Chính sách, pháp luật

CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ KINH DOANH DỊCH VỤ TRUNG TÂM DỮ LIỆU VÀ DỊCH VỤ ĐIỆN TOÁN ĐÁM MÂY TRONG DỰ THẢO LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)

23/12/2022 09:12 SA

 Hiện nay, xu hướng hội tụ giữa viễn thông và công nghệ thông tin dẫn đến việc không còn phân biệt ranh giới giữa hạ tầng viễn thông và hạ tầng công nghệ thông tin. Chính quyền các cấp, các doanh nghiệp cũng như phần lớn người dân đều đang sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu để lưu trữ, xử lý thông tin trên môi trường số. Trung tâm dữ liệu kết nối với hạ tầng vật lý của mạng viễn thông chính là phần hạ tầng cho hoạt động của kinh tế số, xã hội số. Nhu cầu sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu là rất lớn, dịch vụ trung tâm dữ liệu ngày càng phát triển ở Việt Nam với thị phần chủ yếu là của các nhà cung cấp nước ngoài, trong khi dữ liệu là tài nguyên quốc gia. Do đó, trung tâm dữ liệu cần được quản lý để việc lưu trữ, xử lý và truyền đưa từ các trung tâm dữ liệu qua mạng viễn thông đến cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ được đảm bảo an toàn, thông suốt với các trách nhiệm pháp lý liên quan rõ ràng.

Trung tâm dữ liệu là nơi lưu trữ dữ liệu của các tổ chức, cá nhân. Trung tâm dữ liệu cùng với đường truyền dẫn, kết nối và hạ tầng ảo là hạ tầng của điện toán đám mây, được sử dụng để cung cấp các ứng dụng, dịch vụ trong các ngành, các lĩnh vực. Dữ liệu được chuyển qua mạng viễn thông, Internet, qua các dịch vụ điện toán đám mây ngày càng nhiều và được lưu trữ ở các trung tâm dữ liệu trong khi các trung tâm dữ liệu ở nước ta hiện chưa được quản lý.
Xu thế hội tụ viễn thông, công nghệ thông tin và tự động hóa cho phép doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng mạng đáp ứng nhu cầu mới của người sử dụng dịch vụ viễn thông trong môi trường số. Đồng thời, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cho người sử dụng dịch vụ Việt Nam ngày càng nhiều, cơ quan quản lý nhà nước lại không có thông tin về doanh nghiệp nước ngoài để hỗ trợ, bảo vệ người sử dụng dịch vụ khi cần. Nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây nước ngoài (trong đó có dịch vụ trung tâm dữ liệu) chiếm 80,32%, nhà cung cấp trong nước là 19,68%. Điều đó đặt ra một số vấn đề liên quan đến người sử dụng dịch vụ:
- Nguy cơ mất dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư, an toàn dữ liệu của người sử dụng do người sử dụng không kiểm soát được địa điểm đặt dữ liệu, nhất là đối với những dữ liệu quan trọng, cần độ bảo mật cao, dữ liệu có khả năng bị khai thác bất hợp pháp, nguy cơ lộ lọt thông tin.
- Người sử dụng dịch vụ có thể bị mất dữ liệu hoặc không sử dụng được dịch vụ theo hợp đồng, bị xâm phạm bản quyền khi chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu.
- Việc xây dựng các trung tâm dữ liệu không theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn dẫn đến quyền lợi người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, khi doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng mạng đồng thời thiết lập trung tâm dữ liệu để khai thác thêm các dịch vụ mới, kinh doanh trung tâm dữ liệu. Doanh nghiệp viễn thông có thể có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp kinh doanh trung tâm dữ liệu khác như làm giảm chất lượng kết nối, ép giá thuê đường truyền dẫn… gây ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường và quyền lợi của người sử dụng.
Khung pháp lý hiện chưa có đầy đủ chính sách quản lý, thúc đẩy phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây nên trung tâm dữ liệu ở nước ta phát triển kém hơn với quy mô nhỏ (mới chỉ có 27 trung tâm dữ liệu của 8 doanh nghiệp trong đó có 6 doanh nghiệp viễn thông, số lượng máy chủ ít, hơn 120 nghìn máy chủ - tương đương khoảng khoảng 480 nghìn CPU), dịch vụ điện toán đám mây chủ yếu của các doanh nghiệp nước ngoài, chưa có chính sách quản lý về chất lượng, bảo mật, bảo vệ quyền lợi người sử dụng, chưa có các quy định quản lý việc kinh doanh dịch vụ này dẫn đến khoảng trống pháp lý, đòi hỏi phải sớm được bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật.
  Nhằm hoàn thiện khung pháp lý về quản lý kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây, sau khi nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, học hỏi một số quốc gia trên thế giới, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đề xuất bổ sung một chương quy định về kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây. Nội dung chính của chương này là phân loại dịch vụ và quy định điều kiện kinh doanh, cách thức đăng ký kinh doanh, quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ đám mây. Phương án đề xuất dự kiến sẽ mang đến nhiều tác động tích cực từ góc độ quản lý nhà nước cũng như đối với các doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ./.

Phan Thanh Huyền - Vụ Pháp chế