Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022 tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Theo đó, sửa đổi, bổ sung 102/222 Điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Để triển khai một số nội dung cụ thể của Luật này, ngày 26/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi tắt là Nghị định 17).
Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 (sau đây gọi chung là Luật Sở hữu trí tuệ) về quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, không quy định biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền trong trường hợp Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, Nhà nước đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan; trường hợp thuộc giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan thì thực hiện theo quy định tại Điều 35 của Nghị định này.
Nghị định được chia làm Chương, cụ thể:
- Chương I – Quy định chung.
- Chương II – Quyền tác giả, quyền liên quan.
- Chương III – Giới hạn, ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan
- Chương IV – Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
- Chương V – Tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan.
- Chương VI – Bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan
- Chương VII – Điều khoản thi hành.
Để cụ thể hóa quy định tại Điều 198b Luật Sở hữu trí tuệ về Trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, Nghị định 17 đã dành một mục (05 Điều) quy định về doanh nghiệp cung cấp dịch trung gian cũng như trách nhiệm pháp lý, và quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khi nhận được yêu cầu.
Điều 110 Nghị định 17 quy định Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian được quy định tại Điều 198b Luật Sở hữu trí tuệ là các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp một, một số hoặc toàn bộ các dịch vụ sau:
a) Dịch vụ “chỉ truyền dẫn” là dịch vụ truyền dẫn trên mạng viễn thông và mạng Internet nội dung thông tin số do người sử dụng dịch vụ cung cấp hoặc dịch vụ cung cấp khả năng truy nhập vào mạng viễn thông và mạng Internet;
b) Dịch vụ “lưu trữ đệm” là dịch vụ truyền dẫn trên mạng viễn thông và mạng Internet nội dung thông tin số do người sử dụng dịch vụ cung cấp mà có hoạt động lưu trữ tự động, trung chuyển và tạm thời nội dung thông tin số đó. Hoạt động lưu trữ tự động, trung chuyển và tạm thời này được thực hiện với mục đích duy nhất là làm cho việc chuyển tiếp nội dung thông tin số đó một cách hiệu quả hơn đến người sử dụng dịch vụ khác theo yêu cầu của họ;
c) Dịch vụ “lưu trữ nội dung thông tin số theo yêu cầu” là dịch vụ cho người sử dụng lưu trữ nội dung thông tin số do người sử dụng cung cấp theo yêu cầu của họ.
Khoản 2 Điều 110 Nghị định 17 cũng đã liệt kê Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian bao gồm:
a) Doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ truy nhập Internet, dịch vụ kết nối Internet;
b) Doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ kênh thuê riêng trong trường hợp kênh thuê riêng không được sử dụng để cung cấp các dịch vụ theo quy định tại các điểm c và d khoản này;
c) Doanh nghiệp cho thuê chỗ đặt máy chủ, cho thuê máy chủ dùng riêng trong trường hợp máy chủ không được sử dụng để cung cấp dịch vụ theo quy định tại điểm d khoản này;
d) Doanh nghiệp cho thuê chỗ lưu trữ nội dung thông tin số theo yêu cầu;
đ) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến;
e) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tìm kiếm nội dung thông tin số;
g) Doanh nghiệp khác cung cấp một, một số hoặc toàn bộ các dịch vụ có chức năng tương tự quy định tại khoản 1 Điều 198b của Luật Sở hữu trí tuệ và khoản 1 Điều này.
Tuy nhiên, trách nhiệm phải xây dựng công cụ tiếp nhận yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan chỉ đặt ra đối với doanh nghiệp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 110 của Nghị định 17. Công cụ tiếp nhận yêu cầu được quy định là một trong các công cụ sau:
(1) Chương trình máy tính để tiếp nhận yêu cầu;
(2) Trang thông tin điện tử để tiếp nhận yêu cầu;
(3) Các hòm thư điện tử để tiếp nhận yêu cầu;
(4) Cổng điện tử tiếp nhận yêu cầu;
(5) Công cụ tiếp nhận yêu cầu khác có chức năng tương tự.
Ngoài việc quy định các công cụ tiếp nhận, Nghị định cũng đã quy định cụ thể: "Xác nhận gửi thành công yêu cầu qua công cụ tiếp nhận được coi là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đã nhận được yêu cầu" là cơ sở để xác định.
Nghị định cũng đã đưa ra các nội dung về Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet tại Điều 111; Về trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan tại Điều 112.
Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian cần nghiên cứu kỹ nội dung quy định tại Điều 113, Điều 114 của Nghị định 17 vì đây là một nội dung mới được Nghị định đưa ra. Theo đó, đưa ra 02 quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khi nhận được yêu cầu:
(1) Của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Điều 113.
(2) Của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Điều 114.
Để hạn chế tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thì việc quy định các quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khi nhận được yêu cầu là cần thiết và phù hợp với sự phát triển của công nghệ. Các quy trình này đã đưa ra các quy định thời gian cụ thể theo đơn vị giờ cho việc gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số bị vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan để các doanh nghiệp trung gian làm căn cứ thực hiện.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký (26/4/2023) và các văn bản, nội dung dưới đây hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực:
- Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan;
- Phần Bảo vệ quyền trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan tại Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
- Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.