Sau 10 năm triển khai Luật Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành rà soát và phát hiện ra một số nội dung bất cập, không phù hợp với thực tiễn hoặc chưa phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật liên quan như sau:
Quy định chưa phù hợp với văn bản QPPL liên quan: Tại điểm a khoản 2 Điều 21 Luật Bưu chính quy định doanh nghiệp được cấp giấy phép bưu chính khi “Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực bưu chính”.Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 đã thay hình thức “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” (Luật Doanh nghiệp 2005) bằng “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”; Luật Đầu tư 2020 đã thay hình thức “Giấy chứng nhận đầu tư” (Luật Đầu tư 2005) bằng “Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”.
Một số quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn (08 nhóm quy định), bao gồm: thiếu quy định về “địa điểm kinh doanh” phải thực hiện việc thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền (điểm g khoản 1 Điều 25); quy định về điều kiện có nhân sự phù hợp với phương án kinh doanh theo nội dung đề nghị được cấp giấy phép (điểm b khoản 2 Điều 21); chưa có quy định rõ ràng về hình thức “hợp đồng bưu chính” bằng văn bản điện tử; chưa quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thu hồi giấy phép bưu chính; chưa đủ chặt chẽ về “thông báo giá cước” để bảo đảm doanh nghiệp niêm yết và thực hiện đúng giá đã thông báo, chưa có quy định về “khuyến mại” để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp "giảm giá, hạ giá" liên tục, kéo dài không trong thời gian khuyến mại, có tính chất bất thường, ảnh hưởng đến tính lành mạnh và bền vững của thị trường (Điều 28); chưa quy định rõ trách nhiệm của người gửi trong việc cung cấp đầy đủ các thông tin cho doanh nghiệp bưu chính (khoản 15 Điều 3); các quy định liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC) cần tiếp tục xem xét để điều chỉnh trong tiến trình cải cách hành chính của Chính phủ nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục gia nhập thị trường vàLuật Bưu chính chưa có các quy định về chữ ký số, an toàn thông tin, dữ liệu người dùng, định danh và xác thực điện tử…
Có thể thấy, hầu hết một số quy định bất cập, chưa phù hợp tại Luật Bưu chính đã được kịp thời xử lý tại Nghị định số 25/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật bưu chính. Do vậy, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bưu chính giai đoạn hiện nay là chưa cần thiết. Một số nội dung chưa phù hợp về mặt kỹ thuật nên được sửa ghép với các luật khác theo phương án một luật sửa nhiều luật để tiết kiệm nguồn lực cho cơ quan nhà nước và cho xã hội.
Trên đây là một số những vấn đề đang còn bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Bưu chính đã được Bộ TTTT đánh giá, báo cáo Chính phủ, chuyên mục Chính sách pháp luật được giới thiệu với bạn đọc và rất mong nhận tiếp tục nhận được ý kiến của quý vị. Trân trọng cảm ơn./.