Xây dựng pháp luật

BÁO CÁO RÀ SOÁT LUẬT VIỄN THÔNG

20/12/2022 09:18 SA

 Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16 tháng 12 năm 2021 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV (sau đây gọi là Quyết định số 2114/QĐ-TTg), Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện nghiên cứu, rà soát 324 văn bản (trong đó 64 luật, bộ luật, 77 nghị định, 08 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 165 thông tư và 10 thông tư liên tịch trong lĩnh vực viễn thông và các lĩnh vực khác có liên quan.

Kết quả sau rà soát có 30 nội dung quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn, trong đó có 04 nội dung quy định mâu thuẫn, chồng chéo; 26 nội dung quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn.
Nhóm quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bao gồm: (1) Các nội dung liên quan đến quy trình, thủ tục và các cụm từ như "Giấy chứng nhận đầu tư", "Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh"… quy định tại Điều 18 Luật Viễn thông hiện chưa phù hợp với Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020; (2)  Một số nội dung liên quan đến tập trung kinh tế trong lĩnh vực viễn thông được quy định tại Điều 19 (Khoản 5,6,7) Luật Viễn thông hiện đã không còn phù hợp với Luật Cạnh tranh 2018; (3) Các thuật ngữ “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” và “Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư” quy định tại Điều 36 Luật Viễn thông không còn phù hợp với Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020; (4) Thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quy định đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông tại Điều 48 Luật Viễn thông hiện không phù hợp với Luật Quản lý sử dụng tài sản công.
Nhóm quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn, bao gồm:
(1) Về phạm vi điều chỉnh, lĩnh vực viễn thông xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ mới, nhiều mô hình kinh doanh mới, cần xem xét phạm vi điều chỉnh của luật để đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn, xem xét chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông trong giai đoạn mới, chính sách quản lý và các loại hình dịch vụ viễn thông mới. Đồng thời, mở rộng đối tượng áp dụng tương ứng với phạm vi điều chỉnh của luật.
(2) Về một số thuật ngữ, một số thuật ngữ tại Điều 3 Luật Viễn thông cần điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của công nghệ và xu thế hội tụ giữa viễn thông với công nghệ thông tin với thực tiễn, chẳng hạn như: khái niệm dịch vụ viễn thông không chỉ bó hẹp trong các dịch vụ thông tin liên lạc giữa người với người mà còn bao gồm các dịch vụ truyền đưa thông tin, dữ liệu giữa người với máy, máy với máy (IoT),...; bổ sung một số khái niệm mới để đồng bộ với sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh của luật, ví dụ dịch vụ trung tâm dữ liệu,...
(3) Về hình thức cấp phép viễn thông: điều kiện cấp phép có sự phân biệt giữa 02 loại hình giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông (giấy phép thiết lập mạng có thêm điều kiện về vốn pháp định và cam kết đầu tư phân biệt với từng loại mạng viễn thông so với giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông), tuy nhiên, thủ tục cấp phép, hồ sơ, quy trình xử lý hồ sơ đều được thực hiện như nhau, không phân biệt theo loại giấy phép, loại mạng viễn thông và loại hình dịch vụ. Các doanh nghiệp xin giấy phép đều phải chuẩn bị hồ sơ với phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh trong 5 năm đầu phức tạp, phải gửi 05 bộ hồ sơ đến cơ quan quản lý chuyên ngành viễn thông, chờ 15 ngày để thẩm định và cấp giấy phép dẫn đến bất cập là hình thức cấp phép chưa phù hợp với đối tượng xin cấp phép cũng như loại giấy phép.
(4) Về điều kiện cấp phép viễn thông: Điều kiện cấp phép là cam kết đầu tư chưa phù hợp, chưa đảm bảo mục tiêu phổ cập dịch vụ đối với doanh nghiệp được cấp phép, nhiều doanh nghiệp xin cấp giấy phép thiết lập hạ tầng mạng chỉ tập trung đầu tư vào những khu vực kinh doanh hiệu quả, thuận lợi; quy định điều kiện vốn pháp định không còn phù hợp với Luật Doanh nghiệp.
Mức cam kết đầu tư chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp lần đầu xin giấy phép thiết lập mạng. Khi doanh nghiệp được cấp phép thêm tài nguyên (tần số), chưa có quy định các điều kiện bổ sung về triển khai mạng lưới, vùng phủ dẫn đến sự bất bình đẳng với các doanh nghiệp mới xin cấp phép. Ngoài ra, thời hạn giấy phép thiết lập mạng chưa được quy định gia hạn khi doanh nghiệp có quyền được cấp phép thêm tài nguyên tần số.
(5) Về thời hạn giấy phép: Theo quy định của Luật Viễn thông, giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, có thời hạn không quá 15 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng, Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, có thời hạn không quá 10 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng và chưa có quy định về giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông cấp cho doanh nghiệp có hạ tầng mạng. Doanh nghiệp hạ tầng mạng không được phép cung cấp dịch vụ viễn thông nếu không có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông.
(6) Về sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép viễn thông: Điều 39 Luật Viễn thông chưa quy định đầy đủ các trường hợp thu hồi giấy phép viễn thông như: doanh nghiệp muốn chủ động dừng kinh doanh; doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng các quy định về kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp gặp khó khăn khi hoạt động kinh doanh viễn thông không hiệu quả, ảnh hưởng quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Luật cũng chưa có quy định về trường hợp thu hồi tần số thì phải sửa đổi, bổ sung giấy phép viễn thông như thế nào.
(7) Về thiết lập mạng viễn thông dùng riêng: Điểm b Khoản 5 Điều 24 quy định “Mạng viễn thông dùng riêng mà thành viên của mạng là tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có cùng mục đích, tính chất hoạt động và được liên kết với nhau bằng điều lệ tổ chức và hoạt động hoặc hình thức khác” thuộc trường hợp thiết lập mạng viễn thông dùng riêng. Thực tiễn cho thấy trường hợp này không cần quản lý và cấp phép viễn thông, nên điều chỉnh để giảm bớt gánh nặng về thủ tục cho các tổ chức, cá nhân.
(8) Về quản lý thị trường bán buôn: Viễn thông là ngành nghề kinh doanh có điều kiện với tài nguyên viễn thông là hữu hạn nên điều kiện cấp phép khi thiết lập hạ tầng viễn thông là phải cho thuê hạ tầng. Để mở cửa thị trường và thúc đẩy cạnh tranh, Luật Viễn thông 2009 đã có quy định về quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp có hạ tầng mạng trong việc cho doanh nghiệp viễn thông khác thuê cơ sở hạ tầng viễn thông để cung cấp dịch vụ và đã xuất hiện thị trường bán buôn. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành luật, 03 doanh nghiệp mạng di động ảo - doanh nghiệp không sở hữu quyền sử dụng tần số (MVNO) phải mất đến vài năm để đàm phán thành công giá mua buôn lưu lượng. Thị trường mạng di động ảo theo đó không phát triển, dịch vụ cung cấp tới người sử dụng bị hạn chế một phần, chưa thúc đẩy phát triển dịch vụ mới.
(9) Về sở hữu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông: Điều 17 Luật Viễn thông chưa nêu rõ trường hợp sở hữu chéo là trực tiếp hay gián tiếp, cần xem xét bổ sung, làm rõ để đảm bảo đầy đủ quy định phục vụ công tác thực thi.
(10) Về cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông: Khoản 2 Điều 19 Luật Viễn thông quy định các hành vi cạnh tranh bị cấm mang tính đặc thù trong hoạt động viễn thông. Các hành vi này cần được rà soát, cập nhật thêm để phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông hiện nay. Ngoài ra. Điều 19 cũng chưa quy định đầy đủ khung quản lý cạnh tranh tiền kiểm theo thông lệ quốc tế bao gồm: xác định thị trường, đánh giá mức độ cạnh tranh trên thị trường, xác định doanh nghiệp thống lĩnh thị trường (SMP), quy định các biện pháp quản lý SMP.
(11) Về quy định đối với doanh nghiệp thống lĩnh thị trường: Theo thông lệ quốc tế và cam kết quốc tế của Việt Nam, để đảm bảo thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp nắm giữ phương tiện viễn thông thiết yếu, doanh nghiệp thống lĩnh thị trường (SMP) phải tuân thủ thêm một số quy định, nghĩa vụ như: quy định phải cung cấp các dịch vụ viễn thông theo hình thức bán buôn cho doanh nghiệp khác để bán lại dịch vụ; quy định về chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông, phương tiện thiết yếu; quy định về việc thực hiện hạch toán chi phí, xác định giá thành dịch vụ; quy định về quản lý giá cước viễn thông,... chế độ thống kê, kế toán riêng đối với dịch vụ thống lĩnh thị trường và xác định giá thành dịch vụ. Tuy nhiên các quy định này chưa có hoặc chưa được quy định đầy đủ trong Luật Viễn thông hiện hành.
(12) Về quản lý dịch vụ thông tin vệ tinh: Xu thế thông tin vệ tinh mới (vệ tinh tầm thấp phát triển) đặt ra các vấn đề quản lý mới như quản lý việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, an ninh quốc phòng...
(13) Về kết nối viễn thông: Hiện nay, các quy định về quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối Internet khi kết nối với nhau và với VNNIC còn chưa rõ hoặc mới chỉ được quy định ở cấp Nghị định của Chính phủ, chưa quy định được nguyên tắc, tiêu chuẩn đấu nối, tiêu chuẩn chất lượng kết nối Internet phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa có cơ chế quản lý giá đối với giá cước kết nối Internet dẫn đến có tình trạng các doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ.
(14) Về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông: Điều 5 Khoản 8 giao thẩm quyền cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định việc bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin trong hoạt động viễn thông không còn phù hợp trong bối cảnh hệ thống pháp luật chung có nhiều thay đổi (Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin,...).  
(15) Về quản lý doanh nghiệp cho thuê hạ tầng viễn thông thụ động: Đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông công cộng có thể hiểu bao gồm thiết lập mạng viễn thông công cộng và thiết lập các cơ sở hạ tầng khác (hạ tầng viễn thông thụ động) để cho thuê công cộng. Thực tế hiện nay cũng đang có các doanh nghiệp (không phải doanh nghiệp viễn thông) triển khai thực hiện hai hoạt động trên. Tuy nhiên, các điều khoản quy định trong Luật Viễn thông mới chỉ quy định quản lý đối tượng doanh nghiệp viễn thông thiết lập mạng viễn thông, chưa quản lý đối tượng doanh nghiệp chỉ thiết lập và cho thuê hạ tầng viễn thông thụ động.
(16) Về sử dụng đất để xây dựng hạ tầng viễn thông và quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động: Điều 57 Luật Viễn thông quy định công trình viễn thông được ưu tiên sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, lòng sông, đáy biển. Tuy nhiên việc triển khai xây dựng, lắp đặt hạ tầng viễn thông trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Luật Đất đai, Luật Quản lý tài sản công có quy định nghiệm cấm việc sử dụng đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp vào mục đích khác. Do đó, các doanh nghiệp viễn thông gặp nhiều khó khăn trong việc thuê vị trí, mặt bằng của các chủ thể được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất, tài sản công để xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông. Ngoài ra, quy định của Luật Viễn thông về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động là nội dung bắt buộc trong quy hoạch xây dựng công trình giao thông, khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu kinh tế,... cần được cụ thể hóa thêm về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan để bảo đảm thực thi đầy đủ trên thực tế.
(17) Về dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông: Việc dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông của các doanh nghiệp còn thấp khoảng 20.3% đối với cột ăng ten (cùng một vị trí cả 3 nhà mạng Vinaphone, Mobifone, Viettel đều xây dựng, lắp đặt cột BTS gây mất mỹ quan đô thị và tốn kém kinh phí).  
(18) Về xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến hạ tầng viễn thông: Quy hoạch công trình viễn thông được quy định tại các khoản 2,3 Điều 57 Luật Viễn thông, tuy nhiên, chưa có hướng dẫn, quy chuẩn cụ thể về triển khai hạ tầng viễn thông, đặc biệt hạ tầng viễn thông trên hệ thống đường cao tốc, đường hầm, đường trên cao, hệ thống cầu đường bộ. Đồng thời, chưa có quy định về việc bắt buộc phải ngầm hóa cáp viễn thông, truyền hình đối với các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới… cũng như các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể.
(19) Về quy định đối với doanh nghiệp nắm giữ phương tiện viễn thông thiết yếu: Hiện nay quy định về việc xác định “phương tiện viễn thông thiết yếu”, “doanh nghiệp nắm giữ phương tiện viễn thông thiết yếu”, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông đối với các phương tiện thiết yếu còn chưa rõ ràng, đầy đủ.
(20) Về các loại giá cước: Điều 53 Khoản 3 Luật Viễn thông, giá cước giữa các doanh nghiệp viễn thông chưa đầy đủ đối với hoạt động sử dụng mạng viễn thông của doanh nghiệp viễn thông khác. Ngoài ra cũng chưa có quy định về giá thuê cơ sở hạ tầng thụ động.
(21) Về hình thức quản lý giá cước: Điều 56 Luật Viễn thông chưa quy định rõ ràng các hình thức quản lý giá cước. Hiện nay theo dự thảo Luật giá (sửa đổi) có các hình thức quản lý giá như sau: Định giá cụ thể; giá trần; giá sàn; khung giá; giá tham chiếu; quy định phương pháp xác định giá. Do đó, cần điều chỉnh cho phù hợp.
(22) Về bảo vệ quyền lợi của người sử dụng: Xuất hiện thêm nhiều loại hình dịch vụ mới, phạm vi quản lý của hoạt động viễn thông được mở rộng, rủi ro người dùng gặp phải càng nhiều. Việc đảm bảo bí mật thông tin riêng của người sử dụng không chỉ dừng lại là thông tin về cuộc gọi như đang quy định trong Luật mà cần mở rộng các thông tin riêng khác, đảm bảo giảm thiểu tối đa rủi ro người dùng có thể gặp phải.
(23) Về quản lý thông tin thuê bao: Hiện nay vẫn còn những vấn đề bất cập trong quản lý, đăng ký xác thực thông tin người dùng, vẫn còn vấn đề sim rác, cuộc gọi rác, thông tin đăng ký không chính chủ. Bên cạnh đó, cần xem xét tạo điều kiện cho người sử dụng dịch vụ di động có thể đăng ký thông tin thuê bao qua kênh online để phù hợp với chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng CN lần thứ 4 và chuyển đổi số quốc gia được nêu tại NQ 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị. Đồng thời, xem xét cho phép các doanh nghiệp viễn thông có thể kết nối với cơ sở dữ liệu căn cước công dân của Bộ Công an để đối chiếu, xác thực các thông tin do khách hàng cung cấp nhằm thuận tiện trong việc quản lý thông tin thuê bao.
(24) Về xử phạt doanh nghiệp: Hiện có nhiều trường hợp doanh nghiệp viễn thông không thu hồi, thanh thải cáp thuê bao, thiết bị viễn thông, cần xem xét biện pháp xử lý dứt điểm.
(25) Về cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Luật Viễn thông chưa có quy định cụ thể các trường hợp mà doanh nghiệp viễn thông phải cung cấp thông tin thuê bao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền (các trường hợp phục vụ xử lý vi phạm hành chính), chưa quy định cụ thể cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được yêu cầu doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp cung cấp thông tin thuê bao là những cơ quan nào.
(26) Về các số liên lạc khẩn cấp: Điều 29 Luật Viễn thông đã có quy định liên quan đến các số liên lạc khẩn cấp, tuy nhiên, cần xem xét mở rộng phạm vi các số liên lạc khẩn cấp trong các trường hợp tìm kiếm cứu nạn, dịch bệnh…
Hiện nay, dịch vụ điện thoại cố định đang ở thời kỳ thoái trào, bị thay thế bởi dịch vụ điện thoại di động. Do đó lưu lượng gọi đến các số liên lạc khẩn cấp từ điện thoại cố định nội hạt rất nhỏ, hầu hết lưu lượng phát sinh là từ điện thoại di động. Cần xem xét điều chỉnh quy định cho phù hợp.
Từ kết quả rà soát nêu trên, việc sửa đổi Luật Viễn thông là việc làm cần thiết nhằm giải quyết, khắc phục triệt để những tồn tại, vướng mắc, bất cập và bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển của lĩnh vực viễn thông trong giai đoạn hiện nay./.

Phan Thanh Huyền - Vụ Pháp chế