Hiện nay, hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường số đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối và phức tạp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Với sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội trong thời gian qua cho phép các thông tin và nội dung được lan truyền một cách nhanh chóng và rộng rãi. Công nghệ số và đặc biệt là các dịch vụ chia sẻ trên các nền tảng trực tuyến như youtube, tiktok, instagram,v.v. đã tạo ra các mô hình kinh doanh mới nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc vi phạm bản quyền thông qua việc sao chép, chia sẻ và sử dụng trái phép các nội dung thông tin trên môi trường mạng mà họ không phải là tác giả hoặc chưa được phép. Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, hành vi vi phạm bản quyền báo chí trên môi trường số là hành vi sao chép, chia sẻ và sử dụng các nội dung tin tức trên các trang báo điện tử, các trang thông tin điện tử và các xuất bản phẩm điện tử mà không tuân thủ các quy định về bản quyền để phục vụ các mục đích thương mại hoặc phi thương mại.
Một trong các hành vi vi phạm phổ biến nhất hiện nay trên môi trường số có thể kể đến như: mạo danh tác giả; sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả… Bên cạnh các hành vi vi phạm về việc sao chép, dẫn lại, sử dụng các bài viết mà không được sự cho phép của tác giả, cơ quan báo chí - truyền thông thì việc tự ý sử dụng ảnh là hành vi vi phạm bản quyền gây nhiều bức xúc đối với những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí - truyền thông. Các hành vi vi phạm bản quyền này có thể gây ra nhiều thiệt hại không chỉ cho các cơ quan báo chí mà còn cho cả hệ thống truyền thông như: gây thiệt hại về tài chính; giảm giá trị bản quyền tin tức, ấn phẩm; gây mất uy tín của chủ sở hữu,v.v.
Để ngăn chặn các hành vi vi phạm này, trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong đó có các quy định cụ thể để bảo vệ quyền của các tác giả và chủ sở hữu bản quyền trên môi trường mạng như: về căn cứ xác lập quyền tác giả, Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký” (khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ). Ngoài ra, đối với các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã quy định gồm: “a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; c) Tác phẩm báo chí. Như vậy, sản phẩm báo chí chính là một trong những đối tượng đang được pháp luật bảo hộ về quyền tác giả và mọi hành vi xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí đều là hành vi cần bị lên án.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gia tăng tình trạng vi phạm bản quyền báo chí có thể kể đến như: do sự bùng nổ của internet đã cho phép các nội dung được chia sẻ và lan truyền một cách nhanh chóng; việc xác định nguồn gốc thông tin trên môi trường số khó khăn hơn do thông tin được chia sẻ qua nhiều lần hoặc được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau dẫn đến khó xác định được tác giả chính thức; ý thức của các tổ chức, cá nhân trong vấn đề bản quyền còn hạn chế và chưa biết cách tự bảo vệ khi bản quyền bị xâm phạm; pháp luật về sở hữu trí tuệ chưa thực sự bắt kịp với sự phát triển của công nghệ, vẫn còn nhiều “lỗ hổng” trong việc bảo vệ bản quyền tác giả một cách hiệu quả trên môi trường Internet; mức xử phạt trong lĩnh vực vi phạm bản quyền báo chí còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe,v.v.
Việc bảo vệ bản quyền trên môi trường số là một trong những điều kiện quan trọng để tháo gỡ rào cản cho sự phát triển nội dung số và các vấn đề liên quan như kinh tế số, xã hội số và là điều kiện quan trọng để đảm bảo cho sự thành công của chuyển đổi số báo chí. Do đó, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ tác quyền đối với tác phẩm báo chí truyền thống và báo chí điện tử trong Luật Báo chí và Luật Sở hữu trí tuệ. Cần có chế tài nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm bản quyền báo chí trên môi trường số.
Thứ hai, nâng cao năng lực của cán bộ công chức, người có thẩm quyền trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí để đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm, bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể sở hữu tác phẩm báo chí.
Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn và tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của người làm báo.
Thứ tư, sớm nghiên cứu và đưa vào hoạt động thử nghiệm mô hình trung tâm bảo vệ tác quyền trên môi trường số với chức năng bảo vệ quyền lợi của người làm báo một cách chuyên nghiệp.
Thứ năm, tăng cường giáo dục giáo dục đạo đức và văn hoá báo chí cho các nhà báo và người dùng để nâng cao ý thức trách nhiệm trong viên tuân thủ và đấu tranh bảo vệ bản quyền báo chí.