Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Việc lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) được cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau (đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các hội thảo, hội nghị hoặc bằng hình thức văn bản) với nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đóng góp ý kiến. Đối với nội dung về kinh doanh viễn thông, cơ quan chủ trì soạn thảo nhận được một số ý kiến từ các Đại biểu quốc hội nhằm hoàn thiện dự thảo Luật như sau:
Về sở hữu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông, có ý kiến đề nghị đánh giá tác động của quy định về sở hữu trong viễn thông vì quy định này dẫn đến tình trạng không cổ phần hóa doanh nghiệp viễn thông nhà nước, không thúc đẩy cạnh tranh; đề nghị quy định rõ Nhà nước sở hữu bao nhiêu % cổ phần trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông thì có quyền chi phối doanh nghiệp; đề nghị quy định cụ thể về sở hữu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông ngay trong luật để đảm bảo quyền theo quy định của Hiến pháp.
Về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông phải thu hồi các công trình viễn thông, gồm cả hạ tầng kỹ thuật viễn thông và các thiết bị mạng, dây cáp khi không còn sử dụng; bổ sung nghĩa vụ của doanh nghiệp phải đảm bảo vấn đề mỹ quan của các đường dây kết nối trên các cột viễn thông.
Lại có ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc chuyển các dữ liệu số của mình để hướng tới sử dụng hạ tầng dùng chung trong dữ liệu số, khai thác chung để tối ưu hóa những giá trị này cho xã hội; trách nhiệm cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến việc sử dụng viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng, nhất là các vấn đề liên quan đến an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ đời tư cá nhân.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định doanh nghiệp viễn thông phải có nghĩa vụ kết nối, chia sẻ thông tin thuê bao do mình quản lý với các cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý khi được yêu cầu để phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; bổ sung quy định về quyền của các doanh nghiệp viễn thông tại được phép kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an để phục vụ cho các công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao, phù hợp với tình hình thực tế.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc doanh nghiệp viễn thông phải có nghĩa vụ lưu trữ, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ viễn thông mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, các thông tin về hoạt động của thuê bao viễn thông theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của đại lý dịch vụ viễn thông với người sử dụng dịch vụ viễn thông trong trường hợp thời gian và chất lượng của dịch vụ không đảm bảo như giao kết trong hợp đồng.
Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về quyền khiếu nại liên quan đến việc bảo mật thông tin cá nhân; không được phép tự thiết lập, lắp đặt hạ tầng viễn thông để kinh doanh dịch vụ viễn thông.
Về hoạt động bán buôn trong viễn thông, có ý kiến đề nghị làm rõ sự giống và khác nhau giữa quy định về “giá” tại dự thảo Luật với quy định tại điểm 8 Phụ lục 2 của dự thảo Luật Giá (giá dịch vụ kết nối viễn thông và giá dịch vụ viễn thông công ích do Bộ Thông tin Truyền thông định giá) và cần phải có hướng dẫn cụ thể để kiểm soát việc phân biệt đối xử về giá.
Về nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông và nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định giao Chính phủ xác định doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các thị trường dịch vụ viễn thông do Nhà nước quản lý vì đã được xác định theo quy định của Điều 24 Luật Cạnh tranh.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung tại dự thảo Luật, ngoài việc doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc là nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường không được phép cung cấp dịch vụ viễn thông với giá cước thấp hơn giá thành, thì cần bổ sung điều kiện như quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 Luật Cạnh tranh là “dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh”; đề nghị bổ sung hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.
Về thiết lập mạng viễn thông, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung: khi các doanh nghiệp xin giấy phép hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh để triển khai các dịch vụ, các công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan đến các tỉnh khác thì phải có chế độ thông tin, báo cáo hoặc có văn phòng đại diện hoặc có yêu cầu về đội ngũ kỹ thuật trên địa bàn.
Về từ chối cung cấp dịch vụ viễn thông, có ý kiến cho rằng, quy định "việc cung cấp dịch vụ viễn thông không khả thi về kỹ thuật kinh tế" là chưa phù hợp, vì khi đã ký hợp đồng thì đã xác định có rủi ro về kinh tế; chỉ nên quy định doanh nghiệp viễn thông được phép từ chối giao kết hợp đồng, không nên quy định doanh nghiệp được đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về từ chối cung cấp dịch vụ nếu người sử dụng dịch vụ viễn thông thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật để phòng ngừa các trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng các dịch vụ viễn thông để thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm.
Về quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, có ý kiến cho rằng, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet tương tự như các dịch vụ ứng dụng viễn thông, nên định nghĩa các dịch vụ này là dịch vụ viễn thông và quản lý như các dịch vụ viễn thông là không phù hợp, có thể gây ra những cản trở đối với sự phát triển của các ứng dụng kỹ thuật số, vì các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet khác biệt so với dịch vụ viễn thông.
Một số ý kiến đề nghị cần phải có phương thức quản lý phù hợp đối với dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, cần nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới để quy định có độ mở, linh hoạt, bảo đảm không ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam, đảm bảo chặt chẽ, khả thi, phù hợp với điều kiện hiện có của nước ta và hạn chế việc tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến lợi ích mà các dịch vụ mang lại, bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế; đề nghị cần quy định hợp lý về quản lý đối với các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có tính xuyên biên giới để không ảnh hưởng đến đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài; phân biệt nghĩa vụ của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet so với doanh nghiệp viễn thông truyền thống; bảo đảm phù hợp với các luật khác có liên quan như: Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Giao dịch điện tử; đề nghị xác định chủ thể chịu trách nhiệm quản lý chất lượng sử dụng dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet trong trường hợp những nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài, cần làm rõ các vấn đề cụ thể cần quản lý đối với dịch vụ này; việc yêu cầu việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam sẽ làm hạn chế sự phát triển của các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet tại Việt Nam.
Có ý kiến đề nghị làm rõ việc cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet theo hình thức có thu cước là loại cước gì, trường hợp nào thì thu cước, theo hình thức có thu cước phải tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông hoặc phải có biện pháp bảo đảm sự hoạt động ổn định của dịch vụ; vượt ngưỡng là như thế nào; các biện pháp gì để bảo đảm sự ổn định của dịch vụ; cân nhắc tính khả thi vì dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là dịch vụ không thu cước, các nhà cung cấp dịch vụ không kiểm soát được việc người tiêu dùng chọn nhà mạng nào; làm rõ việc sử dụng mạng xã hội, họp trực tuyến, chat zalo có bị thu tiền không.
Có ý kiến đề nghị xem xét, làm rõ nội hàm “thông tin dữ liệu” mà doanh nghiệp được phép truy cập, tránh chồng chéo với quy định liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, an toàn thông tin mạng (Luật An toàn thông tin mạng, Luật Công nghệ thông tin, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ luật Dân sự) và tránh việc áp đặt nghĩa vụ không cần thiết cho doanh nghiệp.
Lại có ý kiến đề nghị cần phải tính toán, cân bằng trong xác định giá dịch vụ cũng như thuế dịch vụ đối với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet để cân đối lại tiền đầu tư hạ tầng của các dịch vụ viễn thông.
Về quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây: Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu kỹ dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây để có phương thức quản lý phù hợp, hạn chế tăng chi phí của doanh nghiệp, phù hợp với cam kết quốc tế; đề nghị Luật chỉ quy định nguyên tắc, các văn bản dưới Luật sẽ quy định cụ thể.
Có ý kiến đề nghị làm rõ thêm việc quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây không đóng góp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích có bảo đảm nguyên tắc công bằng giữa các doanh nghiệp viễn thông.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu thu hẹp phạm vi của Trung tâm dữ liệu là chỉ trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông để không trùng lắp với các hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng thông tin hay là các hệ thống nền tảng tương tự được quy định tại các luật khác như Luật Công nghệ thông tin, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Giao dịch điện tử...
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trung tâm dữ liệu tại Việt Nam và tiếp cận theo hướng quản lý về mặt kỹ thuật, cho phép cung cấp dịch vụ nếu đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật thay cho việc yêu cầu về đặt văn phòng đại diện hay có thỏa thuận thương mại với các doanh nghiệp Việt Nam.
Như vậy, với những vai trò và góc nhìn khác nhau, việc đưa ra các ý kiến góp ý về hoạt động kinh doanh viễn thông rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, để việc áp dụng pháp luật được thuận lợi, minh bạch và đi vào cuộc sống, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, tiếp thu hoặc giải trình đảm bảo tính thống nhất trong toàn hệ thống pháp luật./.