Đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước nói riêng có vai trò quyết định sự thành bại của cách mạng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân đội ngũ cán bộ, công chức cần phải đáp ứng những yêu cầu sau đây:
Một là, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc mà mình đảm nhiệm. Năng lực, chuyên môn nghiệp vụ được hình thành trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng; trong thực tiễn công tác và thực tiễn đời sống xã hội.
Hai là, tận tâm, mẫn cán với công việc, thể hiện trách nhiệm và đạo đức công vụ trong khi thực hiện công việc được giao. Có tinh thần hợp tác, giúp đỡ đồng nghiệp.
Ba là, thực hiện đúng các quy định của pháp luật với ý thức tự giác và kỷ luật nghiêm minh, không làm điều gì trái với lương tâm và trách nhiệm công vụ.
Bốn là, kính trọng, lễ phép với nhân dân; tôn trọng quyền con người, quyền công dân; gần dân, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của dân và khiêm tốn học hỏi nhân dân.
Năm là, gương mẫu trong việc chấp hành đường lối chính sách, pháp luật; tự giác rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhân cách, phong cách làm việc.
Được giáo dục, rèn luyện và trải qua thực tiễn đổi mới vừa qua, nhìn chung đội ngũ cán bộ, công chức của Nhà nước ta có nhiều ưu điểm và tiến bộ: hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo bồi dưỡng và được nâng lên một bước cả về lý luận và chuyên môn nghiệp vụ cũng như đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước, nên đáp ứng được một mức độ nhất định các công việc được giao; một bộ phận trưởng thành nhanh chóng thích ứng được với những yêu cầu, thách thức trong quá trình cải cách Nhà nước, phục vụ sự nghiệp đổi mới, nhất là đổi mới về kinh tế; tính chủ động, tinh thần trách nhiệm được nâng lên một bước; phần đông về cơ bản vẫn giữ được phẩm chất chính trị đạo đức tốt, khiêm tốn, gần gũi nhân dân, tôn trọng nhân dân; có ý thức chấp hành đường lối, chính sách, pháp luật.
Tuy vậy, so với yêu cầu của đội ngũ cán bộ, công chức trong một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân thì đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay cũng bộc lộ yếu kém, bất cập: Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa tương xứng và chưa đáp ứng tốt được yêu cầu công việc; tính chủ động, ý thức trách nhiệm với công việc được giao ở một số bộ phận, cá nhân còn thấp, kỷ luật không nghiêm; kỹ năng quản lý, điều hành còn nhiều hạn chế; một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, tham ô, buôn lậu, nhũng nhiễu phiền hà, thiếu công tâm, khách quan khi giải quyết công việc, kỷ luật hành chính lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm với công việc được giao; một bộ phận cán bộ chủ chốt ở địa phương, cơ sở tỏ ra lúng túng bị động khi có tình huống phát sinh, bản lĩnh thiếu vững vàng.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong tình hình hiện nay của nước ta đòi hỏi phải đổi mới đồng bộ các nội dung, các khâu của công tác cán bộ, cụ thể như sau:
Một là, xây dựng và thực hiện tốt chiến lược và quy hoạch cán bộ. Trong đó chú ý xây dựng cơ cấu cán bộ cấp chiến lược; cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, công nghệ có trình độ cao; cán bộ cơ sở, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ, cán bộ là con em các gia đình có công với nước, cán bộ xuất thân từ công nhân, tạo nguồn cán bộ.
Hai là, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức bảo đảm nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, thành thạo kỹ năng quản lý điều hành, rèn luyện đạo đức, phẩm chất cán bộ.
Ba là, đổi mới cơ chế đánh giá, tuyển dụng cán bộ, công chức bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan và khoa học để đánh giá đúng đắn, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ hợp lý, tuyển dụng đúng người đáp ứng được yêu cầu công việc. Trong công tác đánh giá cán bộ phải căn cứ vào hiệu quả công tác thực tế và tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong tuyển dụng cán bộ, công chức cần chủ động tạo nguồn, có cơ chế, chính sách phát hiện tuyển chọn sớm nhân tài để đào tạo, bồi dưỡng chuẩn bị cán bộ cho tương lai.
Bốn là, đổi mới chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức bảo đảm thu nhập, đãi ngộ thỏa đáng, kích thích được tính tích cực phấn đấu của cán bộ, công chức, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, cán bộ, công chức an tâm, tận tâm với công việc.
Năm là, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát cán bộ, công chức.
Thủ trưởng cơ quan và bộ phận làm công tác tổ chức, cán bộ phải nắm vững đội ngũ cán bộ, công chức của mình, nắm vững kết quả công việc của họ để đánh giá đúng đắn, bố trí hợp lý, có chế độ chính sách thích hợp. Quản lý, kiểm tra giám sát cán bộ, công chức còn kết hợp với cơ quan tổ chức của Đảng và phải dựa vào dân, vào các đoàn thể để tổ chức quần chúng, để nhân dân tham gia giám sát cán bộ và công tác cán bộ một cách thiết thực.
Phải kết hợp chặt chẽ giữa các khâu quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển, sắp xếp, bố trí điều động cán bộ. Mặt khác các khâu của công tác cán bộ phải được chuẩn bị chu đáo, quyết định tập thể, dân chủ, công khai, loại trừ mọi biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ, thiếu minh bạch,...