Chính sách, pháp luật

ĐỀ XUẤT NGHIÊN CỨU SỬA ĐỔI MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN VỀ PHƯƠNG THỨC ĐẤU GIÁ TẦN SỐ

23/12/2022 08:18 SA

 Bộ Tư pháp đang chủ trì nghiên cứu, hoàn thiện đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trước yêu cầu thực tiễn của hoạt động đấu giá, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá theo hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản là rất cần thiết và cấp bách. Do đó, việc kịp thời xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản vào lúc này là cần thiết và đáp ứng nhu cầu phát triển tất yếu của hoạt động đấu giá tài sản nói chung.

Đấu giá tần số vô tuyến điện, cụ thể ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới là đấu giá băng tần, là một hoạt động mang tính đặc thù rất cao. Trong thực tế đấu giá ở nhiều nước đến nay, mỗi cuộc đấu giá chỉ có rất ít doanh nghiệp tham gia do đặc thù ngành, nhưng một doanh nghiệp lại không được quyền mua toàn bộ số lượng băng tần đem bán trong 01 cuộc đấu giá, nên khó bảo đảm tiêu chí luôn luôn có 2 người tham gia đấu giá 1 khối băng tần.
Để vẫn đảm bảo tính cạnh tranh của cuộc đấu giá, bảo đảm các doanh nghiệp trúng đấu giá mua được các khối băng tần liền kề, giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu quả sử dụng, thế giới đã tìm ra phương thức đấu giá riêng áp dụng cho tần số. Theo đó, trong một băng tần đấu giá sẽ được chia thành nhiều khối cơ sở và quy định giới hạn số lượng khối cơ sở mà một doanh nghiệp được mua. Căn cứ vào diễn biến của cuộc đấu giá, doanh nghiệp chủ động quyết định số lượng khối băng tần mua. Đó là cách đấu giá CCA (Combinatorial clock auction). Cách này gồm 02 giai đoạn chính:
 1. Giai đoạn xác định số lượng khối băng tần mà mỗi doanh nghiệp mua được: Tại mỗi vòng trả giá doanh nghiệp được quyền quyết định số lượng khối băng tần muốn mua theo mức giá do cơ quan quản lý xác định và được phép giảm dần số lượng khối băng tần muốn mua. Cuộc đấu giá kết thúc khi tổng số khối băng tần muốn mua của tất các doanh nghiệp nhỏ hơn hoặc bằng tổng số khối băng tần đấu giá.
2. Giai đoạn xác định vị trí khối băng tần trúng đấu giá của các doanh nghiệp: doanh nghiệp trả giá một vòng duy nhất. Doanh nghiệp trả giá cao nhất là doanh nghiệp đầu tiên được chọn vị trí khối băng tần trúng đấu giá, lần lượt đến các doanh nghiệp trả giá cao thứ hai, thứ ba,....theo vị trí sắp đặt của cơ quan quản lý, bảo đảm tất cả các doanh nghiệp trúng đấu giá các khối băng tần liên tiếp, liền kề.
Cục Tần số vô tuyến điện đã thu thập dữ liệu và khảo sát 58 cuộc đấu giá băng tần 2.6 GHz và 3.5 GHz những năm gần đây, thì đã có 46 nước trên thế giới áp dụng phương thức đấu giá CCA. Tác giả của phương thức đấu giá CCA (các ông Paul R. Milgrom và Robert B. Wilson, đã được nhận giải Nobel kinh tế năm 2020 cho đề xuất về cách đấu giá này).
Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đấu giá tài sản về phương thức đấu giá tần số như sau:
1.      Bổ sung thêm 1 điều về phương thức đấu giá đặc thù của đấu giá tần số vô tuyến điện (CCA).
2.      Bổ sung vào Luật Đấu giá tài sản một số quy định về các tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
3.      Đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về xử lý tình huống trong trường hợp đấu giá tài sản công nhưng không thành, cụ thể: tại cuộc đấu giá lại, khi đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia cuộc đấu giá hoặc có nhiều người tham gia cuộc đấu giá nhưng chỉ có một người trả giá hoặc có nhiều người trả giá nhưng chỉ có một người trả giá cao nhất và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm thì tài sản được bán cho người đó.  
Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Bộ TT&TT đã đề xuất bổ sung vào Luật Tần số vô tuyến điện một điều riêng quy định về cách đấu giá đặc thù của đấu giá tần số vô tuyến điện, đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 của Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 để quy định việc đấu giá tần số vô tuyến điện thực hiện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện và các quy định khác của Luật Đấu giá tài sản. Sau khi xem xét, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội đề nghị không đưa đấu giá đặc thù quyền sử dụng tần số VTĐ vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tần số vô tuyến điện, mà sẽ đề nghị sửa đổi trong Luật Đấu giá tài sản. Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vừa được ban hành cũng chưa có quy định về đấu giá tần số đặc thù.
Chính vì thế, trong thời gian tới đây, khi Bộ Tư pháp đang trong quá trình nghiên cứu đề xuất xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu kỹ hơn các nội dung trên và đề xuất bổ sung các nội dung trên vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản để trình Chính phủ xem xét, sớm tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động đấu giá tần số.

Nguyễn Thị Đàm Liên - Vụ Pháp chế