Ngày 30/6/2023, Bộ trưởng Bộ TTTT đã ký ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BTTTT để sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-BTTTT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ TTTT quy định các biểu mẫu Tờ khai đăng ký, Đơn đề nghị cấp Giấy phép, Giấy Chứng nhận, Giấy phép và Báo cáo nghiệp vụ theo quy định tại Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 01/10/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình.
Tại Nghị định số 71/2022/NĐ-CP, Chính phủ đã giao Bộ TTTT hướng dẫn thực hiện một số quy định, cụ thể: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet cung cấp dịch vụ theo yêu cầu độc lập, không cung cấp kênh chương trình phải thực hiện kê khai Đơn; Đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá thực hiện thông báo danh mục kênh; Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền lập hồ sơ quản lý nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu, nội dung của dịch vụ giá trị gia tăng; báo cáo nghiệp vụ theo biểu mẫu do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.
Đây cũng là những nội dung cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để khắc phục một số tồn tại, hạn chế của Thông tư 19/2016/TT-BTTTT, đồng thời triển khai công tác quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình theo các quy định được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 71/2022/NĐ-CP.
Nội dung điều chỉnh, bổ sung tại Thông tư số 05/2023/TT-BTTTT:
- Về biểu mẫu đơn đề nghị cấp Giấy phép/ Giấy chứng nhận
Các mẫu đơn đề nghị cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận quy định tại Thông tư 19/2016/TT-BTTTT vẫn đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, không cần phải sửa đổi, bổ sung.
Để đáp ứng yêu cầu quản lý mới tại Nghị định số 71/2022/NĐ-CP và đáp ứng yêu cầu quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình theo xu thế hiện nay, để giảm thiểu việc doanh nghiệp phải thực hiện kê khai nhiều lần, Thông tư 19/2016/TT-BTTTT cần bổ sung các hướng dẫn kê khai Đơn đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, mẫu số 01/DVTHTT / Tờ khai cấp Giấy chứng nhận, cụ thể:
Một là, bổ sung hướng dẫn kê khai vào trong Đơn đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền theo biểu mẫu số 01/DVTHTT, đối với dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet chỉ cung cấp nội dung theo yêu cầu, đây là loại hình dịch vụ không cung cấp kênh chương trình mới được quy định bổ sung tại Nghị định số 71/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp cần thực hiện kê khai đầy đủ nội dung cần thiết tại một số mục trong đơn đề nghị cấp phép, tránh doanh nghiệp phải kê khai, bổ sung nhiều lần.
Hai là, bổ sung hướng dẫn kê khai vào Tờ khai đăng ký/ sửa đổi/ bổ sung danh mục kênh chương trình trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền theo biểu mẫu số 05/DVTHTT, doanh nghiệp không phải kê khai về “Loại kênh chương trình/ Tôn chỉ, mục đích kênh chương trình” và “Giấy phép sản xuất kênh hoặc Giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài”, để giảm thời gian cho doanh nghiệp, trong khi cơ quan quản lý đã có đầy đủ thông tin.
Ba là, bổ sung hướng dẫn kê khai vào Tờ khai đăng ký thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh theo biểu mẫu số 07/DVTHTT, đối với doanh nghiệp có Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, trường hợp thu tín hiệu qua Internet, doanh nghiệp không phải kê khai một số nội dung và cần thiết phải kê khai đầy đủ tên thiết bị sử dụng và địa chỉ Internet xác định để phát, thu tín hiệu kênh chương trình, tránh doanh nghiệp phải kê khai, bổ sung nhiều lần.
- Về biểu mẫu Giấy phép/ Giấy chứng nhận:
Các biểu mẫu: Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền; Giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước; Giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, cụ thể:
Một là, loại bỏ những căn cứ pháp lý đã không còn hiệu lực, gồm:
+ Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12 tháng 6 năm 1999;
+ Nghị định số
132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
+ Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 2 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 và Quyết định số 01/2015/QĐ-TTg ngày 7 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020
+ Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình Việt Nam đến năm 2020;….
Hai là, bổ sung những căn cứ pháp lý mới còn hiệu lực phù hợp và chuyển sang dạng in nghiêng để cho phép cơ quan thực thi thay đổi khi căn cứ pháp lý thực hiện việc cấp phép thay đổi hoặc cập nhật, bổ sung căn cứ khi có quy định quản lý mới, như sau:
+ Luật Báo chí ngày 05 tháng 4 năm 2016;
+ Nghị định số 48/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
+ Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình;…”
Ba là, điều chỉnh từ quy định cứng (chữ thẳng) sang quy định mềm (chữ nghiêng) tại một số nội dung để cơ quan quản lý quy định trong Giấy phép/ Giấy chứng nhận phù hợp với điều kiện quản lý thực tế, như: Nơi nhận, hiệu lực Giấy chứng nhận, đơn vị phải thực hiện báo cáo nghiệp vụ, hình thức cung cấp tín hiệu phục vụ quản lý...
- Về báo cáo nghiệp vụ:
Thực tiễn, thời gian qua, để quản lý được dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, Cục PTTH&TTĐT đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp có hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình theo yêu cầu báo cáo đột suất số liệu về: số lượng nội dung; số liệu về thời lượng nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu.
Để đánh giá nhu cầu xem các kênh truyền hình thiết yếu quốc gia của người dân, Cục PTTH&TTĐT đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp IPTV và cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet báo cáo đột suất số liệu thuê bao có xem các kênh chương trình thiết yếu quốc gia và thời gian xem kênh.
Khi nhận được yêu cầu báo cáo đột suất của Cục PTTH&TTĐT, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ theo yêu cầu, doanh nghiệp có hệ thống đo lường khán giả xem kênh chương trình thiết yếu đều thực hiện báo cáo đầy đủ, kịp thời. Đây đều là các số liệu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đều phải quản lý, đánh giá hiệu quả nội dung cung cấp trên dịch vụ để xây dựng phương án kinh doanh phù hợp.
Để đáp ứng yêu cầu quản lý mới tại Nghị định số 71/2022/NĐ-CP và đáp ứng yêu cầu quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình theo xu thế hiện nay, Thông tư 19/2016/TT-BTTTT cần phải bổ sung Biểu mẫu báo cáo về những nội dung này, cụ thể như sau:
Một là, bổ sung Biểu mẫu báo cáo nhanh về số lượng, thời lượng nhóm chương trình của dịch vụ theo yêu cầu, số liệu người xem các kênh thiết yếu quốc gia, đống nhất về thời gian với Biểu mẫu báo cáo nhanh theo tháng hoạt động cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền doanh nghiệp đang thực hiện theo Thông tư 19/2016/TT-BTTTT;
Hai là, bổ sung Biểu mẫu báo cáo định kỳ về số lượng, thời lượng nhóm chương trình của dịch vụ theo yêu cầu, số liệu người xem các kênh thiết yếu quốc gia, số liệu doanh thu theo từng thể loại dịch vụ, đống nhất về thời gian với Biểu mẫu báo cáo định kỳ hoạt động cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, doanh nghiệp đang thực hiện theo Thông tư 19/2016/TT-BTTTT.
Ba là, bổ sung Biểu mẫu báo cáo về hoạt động liên kết sản xuất, biên tập, biên dịch nội dung theo yêu cầu cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, các Đài có hoạt động liên kết đang thực hiện theo Thông tư 19/2016/TT-BTTTT.
- Về lập hồ sơ quản lý nội dung dịch vụ theo yêu cầu, dịch vụ giá trị gia tăng và quảng cáo:
Điều 21 Nghị định số 06/2016/NĐ-CP, quy định: Đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền phải thực hiện đăng ký danh mục nội dung các kênh chương trình trong nước, kênh chương trình nước ngoài. Đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền không phải thực hiện đăng ký danh mục nội dung theo yêu cầu và nội dung giá trị gia tăng. Các nội dung theo yêu cầu, nội dung giá trị gia tăng và quảng cáo trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền phải được lập hồ sơ theo dõi phục vụ báo cáo nghiệp vụ và kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
Nghị định số 71/2022/NĐ-CP cho phép các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền được cung cấp dịch vụ theo yêu cầu, không cung cấp kênh chương trình. Trong khi, Thông tư số 19/2016/TT-BTTTT chưa có quy định biểu mẫu hướng dẫn lập hồ sơ theo dõi dịch vụ theo yêu cầu, dịch vụ giá trị gia tăng và quảng cáo phục vụ báo cáo nghiệp vụ và kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, cần thiết bổ sung hướng dẫn lập hồ sơ theo dõi dịch vụ theo yêu cầu, dịch vụ giá trị gia tăng và quảng cáo để các doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động quản lý cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp theo quy định pháp luật, dễ dàng thực hiện các báo cáo nghiệp vụ và kiểm tra của cơ quan nhà nước.
- Bổ sungquy định về chu kỳ thống kê, thời hạn nộp báo cáo và cách thức nộp báo cáo nghiệp vụ
Ngày 21/3/2023, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BTTTT quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TTTT (Thông tư số 02/2023/TT-BTTTT). Thông tư đã có thay đổi chu kỳ thống kê số liệu và thời gian nộp báo cáo nghiệp vụ đối với dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền (Mẫu số 09/DVTHTT và Mẫu số 10/DVTHTT) và báo cáo nghiệp vụ các cơ quan báo chí (Mẫu số 16/SXCT), huỷ bỏ quy định tại Thông tư số 19/2016/TT-BTTTT. Vì vậy, Thông tư bổ sung quy định về chu kỳ thống kê số liệu và thời gian nộp báo cáo nghiệp vụ đối với số liệu về nội dung theo yêu cầu, số liệu về người xem kênh thiết yếu quốc gia, số liệu sản xuất, biên tập, biên dịch nội dung theo yêu cầu, đồng bộ với các quy định mới tại Thông tư số 02/2023/TT-BTTTT, cụ thể:
- Bổ sung quy định thời kỳ báo cáo, thời gian nộp báo cáo đối với Biểu mẫu số 10A về báo cáo nhanh hoạt động cung cấp nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền. Quy định này đồng bộ với thời kỳ báo cáo, thời gian nộp báo cáo đối với Biểu mẫu số 10. Tạo điều kiện cho các doanh nghiêp thực hiện và cơ quan quản lý tiếp nhận, xử lý số liệu.
- Bổ sung quy định thời kỳ báo cáo, thời gian nộp báo cáo đối với Biểu mẫu số 16A về báo cáo định kỳ hoạt động liên kết biên tập, biên dịch nội dung theo yêu cầu trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền. Quy định này đồng bộ với thời kỳ báo cáo, thời gian nộp báo cáo đối với Biểu mẫu số 16. Tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí có hoạt động liên kết này thực hiện và cơ quan quản lý tiếp nhận, xử lý số liệu.
- Bổ sung quy định hình thức nộp báo cáo, bên cạnh việc nộp báo cáo bằng hình thức truyền thống như nộp trực tiếp, qua hệ thống bưu chính, bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp nộp báo cáo qua hệ thống trực tuyến, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Thông tư số 05/2023/TT-BTTTT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2023.