xây dựng, thẩm định và thông qua nội dung của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật, pháp lệnh.
 
- Về trình tự, thủ tục rút gọn đối với thông tư theo khoản 1 Điều 146 Luật đề xuất bỏ quy trình lấy ý kiến của Bộ Tư pháp và quá trình trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc ban hành thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn sẽ giao Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ phối hợp để giải quyết nhằm đảm bảo thời gian để kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra đối với những thông tư ban hành theo trình tự, thủ tục này.
- Quy định rõ hơn các trường hợp quy định hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật theo khoản 1 Điều 152 Luật.
- Bổ sung quy định về các trường hợp lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn (bao gồm về thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục và hồ sơ).
2. Đối với Chính phủ:
  - Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 đảm bảo phù hợp, thống nhất với các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
  - Nghiên cứu bổ sung trường hợp đánh giá tác động của chính sách đối với Nghị định thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật ban hành quy phạm pháp luật sau khi đã Nghị quyết của Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị định mà phát sinh chính sách mới trong quá trình soạn thảo.
- Nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và VCCI trong việc góp ý kiến đối với hồ sơ lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL nhằm nâng cao trách nhiệm, vai trò trong việc tham gia góp ý kiến đối với hồ sơ lập đề nghị do các cơ quan chủ trì lập đề nghị gửi đến nhằm nâng cao chất lượng cũng như tính khả thi của văn bản QPPL.
- Nghiên cứu bổ sung hướng dẫn cụ thể quy trình đánh giá tác động đối với các dự án Luật đang trình Quốc hội phát sinh chính sách mới để đảm bảo các chính sách được Quốc hội thông qua được đều được đánh giá đầy đủ, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, thống nhất của các quy định.
Đồng thời, cân nhắc đánh giá kỹ sự cần thiết cũng như tính khả thi của việc bổ sung chính sách mới tại thời điểm quy định về thời điểm Quốc hội chuẩn bị thông qua dự án Luật do việc đánh giá, hội thảo lấy ý kiến góp ý, ý kiến phản biện các chính sách mới trong thời gian ngắn chưa được kỹ càng.
3. Đối với Bộ Tư pháp
- Nghiên cứu rà soát, đánh giá, tổng kết Luật ban hành văn bản QPPL và 02 Nghị định hướng dẫn thi hành để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản QPPL hoặc Chính phủ sửa đổi 02 Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật
- Phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng kinh phí đảm bảo cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
- Phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu đề xuất bổ sung tăng cường số lượng biên chế trong việc tham mưu xây dựng pháp luật để đảm bảo đủ nguồn lực cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế.
- Ngoài ra, đề xuất xây dựng cơ chế cho phép thuê chuyên gia tham vấn hoạch định chính sách bằng kinh phí ngân sách cho các Bộ, ngành có cơ sở thực hiện, nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách. 

Phạm Thị Thu Huyền - Vụ Pháp chế