Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16 tháng 12 năm 2021 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV (sau đây gọi là Quyết định số 2114/QĐ-TTg), Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện nghiên cứu, rà soát 115 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực được nhóm theo thẩm quyền và nội dung có liên quan đến Luật GDĐT 2005, bao gồm 26 luật, bộ luật, 25 Nghị định, 08 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 56 Thông tư, Thông tư liên tịch.
Kết quả rà soát cho thấy có 10 nội dung/ hóm nội dung có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn, cụ thể như sau:
Thứ nhất,phạm vi điều chỉnh chưa phù hợp với thực tiễn ứng dụng và phát triển GDĐT hiện nay: Điều 1 Luật GDĐT 2005 loại trừ không áp dụng giao dịch điện tử đối với “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác”. Việc loại trừ này gây khó khăn cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cũng như triển khai ứng dụng giao dịch điện tử trong các lĩnh vực thuộc phạm vi kể trên.
Thứ hai,quy định về chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu: Giống như xác thực điện tử, mặc dù không có căn cứ từ Luật, một số lĩnh vực chuyên ngành (tài chính, bảo hiểm, văn thư lưu trữ,...) vẫn phải ban hành các quy định để giải quyết yêu cầu từ thực tiễn phát sinh như Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 quy định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Nghị định số 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, Nghị định số 166/2016/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp đã quy định về vấn đề này, một số lĩnh vực khác chưa có quy định hướng dẫn khiến việc triển khai còn lúng túng.
Thứ ba,quy định về giá trị pháp lý, chứng cứ của thông điệp dữ liệu còn chưa rõ ràng
: Luật mẫu về Thương mại điện tử 1998 của UNCITRAL quy định về thông điệp dữ liệu gồm Áp dụng các yêu cầu pháp lý đối với thông điệp dữ liệu (
giá trị pháp lý, các vấn đề về văn bản, chữ ký, bản gốc, tính xác thực và khả năng được chấp nhận của thông điệp dữ liệu, lưu giữ các thông điệp dữ liệu), Thông tin liên lạc bằng thông điệp dữ liệu (
hình thức hợp đồng và giá trị pháp lý của hợp đồng, công nhận của các bên đối với thông điệp dữ liệu, phân bổ thông điệp dữ liệu, thông báo xác nhận đã nhận được thông điệp dữ liệu, thời gian, địa điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu) tại chương II và chương III, Phần I của Luật. Đối chiếu các quy định của Luật GDĐT 2005 về cơ bản tuân thủ Luật mẫu nên vẫn còn giá trị pháp lý, một số nội dung khác cần xem xét sửa đổi, bổ sung phù hợp với các yếu tố công nghệ và công tác quản lý của các ngành, lĩnh vực trong tình hình mới.
Thứ tư,quy định về thời gian, địa điểm gửi, nhận thông điệp dữ liệu chưa phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế: thời gian gửi, nhận thông điệp dữ liệu theo quy định tại Luật GDĐT 2005 là chưa phù hợp với thực tiễn và đặc điểm của giao dịch điện tử trên không gian mạng. Luật GDĐT cần nghiên cứu sửa đổi các quy định về thời điểm và địa điểm gửi, nhận thông điệp dữ liệu theo hướng nghiên cứu quy định của Công ước, bảo đảm pháp luật về giao dịch điện tử của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ năm, quy định về lưu trữ thông điệp dữ liệu chưa rõ, chưa liên kết, đồng bộ với pháp luật lưu trữ, thiếu quy định về lưu vết giao dịch nhằm bảo đảm truy vấn lấy lại được thông tin giao dịch làm bằng chứng.
Thứ sáu, quy định về giao kết và hợp đồng điện tử: Hiện tại, pháp luật dân sự đã quy định khá chi tiết về giao kết, thực hiện, sửa đổi, chấm dứt hợp đồng và một số hợp đồng thông dụng. Nhận thấy, quy định này khá chi tiết và không có vướng mắc trong quá trình triển khai. Khoản 2, điều 35 Luật GDĐT 2005 đã dẫn chiếu ‘
Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về hợp đồng’. Các quy định này vẫn còn giá trị kế thừa, tuy nhiên, đối với môi trường giao dịch điện tử, cần xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử một cách phù hợp.
Thứ bảy, quy định về GDĐT của cơ quan nhà nước: Hiện nay, hoạt động Chính phủ điện tử, thành phố thông minh cũng như công cuộc chuyển đổi số đã và đang phát triển rất mạnh mẽ, các dịch vụ công trực tuyến cũng đã phát triển mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nhiều dịch vụ công mức độ 4 đã được triển khai. Thực tế đó đòi hỏi các quy định về GDĐT trong cơ quan nhà nước cần phải được rà soát, bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế phát triển.
Thứ tám, quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong GDĐT: Sau gần 17 năm, lĩnh vực an toàn, an ninh mạng đã có bước tiến về công nghệ và pháp lý đặc biệt bảo đảm an toàn cho các giao dịch điện tử, hệ thống giao dịch điện tử, thông điệp dữ liệu. Do đó, cần cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung các quy định trong Luật Giao dịch điện tử đảm bảo an toàn thông điệp dữ liệu trong ngữ cảnh đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.
Thứ chín, quy định về dịch vụ tin cậy và nhà cung cấp dịch vụ tin cậy: Dịch vụ tin cậy đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm niềm tin của các cơ quan, tổ chức đối với GDĐT. Luật GDĐT 2005 quy định về dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, hiện tồn tại một số vướng mắc trong công tác triển khai, quản lý rất cần sửa đổi, bổ sung. Hơn nữa, ngoài chữ ký điện tử cần nghiên cứu, bổ sung các loại hình dịch vụ tin cậy mới và dịch vụ xác thực thông điệp dữ liệu để đáp ứng nhu cầu ứng dụng GDĐT trong thực tiễn, phù hợp xu thế phát triển.
Cuối cùng, quy định về tranh chấp và xử lý vi phạm: Các khía cạnh liên quan đến tranh chấp của giao dịch truyền thống được quy định khá chi tiết trong nhiều luật khác nhau. Quy định các vấn đề liên quan trong giải quyết tranh chấp của GDĐT trong Luật GDĐT 2005 còn thiếu hoặc chưa có các quy định dẫn chiếu cụ thể đến pháp luật chuyên ngành về phương thức giải quyết tranh chấp đặc thù, liên quan đến việc ký kết và thực hiện GDĐT. Hiện tại, Hành lang pháp lý về tranh chấp và xử lý tranh chấp hiện hành đã khá đầy đủ và chi tiết, không có khó khăn vướng mắc. Giao dịch điện tử hiện cũng không có nội dung quy định mới, đặc thù. Theo Luật ban hành văn bản năm 2015 “
Không quy định chương riêng về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm trong văn bản quy phạm pháp luật nếu không có nội dung mới.”
Trên cơ sở kết quả rà soát, việc xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là việc làm cần thiết nhằm giải quyết, khắc phục triệt để những tồn tại, vướng mắc, bất cập và bảo đảm phù hợp với thực tiễn của sự phát triển trong giai đoạn hiện nay./.