Chính sách, pháp luật

Một số ý kiến góp ý các thuật ngữ, khái niệm về Luật giao dịch (sửa đổi)

01/06/2023 17:13 CH

 Theo những nguyên tắc ở các bài tổng hợp trước, tại bài viết này tác giả tiếp tục thu thập những nhận định về khái niệm trong luật giao dịch điện tử (sửa đổi), cụ thể:

Về giải thích thuật ngữ tại Điều 3 dự thảo có ý kiến đề nghị sửa như sau: “Dấu thời gian là dữ liệu ở dạng điện tử gắn với thông điệp dữ liệu cho phép xác sự tồn tại của thông điệp điện tử ở một thời điểm cụ thể” (Khoản 11); có ý đề nghị sửa như sau: “Dữ liệu là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự” giữ quy định như Luật Giao dịch điện tử năm 2005 là phù hợp (Khoản 12); Khoản 15 đề nghị bổ sung thêm cụm từ “được coi là giao dịch bằng văn bản” cho rõ ràng và thống nhất với quy định về giá trị như văn bản của thông điệp dữ liệutại Điều 11 của Dự thảo Luật và quy định về hình thức giao dịch dân sự tại Điều 119 của Bộ luật Dân sự năm 2015 là: “1. Giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”; khoản 17: có ý kiến cho rằng dự thảo Luật có quy định về giải thích từ ngữ “nguời trung gian”, tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của “người trung gian”, đề nghị cần xem xét bổ sung; theo quy định tại khoản 17 Điều 3, người trung gian cũng giữ một vai trò quan trọng khi là cơ quan, tổ chức, cá nhân đại diện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc gửi, nhận hoặc lưu trữ một thông điệp dữ liệu hoặc cung cấp các dịch vụ khác liên quan đến thông điệp dữ liệu đó. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa có quy định rõ, cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người trung gian đối với các bên trực tiếp tham gia vào giao dịch điện tử. Điều này sẽ gây ra nhiều bất cập trong việc đảm bảo an toàn của giao dịch điện tử khi có vấn đề xảy ra. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người trung gian đối với các bên trực tiếp tham gia vào giao dịch điện tử.
Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một khoản quy định về “chữ ký điện tử nước ngoài”. Điều 28 dự thảo Luật quy định về công nhận chữ ký điện tử và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài. Theo đó, chữ ký điện tử và chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài được công nhận khi đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 Điều này. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại chưa đưa ra khái niệm cụ thể thế nào được coi là một chữ ký điện tử nước ngoài (chẳng hạn, chữ ký điện tử có chứa yếu tố nào sau đây thì được coi là nước ngoài: vị trí địa lý nơi chữ ký điện tử được tạo ra, vị trí địa lý nơi chứng thư được phát hành, vị trí trụ sở của người ký hay vị trí trụ sở của tổ chức chứng thực?)
Đồng thời, dự thảo chưa đưa ra khái niệm cụ thể thế nào được coi là một chữ ký điện tử nước ngoài. Chẳng hạn, chữ ký điện tử có chứa yếu tố nào sau đây thì được coi là nước ngoài: vị trí địa lý nơi chữ ký điện tử được tạo ra; vị trí trụ sở của người ký; vị trí trụ sở của tổ chức chứng thực. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định làm rõ nội dung này.
Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lỗi kỹ thuật, thêm dấu phẩy “,” giữa hai cụm từ “tham chiếu, đồng bộ” quy định khoản 14 Điều 3 dự thảo Luật, cụ thể: “14. Dữ liệu chủ là dữ liệu chứa thông tin cơ bản nhất để mô tả một đối tượng cụ thể, làm cơ sở để tham chiếu, đồng bộ giữa các cơ sở dữ liệu”.
Bên cạnh đó, kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung việc giải thích từ ngữ về khái niệm “chứng thực” để tránh nhầm lẫn với quy định về chứng thực được quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
Tại khoản 3 Điều 3 dự thảo Luật đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa lại nội dung giải thích từ ngữ đối với chữ ký số như sau:
“Chữ ký số" là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:
Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;        Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên”. Lý do: Nội dung tại khoản này là nội dung quy định về điều kiện của chữ ký số mà không phải là nội dung về giải thích từ ngữ; Khái niệm “chữ ký số” đã được giải thích cụ thể tại khoản 6 Điều 3 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Theo đó, đề nghị Luật Giao dịch điện tử cần thiết kế thừa nội dung giải thích từ ngữ về “chữ ký số” đã được quy định tại Nghị định số 130/2018/NĐ-CP; đề nghị nghiên cứu làm rõ khái niệm “chứng thực” trong giao dịch điện tử để có sự phân biệt rõ ràng với các trường hợp chứng thực khác được sử dụng trong văn bản pháp luật hiện hành; đây là Luật chuyên ngành nên nhiều thuật ngữ khó hiểu, do vậy, đề nghị ban soạn thảo rà soát, chỉnh lý, giải thích thuật ngữ để dễ hiểu hơn:  “Dữ liệu mở”; “Công nghiệp số”; “Môi trường số”; “Chứng từ điện tử;Chuyển đổi số”, “Chính phủ số”; “Tài khoản định danh điện tử”; “Chứng cứ điện tử”; “Chữ ký số công cộng”.
Một số ý kiến, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát thống nhất việc giải thích từ ngữ chỉ nên tập trung tại Điều 3, tránh việc giải thích dàn trải tại nhiều điều luật. ví dụ: Khoản 1 Điều 16 giải thích “Người khởi tạo thông điệp dữ liệu là cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo hoặc gửi một thông điệp dữ liệu trước khi thông điệp dữ liệu đó được lưu trữ nhưng không bao hàm người trung gian chuyển thông điệp dữ liệu”; Khoản 1 Điều 44 giải thích “Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước là dữ liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ. Cơ quan nhà nước công bố dữ liệu mở để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số”; Khoản 1 Điều 46 giải thích “Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử là tập hợp phần cứng, phần mềm và cơ sở dữ liệu được thiết lập phục vụ mục đích tạo lập, cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin trên mạng.”
Đề nghị sắp xếp lại các khái niệm theo hướng từ đơn giản đến phức tạp, để đảm bảo tính logic, khoa học của các quy định. Ví dụ: theo thứ tự Dữ liệu - Dữ liệu số - Cơ sở dữ liệu - Thông điệp dữ liệu
Tại Điều 26, Điều 28, Điều 34 của Dự thảo luật có nhắc tới “Tổ chức chứng thực điện tử quốc gia”, tuy nhiên Dự thảo luật chưa có nội dung quy định, giải thích về nội dung này. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể, đảm bảo tính chính xác khi áp dụng luật.
Như vậy, với những góc nhìn khác nhau, đối tượng tác động của dự thảo luật đưa ra các góp ý cụ thể về định nghĩa, thuật ngữ góp phần minh bạch hóa, thống nhất trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Vụ Pháp chế