Chính sách, pháp luật

Tổng hợp một số góp ý liên quan đến các thuật ngữ được giải thích trong luật giao dịch điện tử (sửa đổi)

01/06/2023 17:11 CH

 Vai trò của việc định nghĩa các thuật ngữ trong văn bản pháp luật là hết sức quan trọng. Khi xây dựng văn bản pháp luật thì việc xác lập thuật ngữ pháp lý cần đảm bảo nguyên tắc: nội dung của thuật ngữ pháp lý phải đầy đủ, rõ ràng, đủ để hiểu chính xác, thống nhất trong quá trình thực hiện văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, các ý kiến góp ý về thuật ngữ được tổng hợp để hoàn thiện dự thảo Luật được đặc biệt lưu ý. Cụ thể:

Điều 3. Giải thích từ ngữ khoản 1 quy định Chữ ký điện tử là chữ ký được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu,có khả năng xác nhận chủ thể ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của chủ thể đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký”. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, cần định nghĩa đầy đủ, làm rõ nội hàm nội dung quy định, phần nào cản trở phần nào xu thế hội nhập quốc tế. hướng đến quy định này phải xác định được định danh. Chữ ký số nói riêng và chữ ký điện tử cần được mở rộng về phạm vi ứng dụng và quy mô xác thực, để đảm bảo kịp theo xu thế số hóa hiện nay, giảm bớt những bất cập khó khăn trong giao dịch điện tử giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
           Khoản 1 dự thảo Luật có cụm từ “gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, việc sử dụng từ lô gíc” đề nghị Ban soạn thảo có cách diễn đạt thuần Việt hơn trong văn bản luật, hoặc là phải đưa cụm từ này vào nội dung giải thích từ ngữ tại Điều 3.
Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một khoản quy định về “chữ ký điện tử nước ngoài”. Điều 28 dự thảo Luật quy định về công nhận chữ ký điện tử và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài. Theo đó, chữ ký điện tử và chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài được công nhận khi đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 Điều này. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại chưa đưa ra khái niệm cụ thể thế nào được coi là một chữ ký điện tử nước ngoài (chẳng hạn, chữ ký điện tử có chứa yếu tố nào sau đây thì được coi là nước ngoài: vị trí địa lý nơi chữ ký điện tử được tạo ra, vị trí địa lý nơi chứng thư được phát hành, vị trí trụ sở của người ký hay vị trí trụ sở của tổ chức chứng thực?).
Có ý kiến cho rằng thuật ngữ “tham chiếu” được sử dụng nhiều lần trong dự thảo Luật nhưng không phải là từ ngữ thông dụng. Do vậy, đề nghị bổ sung Điều 3 để giải thích và làm rõ nội hàm của thuật ngữ “tham chiếu”.
Khoản 17 Điều 3, người trung gian cũng giữ một vai trò quan trọng khi là cơ quan, tổ chức, cá nhân đại diện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc gửi, nhận hoặc lưu trữ một thông điệp dữ liệu hoặc cung cấp các dịch vụ khác liên quan đến thông điệp dữ liệu đó. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa có quy định rõ, cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người trung gian đối với các bên trực tiếp tham gia vào giao dịch điện tử. Điều này sẽ gây ra nhiều bất cập trong việc đảm bảo an toàn của giao dịch điện tử khi có vấn đề xảy ra. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người trung gian đối với các bên trực tiếp tham gia vào giao dịch điện tử
Hay có ý kiến cho rằng để tránh nhầm lẫn về chữ ký điện tử, đề nghị cần quy định cụ thể có hai loại: Chữ ký điện tử xác nhận (confirmed digital signature): sử dụng trong các hợp đồng, hóa đơn điện tử,… trong quan hệ với bên ngoài, là chứng cứ xác nhận giao dịch; Chữ ký điện tử dùng riêng (private digital signature): sử dụng riêng cho cơ quan, tổ chức,…
Thay thế từ “lô gíc” thành cụm từ“đồng bộ, thống nhất”. Đề nghị sửa lại thành “Chữ ký điện tử là chữ ký được tạo lập dưới dạng chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách đồng bộ, thống nhấtvới thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận chủ thể ký sự chấp thuận của chủ thể ký với nội dung đó”
Còn nhiều thuật ngữ dù đã được giải thích trong Dự thảo Luật nhưng vẫn khó nhớ, khó hiểu dẫn đến việc áp dụng rộng rãi trong thực tế sẽ khó khăn như: “Chữ ký điện tử dùng riêng”, “Chứng thư chữ ký điện tử”, …Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu giải thích các thuật ngữ cụ thể hơn, để dễ áp dụng trong thực tiễn, đồng thời bổ sung giải thích thuật ngữ “dịch vụ tin cậy”.
Tại Khoản 2, Điều 3 dự thảo Luật giải thích từ ngữ về chữ ký điện tử dùng riêng “là chữ ký điện tử đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật này. Chữ ký điện tử dùng riêng do cơ quan, tổ chức tạo lập, sử dụng trong nội bộ của cơ quan, tổ chức đó hoặc trong hoạt động chuyên ngành, lĩnh vực được liên kết với nhau thông qua điều lệ hoạt động hoặc văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ cấu tổ chức và không nhằm mục đích kinh doanh”. Có ý kiến cho rằng việc giải thích từ ngữ là phải làm rõ khái niệm, định nghĩa của thuật ngữ đó, nhưng dự thảo Luật lại giải thích thuật ngữ chữ ký điện tử dùng riêng “là chữ ký điện tử đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật này” là chưa phù hợp, chưa làm rõ nghĩa của thuật ngữ này, trong khi các quy định tại khoản 2, Điều 24 là về các điều kiện cần thỏa mãn chứ không phải là một định nghĩa. Đề nghị nghiên cứu quy định lại nội dung này cho phù hợp, rõ nghĩa và đúng với yêu cầu giải thích từ ngữ.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông cho biết hiện tại đang kinh doanh giải pháp chữ ký điện tử dùng riêng cho khách hàng hoặc cung cấp chữ ký số công cộng cho cơ quan, tổ chức sử dụng riêng trong nội bộ. Do đó, đề nghị nghiên cứu bỏ đoạn “và không nhằm mục đích kinh doanh”, đồng thời, điều chỉnh Khoản 2 Điều 3 lại như sau: “Chữ ký điện tử dùng riêng là chữ ký điện tử do cơ quan, tổ chức tạo lập thông qua việc tự thiết lập hệ thống hoặc sử dụng giải pháp, dịch vụ của Doanh nghiêp kinh doanh dịch vụ tin cậy, có hiệu lực sử dụng trong phạm vi nội bộ của cơ quan, tổ chức hoặc trong hoạt động chuyên ngành, lĩnh vực của mình theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.”
Khoản 4: có ý kiến đề nghị sửa như sau “Chữ ký số chuyên dùng công vụ là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công vụ và được xác thực bởi chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ
Khoản 5: có ý kiến đề nghị sửa như sau: “Chứng thư chữ ký điện tử là thông điệp dữ liệu nhằm xác nhận chữ ký điện tử của chủ thể ký”.
Khoản 9 đề nghị để nhất quán trong việc sử dụng từ ngữ khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành chứng thư điện tử dưới dạng thông điệp dữ liệu thì cần phải nói rõ và nhất quán với chứng thư điện tử thì đây phải là thông điệp dữ liệu điện tử. Nội dung này tại dự thảo lần trước đã được quy định rõ hơn là: “Chứng thư điện tử là thông điệp dữ liệu được phát hành bởi cơ quan, tổ chức dưới dạng kết quả giải quyết thủ tục hành chính, văn bằng, chứng nhận, chứng chỉ, văn bản chấp thuận, văn bản xác nhận hoặc các hình thức tương tự khác ở dạng điện tử”. Đề nghị điều chỉnh đồng thời tại khoản 20 Điều 3 và những điều khoản khác có cụm từ này trong dự thảo Luật.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu, hoàn thiện nội dung dự thảo, đảm bảo các thuật ngữ trong sáng, các thuật ngữ pháp lý được hình thành có sự chuẩn hóa về nghĩa.

Vụ Pháp chế