Trên thế giới, dịch vụ M2M/IoT ngày càng trở nên phổ biển, số lượng kết nối IoT/M2M tăng trưởng mạnh: 15,1 tỷ kết nối (2021), dự kiến 23,3 tỷ kết nối đến 2025 (báo cáo Mobile Economy 2022 - GSMA). M2M/IoT chia thành 3 loại dựa trên phương thức kết nối: IoT/M2M trên mạng di động, IoT cung cấp qua mạng diện rộng công suất thấp phi di động tế bào (Non – Cellular LPWAN), hoạt động trên các băng tần unlicenced; IoT sử dụng các phương thức truyền dẫn khác: vệ tinh, các kết nối qua WPAN and WLAN (BlueTooth, Zigbee, Z Wave..).Mô hình cung cấp dịch vụ M2M/IoT gồm có các đối tượng: (1) Các nhà mạng IoT (hoặc các nhà cung cấp kết nối cho IoT); (2) Nhà cung cấp dịch vụ IoT (Cung cấp các IoT Platform, giải pháp cho dịch vụ IoT); (3) Người sử dụng.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đã triển khai các dịch vụ, ứng dụng M2M/IoT trên mạng di động 2G, 3G, 4G với số lượng thuê bao máy thống kê được là khoảng hơn 3 triệu thuê bao. Dự báo xu hướng M2M/IoT sẽ được ứng dụng mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế xã hội như y tế, giao thông, xây dựng, điện lực, tự động hóa… đặc biệt cho triển khai thành phố thông minh. Việc phát triển ứng dụng IoT phát sinh các vấn đề về an toàn bảo mật thông tin, bảo vệ dữ liệu của các nhân, đòi hỏi hành lang pháp lý cho sự phát triển.
Tuy nhiên, Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn luật hiện nay chưa đầy đủ quy định quản lý các loại dịch vụ IoT/M2M nói trên cụ thể:Định nghĩa dịch vụ viễn thông tại Luật Viễn thông không bao gồm nội dung gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin giữa các thiết bị (máy với máy); phân loại dịch vụ viễn thông (tại Nghị định số 25/2011/NĐ-CP, TT 05/2012/TT-BTTTT) chưa rõ về loại hình dịch vụ M2M, IoT; Phân loại mạng chưa rõ; chưa có các quy định về an toàn, bảo mật, bảo vệ dữ liệu người sử dụng dịch vụ M2M, IoT.
Với mục tiêu thúc đẩy phát triển dịch vụ và ứng dụng M2M/IoT phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, phát triển Smart City thúc đẩy xã hội số , kinh tế số tại Việt Nam và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ IoT/M2M, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đề xuất sửa đổi các khái niệm dịch vụ viễn thông, thiết bị đầu cuối trong luật để bao trùm Internet vạn vật, cụ thể:
+ Bổ sung khái niệm về thiết bị Internet vạn vật
+ Sửa đổi khái niệm về dịch vụ viễn thông
+ Sửa đổi khái niệm thiết bị đầu cuối bao gồm thiết bị Internet vạn vật.
Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn luật cũng sẽ bổ sung, làm rõ các nội dung như:
+ Bổ sung loại hình mạng Non – Cellular LPWAN thương mại hoạt động trên các băng tần di động miễn cấp phép (Lora, Sigfox) vào danh mục phân loại mạng viễn thông, các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn bảo mật…
+ Bổ sung dịch vụ kết nối các thiết bị IoT vào danh mục dịch vụ viễn thông.
+ Bổ sung quy định hình thức, quy trình thủ tục cấp phép đối với dịch vụ kết nối IoT, mạng IoT (băng tần unlicenced).
+ Quy định tách biệt việc đăng ký thông tin thuê bao dịch vụ kết nối IoT khác với việc đăng ký thông tin thuê bao là người sử dụng.
+ Ban hành các hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn, bảo mật thông tin cho hệ thống, thiết bị IoT/M2M, áp dụng cho đối tượng nhà mạng cung cấp kết nối IoT/M2M và nhà cung cấp dịch vụ IoT.
+ Hoàn thiện các tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật về hạ tầng và kết nối (trên cơ sở các tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật đã có), ví dụ chuẩn truyền thông, khung kiến trúc, liên thông, an toàn bảo mật thông tin…;
+ Xây dựng tiêu chuẩn, hướng dẫn cho một số ứng dụng quan trọng như phục vụ triển khai đô thị thông minh ở Việt Nam; kết hợp xây dựng một số tiêu chuẩn đặc thù cho Việt Nam…
+ Bổ sung quy định về bảo vệ dữ liệu tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ IoT/M2M./.