Chính sách, pháp luật

CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ DỊCH VỤ OTT TRONG DỰ THẢO LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)

23/12/2022 09:13 SA

 Hiện nay trong Luật Viễn thông và các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) không có khái niệm về dịch vụ OTT. Đây là thuật ngữ được sử dụng không chính thức ở quốc tế dùng để chỉ các dịch vụ, ứng dụng được cung cấp cho người dùng qua mạng Internet. Việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ, ứng dụng này giữa nhà cung cấp dịch vụ OTT và người dùng được thực hiện độc lập với nhà cung cấp hạ tầng mạng và dịch vụ viễn thông.

Các dịch vụ OTT cung cấp tính năng gọi điện thoại, nhắn tin trên Internet (ví dụ Viber, Whatsapp, Zalo, Facebook Messenger,...) được sử dụng rất phổ biến ở trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Các dịch vụ này có những đặc điểm chung như sau:
- Được cung cấp tới người dùng theo một trong hai hình thức: (i) có thu cước và (ii) miễn phí sử dụng. Trường hợp miễn phí phổ biến hơn, nhà cung cấp dịch vụ OTT khi đó không thu tiền trực tiếp từ giá cước dịch vụ mà thu gián tiếp từ các dịch vụ, nguồn thu khác ví dụ quảng cáo, bán sticker, game,...
- Được cung cấp độc lập với nhà mạng viễn thông, thường là các phần mềm (ứng dụng) sẵn có trên mạng Internet. Do đó việc sử dụng dịch vụ OTT rất dễ dàng, thuận lợi, thuộc phạm vi toàn cầu, mang tính xuyên biên giới.
- Chất lượng dịch vụ không được cam kết vì được cung cấp qua Internet hoạt động theo cơ chế truyền tải với nỗ lực cao nhất (Best effort).
- Các dịch vụ OTT sử dụng số điện thoại trong danh bạ điện thoại của người dùng để định danh nên phát triển rất nhanh.
Tại Việt Nam, sự phổ biến của điện thoại thông minh (hiện nay hơn 94 triệu thuê bao trên tổng số 127 triệu thuê bao di động có sử dụng điện thoại thông minh) và sự phát triển của công nghệ mạng di động (chất lượng dịch vụ truy cập Internet trên di động ngày càng được nâng cao) đã tạo thuận lợi cho việc sử dụng các dịch vụ OTT điện thoại, nhắn tin. Hành vi của người dùng ngày càng thay đổi theo hướng chuyển từ việc sử dụng các dịch vụ điện thoại, nhắn tin truyền thống do các nhà mạng viễn thông cung cấp sang sử dụng các dịch vụ điện thoại, nhắn tin OTT miễn phí trên Internet.
Đa số các ứng dụng OTT điện thoại, nhắn tin phổ biến ở Việt Nam hiện do các nhà cung cấp nước ngoài không có hiện diện ở Việt Nam cung cấp (hình thức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới). Sự phổ biến của các dịch vụ OTT điện thoại, nhắn tin trên Internet đã làm giảm lưu lượng sử dụng dịch vụ điện thoại, nhắn tin truyền thống và dẫn đến giảm doanh thu dịch vụ viễn thông của nhà mạng viễn thông. Theo thống kê của Viettel, do ảnh hưởng của OTT, trung bình lưu lượng thoại truyền thống giảm 2.5%/năm, lưu lượng SMS truyền thống giảm 28%/năm. Với MobiFone, bình quân doanh thu dịch vụ điện thoại truyền thống giảm 16%, doanh thu SMS giảm 23% so với cùng kỳ năm trước.
Tình trạng suy giảm doanh thu dịch vụ điện thoại, nhắn tin SMS truyền thống do ảnh hưởng của các dịch vụ điện thoại, nhắn tin OTT trên Internet cũng được ghi nhận trên thế giới. Theo báo cáo của ITU, tác động của OTT làm doanh thu của các nhà mạng viễn thông khu vực Châu Âu giảm 25% trong giai đoạn từ 2014-2018.
Ở Việt Nam, tác động tiêu cực của OTT đối với doanh thu của nhà mạng có phần mạnh hơn do giá cước data còn ở mức thấp so với thế giới trong khi tỷ trọng doanh thu dịch vụ điện thoại, nhắn tin truyền thống trên tổng doanh thu dịch vụ di động còn lớn so với thế giới (tỷ trọng này ở Việt Nam đang khoảng 60% trong khi mức trung bình thế giới là khoảng 40%). Mặc dù việc chuyển sang sử dụng các dịch vụ OTT điện thoại, nhắn tin trên Internet làm tăng lưu lượng dịch vụ dữ liệu truy nhập Internet (data) của nhà mạng nhưng do giá cước dịch vụ data của Việt Nam còn ở mức thấp nên việc tăng lưu lượng dịch vụ dữ liệu không đủ làm tăng trưởng đáng kể doanh thu dịch vụ viễn thông của nhà mạng. Theo thống kê, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông của Việt Nam trong giai đoạn từ 2016 đến nay gần như ít biến động, thậm chí có xu hướng giảm nhẹ. Việc sụt giảm doanh thu dịch vụ viễn thông sẽ dẫn đến hạn chế về nguồn lực tài chính để tái đầu tư phát triển mạng viễn thông, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ viễn thông cung cấp cho người dùng.
Ngoài ra, mặc dù các ứng dụng OTT điện thoại, nhắn tin được sử dụng phổ biến nhưng do chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh nên phát sinh một số vấn đề về bảo vệ dữ liệu người dùng, tin nhắn rác.
Việc bổ sung các quy định về quản lý dịch vụ OTT nhằm mục tiêu tạo thuận lợi cho sự phát triển các ứng dụng OTT vì đây là xu thế phát triển chung trên thế giới, tuy nhiên, hoạt động cung cấp dịch vụ OTT trên mạng cần được quản lý ở mức độ phù hợp để bảo vệ quyền lợi người sử dụng, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, nhất là khi các ứng dụng này được sử dụng phổ biến trong xã hội và tạo cơ chế để nhà cung cấp dịch vụ OTT, nhà mạng cùng tham gia chia sẻ chi phí phát triển hạ tầng trên nguyên tắc công bằng, hợp lý để tạo môi trường phát triển bền vững đối với hạ tầng và dịch vụ viễn thông./.

Phan Thanh Huyền - Vụ Pháp chế